Động lực và sự thận trọng

Năm nay, các nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc, khu vực đồng ơ-rô và một số nền kinh tế châu Á được hy vọng sẽ là động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch ở Ấn Độ dẫn tới sự thận trọng hơn của các nước khác khi mở cửa trở lại nền kinh tế.

Hoạt động kinh tế Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng vắc-xin ngừa Covid-19 và gói hỗ trợ tài chính trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn. Nền kinh tế đầu tàu thế giới đang trên đà tăng trưởng mạnh hơn và được dự báo tăng tốc từ mùa xuân nhờ niềm tin ngày càng tăng của người tiêu dùng. Thị trường lao động Mỹ cũng được cải thiện khi nhiều người trở lại làm việc hơn, với tốc độ tuyển dụng tăng mạnh nhất trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, giải trí và khách sạn. Nền kinh tế Mỹ được đánh giá đang ở "điểm uốn", nơi tốc độ tăng trưởng và tuyển dụng có thể tăng nhanh trong những tháng tới. Theo Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế đã tạo thêm 916.000 việc làm trong tháng 3 vừa qua, mức tăng lớn nhất trong bảy tháng qua. Cũng trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong gần chín năm qua.

Nền kinh tế khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã ghi nhận đà phục hồi nhanh chóng trong tháng 4, dù các nước vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh. Khu vực này đang chứng kiến hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất kể từ mùa hè năm ngoái nhờ sự bùng nổ của sản xuất. Lĩnh vực dịch vụ cũng lần đầu tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8-2020. Việc các công ty thích nghi với tình hình dịch bệnh và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai đã giúp lĩnh vực dịch vụ quay lại đà tăng trưởng. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng từ 53,2 điểm trong tháng 3 lên 53,7 điểm trong tháng 4. Đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động kinh doanh của Eurozone tăng trưởng sau bốn tháng suy giảm liên tiếp.

Khu vực châu Á cũng được đánh giá là động lực chính cho quá trình phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2021 có thể đạt ít nhất 6,5%, phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,7% của năm ngoái. Các quốc gia châu Á nói chung đã tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đầu sự phục hồi thương mại và đầu tư. Các biện pháp chống dịch hiệu quả và hoạt động sản xuất được khôi phục ở Trung Quốc và Hàn Quốc đã giúp hai nước này nằm trong những yếu tố chính dẫn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của châu lục. Kinh tế Trung Quốc trong quý I vừa qua tăng trưởng 18,3% so cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng quý cao nhất kể từ năm 1992, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và quốc tế tăng mạnh. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% trong năm 2021. Tuy nhiên giới chuyên gia dự báo, nền kinh tế thứ hai thế giới có thể tăng trưởng khoảng 8,6%. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong quý I vừa qua đạt 146,5 tỷ USD, tăng 12,5% so cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI), nhờ sự phục hồi của xuất khẩu, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có khả năng đạt 3,5% trong năm nay, tăng mạnh so với mức giảm 1% của năm ngoái. Riêng Ấn Độ có thể bị cản trở sự phục hồi bởi đại dịch bùng phát nghiêm trọng. Theo đó, CARE Ratings hạ dự báo tăng trưởng GDP tài khóa 2021 - 2022 của Ấn Độ từ mức 10,7% đến 10,9% dự báo trước đó xuống 10,2%.

Tình hình đại dịch dường như mất kiểm soát ở Ấn Độ là "tiếng chuông cảnh báo" cho các nước khác phải cân nhắc và thận trọng hơn khi đưa ra quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa nền kinh tế; đồng thời cho thấy một điều cần thiết là các nước đã khống chế tốt đại dịch cần tăng cường hỗ trợ những quốc gia đang phải vật lộn với làn sóng dịch mới. Việc tiếp cận vắc-xin công bằng cũng là yếu tố quyết định để ngăn chặn đại dịch, bởi bất kể sự chậm trễ nào trong việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đều gây rủi ro lớn cho nền kinh tế toàn cầu.