Cung ứng vaccine ngừa Covid-19: Trách nhiệm chia sẻ

Các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí khởi động đàm phán chính thức về một kế hoạch nhằm tăng cường cung ứng vaccine ngừa Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển.

Vaccine được phân bổ thông qua cơ chế COVAX tới sân bay tại thủ đô Mogadishu, Somalia, tháng 3-2021. (Ảnh: AP)
Vaccine được phân bổ thông qua cơ chế COVAX tới sân bay tại thủ đô Mogadishu, Somalia, tháng 3-2021. (Ảnh: AP)

Trong bối cảnh còn những ý kiến trái chiều chung quanh việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19, việc các nước giàu đẩy mạnh chia sẻ vaccine cho các nước nghèo được coi là “liều thuốc khẩn cấp” giúp thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vaccine trên toàn cầu.

Cho đến thời điểm hiện nay, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng với nhiều chủng virus biến thể mới, vaccine vẫn được coi là "chìa khóa" để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thế giới đã cán mốc hai tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân, song 37% trong số này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao, vốn chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ có 0,3% số vaccine đã tiêm được thực hiện ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới, với tổng số dân chiếm 9% dân số toàn cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6 và 7 tới có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Ðến nay, hơn 80 triệu liều vaccine đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song cần có thêm 250 triệu người được tiêm từ nay đến cuối tháng 9 nếu muốn đạt mục tiêu có ít nhất 30% đến 40% dân số toàn cầu được tiêm chủng trong năm nay.

Các cuộc đàm phán của WTO về sáng kiến của Ấn Ðộ và Nam Phi liên quan ý tưởng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 vừa diễn ra tại Thụy Sĩ, nhằm cho phép bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sản xuất vaccine mà không cần lo về bằng sáng chế. Tuy nhiên, các bên tham gia đàm phán vẫn chia rẽ về vấn đề này. Những ý kiến ủng hộ, trong đó có Mỹ, cho rằng điều này giúp tăng sản lượng vaccine tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn phản đối gay gắt, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng sự đổi mới, cải tiến trong tương lai.

Theo kế hoạch, WTO sẽ bắt đầu thảo luận từ ngày 17-6 tới để quyết định thể thức các cuộc đàm phán và lên khung tiến độ cung cấp vaccine.

Trong lúc các cơ chế nhằm tăng nguồn cung vaccine tiếp tục được bàn thảo thì vấn đề cấp bách hiện nay là thế giới cần hành động nhanh chóng nhằm phân phối vaccine ngừa Covid-19 công bằng, hiệu quả hơn, trong bối cảnh nhiều nơi, nhất là tại các nước nghèo, người dân chưa biết khi nào mới được tiếp cận vaccine. Nhiều nhân vật nổi tiếng là đại sứ thiện chí của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới đây đã cùng ký thư ngỏ gửi Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhằm thúc giục "khối nhà giàu" khẩn cấp chia sẻ vaccine ngừa Covid-19 cho các nước khác. Hiện tồn tại một nghịch lý là các nước giàu đang lo sốt vó để không phải tiêu hủy số vaccine sắp hết hạn, trong khi nhiều nước nghèo vẫn mỏi cổ ngóng vaccine. UNICEF cảnh báo, tình trạng hàng triệu liều vaccine có thể bị bỏ phí nếu tất cả các nước giàu cùng gửi số vaccine thừa tới các nước nghèo cùng một lúc, cho nên việc cung cấp vaccine phải được điều phối đều đặn trong suốt cả năm. Trong khi đó, ngay cả tại các nước thiếu vaccine thì người dân cũng không muốn tiêm vaccine gần tới hạn.

Cộng đồng quốc tế chờ đón những tiếng nói chính thức từ các nước giàu trong thực hiện trách nhiệm cần thiết về chia sẻ vaccine, nhất là trong bối cảnh truyền thông Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống J.Biden có kế hoạch mua 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech để phân phối cho các nước khác và sẽ công bố về kế hoạch này tại Hội nghị G7 diễn ra tại Anh. Mới đây, Tổng thống Mỹ J.Biden cũng đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu và thúc đẩy kế hoạch phân bổ 25 triệu liều đầu tiên trong số này. 75% trong số khoảng 80 triệu liều sẽ được phân bổ thông qua cơ chế COVAX, trong đó ưu tiên cho khu vực Mỹ latinh và Caribe, Nam Á và Ðông - Nam Á, châu Phi. Nhà Trắng khẳng định, kế hoạch chia sẻ vaccine này là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu chung của Mỹ nhằm dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống Covid-19. Tổng thống Biden còn cam kết về việc Mỹ sẽ là "một kho vũ khí vaccine" cho thế giới để chống Covid-19. Bộ trưởng Y tế các nước G7 cũng khẳng định ủng hộ ý tưởng chia sẻ vaccine khi điều kiện trong nước cho phép.

Việc các nước giàu cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho cơ chế COVAX được coi là sự khởi đầu tốt cho nỗ lực "phủ sóng vaccine" toàn cầu. Theo UNICEF, các nước G7 sẽ sớm gom đủ 150 triệu liều vaccine, tương đương 20% tổng số vaccine của các nước này, dành để ủng hộ các nước khác trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 tới mà không ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng cho người trưởng thành ở các nước sản xuất được vaccine. Các tổ chức tài chính, tổ chức quốc tế tiếp tục kêu gọi các nước giàu tăng cường đóng góp nhiều hơn nữa cho nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 trên toàn thế giới để có thể hy vọng sớm dập tắt được đại dịch.