Cuộc chiến với Covid-19: "Cơn ác mộng" mang tên Delta

Biến thể Delta gây Covid-19 được cảnh báo là mối đe dọa nghiêm trọng, có thể làm bùng phát các làn sóng lây nhiễm mới, kéo lùi thành quả chống dịch bệnh ở nhiều quốc gia. Siết chặt các biện pháp chống dịch, thận trọng trong nới lỏng, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế và tăng tốc tiêm vaccine đã được chứng minh là "liệu pháp chống dịch hiệu quả".

Cuộc chiến với Covid-19: "Cơn ác mộng" mang tên Delta

Sau khi được phát hiện lần đầu tại Ấn Ðộ, biến thể mới Delta, có khả năng lây nhiễm nhanh và biến chứng nặng, đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ðáng chú ý, đây là nguyên nhân khiến thế giới ghi nhận bốn tuần liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trở lại sau 10 tuần giảm. Pháp cảnh báo, biến thể Delta hiện chiếm gần 50% số các ca mắc mới ở nước này và đây có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới trong thời gian tới. Trong khi đó, tính riêng tuần đầu tháng 7, biến thể Delta chiếm tới 60% tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc.

Cùng các biến thể khác, biến thể Delta với phiên bản mới của nó là Delta Plus đang tạo ra "cơn ác mộng" với nhiều quốc gia.

Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại một phần cũng do tâm lý chủ quan của người dân, cũng như do quyết sách vội vàng của chính phủ. Hầu hết các trường hợp "siêu lây nhiễm" được ghi nhận tại các ổ dịch, nơi có các sự kiện tập trung đông người. Thủ tướng Hà Lan đã phải thay mặt chính phủ xin lỗi vì phạm sai lầm trong đánh giá tình hình dịch, dẫn tới quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi cuối tháng 6.

Trước thực tế biến thể Delta lây lan đáng lo ngại, nhiều nước phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa, gia hạn tình trạng khẩn cấp, siết chặt hạn chế và đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Pháp thông báo áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, theo đó, từ tháng 8 tới, những người muốn ra ngoài ăn uống, đến các trung tâm thương mại hoặc tham dự lễ hội phải trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Mỹ và Israel, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao và có nguồn vaccine dồi dào, tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Tại châu Á, Nhật Bản phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ tư tại thủ đô tới cuối tháng 8, trong khi Hàn Quốc nâng cấp độ hạn chế ở thủ đô và một số khu vực lân cận. Nhiều nước đang phát triển huy động mọi nguồn lực để tăng cường chiến dịch tiêm chủng cho người dân.

Biến thể Delta đang tấn công trực diện ngành y tế của nhiều quốc gia, khiến các bệnh viện tại nhiều nơi rơi vào tình trạng quá tải. Ðể tránh thêm thảm kịch xảy ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngoài việc bảo đảm các biện pháp giãn cách, các nước cần chia sẻ vaccine để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.