Giải pháp bền vững giúp ổn định thị trường năng lượng châu Âu

Giá khí đốt tăng đột biến và các kho dự trữ ở mức thấp làm tăng lo ngại về khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi châu Âu bước vào mùa đông khắc nghiệt. Mở rộng nguồn cung để sớm hạ nhiệt sức nóng của giá nhiên liệu, châu Âu cũng chủ trương tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo, coi đó là giải pháp bền vững giúp ổn định thị trường.
 

Công nhân kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trung tâm kiểm soát khí tự nhiên ở Hajduszoboszlo, cách Budapest (Hungary) hơn 200km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trung tâm kiểm soát khí tự nhiên ở Hajduszoboszlo, cách Budapest (Hungary) hơn 200km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mùa đông lạnh giá là thời điểm nhu cầu điện và khí đốt tăng cao tại châu Âu. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá năng lượng tại châu Âu liên tiếp lập “kỷ lục” mới, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp, mức dự trữ thấp mà nhu cầu lại tăng mạnh khi các nền kinh tế khởi động lại sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch Covid-19. Riêng giá khí đốt tự nhiên tăng với tốc độ phi mã, gần 6 lần kể từ đầu năm nay. Giá nhiên liệu lên cao làm tăng các hóa đơn năng lượng, dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát, khiến nhiều nước châu Âu phải triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Tuy nhiên, trên phạm vi châu lục, các nước chưa thống nhất được phản ứng chung. Cho rằng giá nhiên liệu cao là hệ quả của “cú sốc cung ứng” do tác động từ đại dịch và cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn, nhóm các thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), do Đức và Hà Lan đi đầu, kêu gọi EU thận trọng. Trong khi đó, nhóm nước đi đầu là Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp lại đề nghị EU có phản ứng khẩn cấp, chẳng hạn EU lập quỹ ứng phó chung, hay thiết lập cơ chế “mua chung” năng lượng, tương tự cách thức phối hợp về vaccine ngừa Covid-19.

Các nước còn đề nghị điều tra nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng kỷ lục. Bởi ngoài lý do nguồn dự trữ thấp, có ý kiến còn cho rằng, việc Nga hạn chế cung cấp khí đốt để đẩy nhanh khởi động dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã “góp phần” khiến giá nhiên liệu tăng cao ở châu Âu. Nga khẳng định “không liên quan”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, trách nhiệm giải quyết tình trạng giá nhiên liệu cao thuộc về EU. Tuy nhiên, Nga sẽ tăng cung cấp khí đốt, giúp châu Âu ứng phó khủng hoảng.

Tại cuộc họp các nhà lãnh đạo EU vừa qua, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh, giá năng lượng là vấn đề ở cấp độ quốc gia, song EU vẫn cần thúc đẩy “không gian chính trị” để nhất trí cách tiếp cận chung nhằm giải quyết khủng hoảng.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), việc phối hợp chính sách giữa các thành viên EU chỉ là phản ứng khẩn cấp với tình trạng giá khí đốt tăng cao. Giải pháp bền vững là tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo. Vừa bảo đảm ổn định thị trường, vừa giúp châu Âu giảm phụ thuộc nguồn khí đốt nhập khẩu, hiện chiếm tới 90% tổng lượng khí đốt ở “lục địa già”.