Hàn gắn rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Pháp

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến công du Pháp bốn ngày để cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Diễn đàn hòa bình Paris và Hội nghị quốc tế về Libya. Ðây cũng là cơ hội để bà Harris thực hiện sứ mệnh hàn gắn rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Pháp sau khi xảy ra bất đồng giữa hai quốc gia đồng minh liên quan việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) tới sân bay Paris-Orly ở gần Paris, bắt đầu chuyến công du Pháp ngày 9/11. Ảnh: AFP/TTXVN
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) tới sân bay Paris-Orly ở gần Paris, bắt đầu chuyến công du Pháp ngày 9/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Tổng thống Mỹ K.Harris đã có cuộc hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, trong đó hai bên nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng ngoại giao liên quan việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS) dẫn tới việc Canberra hủy thỏa thuận mua tàu ngầm đã ký với Paris. Tổng thống Pháp Macron hoan nghênh chuyến thăm của bà Harris, đồng thời cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/10 vừa qua tại Rome (Italia) đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Theo ông Macron, hai bên có chung quan điểm rằng thế giới đã bắt đầu một kỷ nguyên mới và hợp tác Pháp - Mỹ đóng một vai trò "then chốt" trong kỷ nguyên này. 

Chia sẻ quan điểm trên, Phó Tổng thống Harris cho rằng, kỷ nguyên mới sẽ mang đến cả thách thức và cơ hội cho hai nước. Theo bà, trong quá khứ, việc đồng hành trên chặng đường có cả khó khăn và thuận lợi đã giúp Pháp và Mỹ đạt được những thành công lớn. Bà hy vọng hai nước sẽ duy trì hợp tác và khôi phục những trọng tâm trong quan hệ đối tác, dựa trên kết quả của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống hôm 29/10. 

Căng thẳng giữa Pháp và Mỹ gia tăng vào tháng 9 vừa qua, sau khi Australia, Anh và Mỹ quyết định thành lập AUKUS. Thỏa thuận này dẫn tới việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh. Pháp đã gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng" và triệu hồi các đại sứ tại Washington và Canberra.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, cũng như mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương với những lợi ích chiến lược giữa Mỹ và các nước châu Âu đã khiến hai bên có động thái xoa dịu căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã thăm Pháp. Tại cuộc gặp giữa hai Tổng thống Mỹ và Pháp mới đây bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hai bên cam kết tham vấn và phối hợp thường xuyên. Mỹ khẳng định ủng hộ nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn, nhằm đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Ðại Tây Dương, vì lợi ích chung của NATO.