Chạy đua với thời gian để chống biến đổi khí hậu

Chỉ trong vòng một tháng qua, thế giới chứng kiến hàng loạt thảm họa thiên nhiên như nắng nóng kỷ lục, lũ lụt bất thường… Liên hợp quốc mới đây thúc giục các nước không được phép chần chừ, cần hành động nhanh hơn để đạt được các mục tiêu khí hậu đã đề ra, trong bối cảnh những “cơn thịnh nộ” từ thiên nhiên ngày càng xảy ra thường xuyên và gay gắt.

Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Liên hợp quốc).
Bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. (Ảnh: Liên hợp quốc).

Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Patricia Espinosa thông báo, tính đến thời hạn chót là ngày 30/7, mới chỉ có hơn 50% các nước tham gia Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã đệ trình mục tiêu và lộ trình giảm khí thải carbon ở cấp quốc gia.

Vốn dĩ, các nước tham gia Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã phải công bố mục tiêu giảm lượng khí thải của nước mình vào cuối năm 2020, song do dịch Covid-19 bùng phát mạnh cho nên thời hạn đệ trình được lùi lại.

Theo bà Patricia Espinosa, những đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra gần đây chính là “báo động đỏ”, giục giã các nước hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan xuất hiện với tần suất cao dần, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe và đời sống của con người. Tháng 7 vừa qua, các nước Bắc Âu cùng Mỹ, Canada… đã trải qua những ngày tháng “đổ lửa” khi nhiệt độ tăng cao ở mức kỷ lục. Cùng với nắng nóng gay gắt, các vụ cháy rừng trên diện rộng đã tàn phá một số khu vực ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, một số nước châu Âu như Đức, Bỉ, Áo, Hà Lan… thì phải gồng mình chống chọi trận mưa lũ lịch sử, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Trong một báo cáo về tình hình khí hậu của nước Anh, các nhà nghiên cứu kết luận, biến đổi khí hậu đã khiến nước Anh trở nên ấm và có nhiều nắng hơn trong thế kỷ này. 

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Vương quốc Anh. Hội nghị này được kỳ vọng mở ra cánh cửa cơ hội để các bên trao đổi, thống nhất những biện pháp mang tính đột phá hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, qua đó ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Liên hợp quốc từng cảnh báo, biến đổi khí hậu sẽ định hình lại sự sống trên Trái đất trong những thập kỷ tới. Nhiệm vụ cấp bách lúc này của toàn bộ các quốc gia là nỗ lực chạy đua với thời gian để chống biến đổi khí hậu, chung tay bảo vệ tương lai của toàn nhân loại.