Đầu tàu kinh tế châu Âu gặp khó

Chính phủ Đức vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế “đầu tàu” của châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn như số ca mắc Covid-19 gia tăng đột biến, doanh nghiệp gặp khó vì chuỗi cung ứng gián đoạn, trong khi lạm phát tăng cao.

Dây chuyền lắp ráp ô-tô ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Reuters)
Dây chuyền lắp ráp ô-tô ở Wolfsburg, Đức. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù Ngân hàng Trung ương Đức dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay, nhưng Bộ Kinh tế Đức vừa công bố dự báo mới nhất cho rằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức chỉ tăng 3,6% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này cũng giảm so với mức dự báo 4,1% của Bộ Kinh tế Đức đưa ra trước đó. Biến thể Omicron khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt là “thủ phạm” chính cản bước đà tăng trưởng của nền kinh tế số một châu Âu. Các chuyên gia kinh tế của Đức cho rằng, kinh tế nước này chỉ phục hồi ổn định khi làn sóng dịch Covid-19 chững lại và những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu dần được khắc phục trong năm 2022.

Đức, quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu, đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và thiếu nguyên liệu sản xuất do dịch bệnh kéo dài. Kết quả cuộc khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đối với 3.200 doanh nghiệp thành viên đang hoạt động ở nước ngoài cho thấy hơn 50% số công ty Đức hiện đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng hoặc logistics. Trước tình hình này, các công ty buộc phải đa dạng hóa nhà cung cấp, rút ngắn lộ trình giao hàng, cũng như chuyển địa điểm sản xuất của mình. Kết quả khảo sát cho thấy, 54% số công ty đang có  kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng hoặc đã làm như vậy. Trong số các công ty đó, 72% đang tìm kiếm hoặc bổ sung các nhà cung cấp mới, 32% có kế hoạch rút ngắn hoặc thay đổi lộ trình giao hàng và 15% quyết tâm chuyển địa điểm sản xuất của mình.

Năm 2021, nền kinh tế Đức đạt tăng trưởng trở lại với 2,7%, sau khi sản lượng kinh tế suy giảm 4,6% trong năm 2020, chủ yếu do tình trạng phong tỏa trên cả nước, cũng như chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, đà phục hồi của kinh tế Đức đã chững lại khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại những tuần gần đây. Viện Kinh tế Đức (IW) mới đây đánh giá rằng, nền kinh tế nước này thiệt hại 350 tỷ euro, chủ yếu do sụt giảm tiêu dùng cá nhân, cũng như vì các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng dịch.

Ngoài các khó khăn vì dịch bệnh,  nền kinh tế số một châu Âu còn đối mặt tình trạng lạm phát tăng cao. Hội đồng các chuyên gia kinh tế Đức-cơ quan cố vấn chính thức cho Chính phủ Đức, nhận định rằng lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này ở mức 3,1% năm 2021 và 2,6% trong năm 2022. Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết lạm phát tại nước này tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2021 và đạt mức kỷ lục là 5,2% vào tháng 11, mức cao nhất kể từ tháng 6/1992. Giá cả leo thang tại Đức trong năm 2021 chủ yếu là do mức giá cơ sở so sánh thấp của năm 2020, nhưng có một phần nguyên nhân từ việc khan hiếm hàng hóa do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Sự gián đoạn trong chuỗi  cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang làm lộ ra “gót chân Asin” của nền kinh tế Đức. Thực tế này đang đòi hỏi Chính phủ Đức phải nhanh chóng cải thiện tình hình bằng cả những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng, thúc đẩy tiêu dùng và sự gia tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 có thể là “liều thuốc” giúp kiểm soát bền vững đại dịch và đẩy nhanh phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong dài hạn, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và nguyên liệu sản xuất đang buộc các nhà hoạch định chính sách của nước Đức phải “suy nghĩ lại” về các dòng cung ứng và nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp châu Á, Mỹ.