Bình luận quốc tế

Dấu hiệu tích cực

Giá dầu thế giới duy trì ở mức ổn định sau hai ngày tăng liên tiếp, lên mức cao nhất trong hơn một năm qua.

Ðó là phản ứng của thị trường "vàng đen" trước những dấu hiệu tích cực của đà phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cùng quyết định duy trì sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác.

Giá dầu thế giới đã giảm nhẹ so mức tăng cao trong hai ngày đầu tháng 6 vừa qua, sau khi các báo cáo cho thấy, kho dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ giảm mạnh, nhưng tồn kho nhiên liệu lại tăng hơn dự kiến. Tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,1 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng tăng 1,5 triệu thùng và kho dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 3,7 triệu thùng...

Giá dầu chạm mức cao nhất trong hơn một năm qua sau quyết định của các thành viên OPEC và đối tác, còn gọi là nhóm OPEC+, duy trì kế hoạch tăng dần nguồn cung, vốn được đưa ra hồi tháng 4. Theo đó, đưa mức cung cấp dầu cho thị trường trở lại 2,1 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 tới. Theo các chuyên gia phân tích, thị trường dầu mỏ chào đón quyết định của OPEC+ duy trì kế hoạch về sản lượng, cùng các chỉ dấu cho thấy nhu cầu trên toàn cầu khá lạc quan. Cuộc họp của OPEC+ mới đây diễn ra trong 20 phút, thời gian họp ngắn nhất từ trước đến nay, cho thấy sự tin tưởng chung của các nước thành viên về sự phục hồi của thị trường.

Sau giai đoạn cắt giảm mạnh sản lượng dầu, do đại dịch Covid-19 làm sụt giảm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu vào năm ngoái, OPEC+ đang khôi phục sản xuất trong bối cảnh kinh tế trên đà phục hồi ở phần lớn các khu vực trên thế giới. Theo đánh giá của Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út, nhu cầu dầu mỏ tại Mỹ và Trung Quốc đã phục hồi ổn định và tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được đẩy nhanh trên toàn cầu có thể giúp tái cân bằng hơn nữa thị trường dầu mỏ thế giới.

Các nhà sản xuất trong OPEC+ cho biết, tốc độ sản xuất sẽ được quyết định tùy theo các điều kiện thị trường. Tình hình dịch bệnh ở Ấn Ðộ và nhiều nước tiếp tục diễn biến phức tạp, song kinh tế hầu khắp các khu vực trên thế giới đang phục hồi sau đại dịch. Các chuyên gia OPEC+ dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường dầu mỏ được kỳ vọng phục hồi và OPEC + dự báo nhu cầu "vàng đen" sẽ vượt cung trong nửa cuối năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro với thị trường dầu mỏ. Theo Phó Thủ tướng Nga A.Nô-vắc, người phụ trách giám sát việc Nga tham gia thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC +, còn quá sớm để nhóm quyết định về chính sách sản lượng dầu thô sau tháng 7. Ðầu tuần này, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng trần sản xuất tập thể thêm 350.000 thùng/ngày trong tháng 6 và thêm 441.000 thùng/ngày vào tháng tới, nhưng không đưa ra quyết định phải làm gì kể từ tháng 8 trở đi. Giá dầu hiện tại phản ánh sự cân bằng giữa cung và cầu và được nhận định khó có khả năng tăng thêm trong ngắn hạn.

Quan chức Nga cũng cảnh báo, áp lực khử các-bon trong hệ thống năng lượng toàn cầu có thể tạo ra tình huống giá dầu tăng mạnh, nếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ giảm. Ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới từng xáo động với ý tưởng từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thúc đẩy mục tiêu đưa mức phát khí thải ròng về không vào năm 2050, với đề xuất thế giới không đầu tư mới vào dầu khí. Quan điểm này chưa được hưởng ứng trên thực tế, bởi việc chuyển đổi sang năng lượng các-bon thấp hơn chỉ hợp lý đối với các nước phát triển, không phù hợp với các nước đang phát triển trong ngắn hạn.

Sự cân bằng cung - cầu trong ngắn hạn là tín hiệu tích cực, kéo thị trường dầu mỏ thoát khỏi đáy suy thoái do chịu tác động nặng nề của đại dịch và giúp dần nới rộng đà tăng giá dầu. Tuy nhiên, sự ổn định vững chắc của thị trường "vàng đen" còn phụ thuộc diễn biến thực tế của đại dịch, cũng như khả năng duy trì đà phục hồi tích cực của kinh tế toàn cầu.

HÀ ĐAN