Châu Âu trước "mùa đông ảm đạm” vì Covid-19

Mùa đông châu Âu vốn khắc nghiệt, năm nay càng u ám hơn khi châu lục phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới với nhiều “kỷ lục buồn”. Trên bản đồ dịch bệnh châu Âu, 10 thành viên Liên minh châu Âu (EU) bị gắn mác “rất đáng lo ngại”; 13 nước bị đánh dấu “đáng lo ngại”.

Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân và du khách đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm Covid-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tình hình dịch bệnh mức báo động là ở các nước Trung và Đông Âu, mức đáng lo ngại là các nước Tây và Bắc Âu, các nước ven Địa Trung Hải chịu ảnh hưởng nhẹ hơn. Song, tất cả các thành viên EU đều chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng. Tuần trước, số ca mắc mới trên toàn châu lục lập kỷ lục với gần 19 nghìn ca, tăng 15% so mức bảy ngày trước đó. Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức nổi lên là điểm nóng mới, khi số ca bệnh vượt con số 5 triệu, bản đồ dịch bệnh đậm gam đỏ.

Những con số liên tiếp vượt ngưỡng cao mới ở nhiều nước gây lo ngại về “hội chứng làn sóng dịch bệnh mùa đông ở châu Âu”. Để ứng phó khẩn cấp đợt bùng phát dịch mới ở “lục địa già”, hàng loạt biện pháp hạn chế bổ sung, nghiêm ngặt hơn, thậm chí bị chỉ trích là “thái quá”, đã được nhiều nước áp dụng. Hà Lan đóng cửa nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ, siêu thị, cửa hàng vào buổi tối; hay Đức, Bỉ thực hiện chế độ làm việc từ xa... Đặc biệt, Áo áp dụng biện pháp mạnh, chưa có tiền lệ, là “phong tỏa” người chưa được tiêm chủng. Quy định bắt buộc đeo khẩu trang được khôi phục và siết chặt tại nhiều nơi.

Giới chuyên gia y tế đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn tới làn sóng dịch mới tại châu Âu. Trước hết là yếu tố thời tiết, khi mùa đông đến, nhiệt độ xuống thấp khiến dịch bệnh thêm nghiêm trọng do vi-rút dễ lây lan. Song, tỷ lệ bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 được đề cập nhiều nhất. Thực tế, các nước Nam và Tây Âu, như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia hay Pháp, có phạm vi tiêm chủng rộng khắp. Tỷ lệ tiêm chủng tại các nước Đông Âu còn ở mức thấp. Ngay trong từng nước, cũng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, chẳng hạn giữa miền Tây và miền Đông nước Đức. Giới chức Đức thừa nhận, các ca mắc mới tại nước này chủ yếu là những người còn do dự trước quyết định tiêm phòng.

Tuy nhiên, có thực tế là nhiều nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, như Bỉ hay Hà Lan, vẫn bị xếp vào danh sách “rất đáng lo ngại”. Các chuyên gia chỉ rõ, ngoài tâm lý ngại tiêm phòng, sự chủ quan của người dân cũng là một nguyên nhân chính của làn sóng dịch mới. Bởi thế, việc thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vẫn là yếu tố quan trọng. Trước viễn cảnh “mùa đông ảm đảm” vì Covid-19, nhiều nước châu Âu đã khôi phục và tăng cường các biện pháp hạn chế, phong tỏa, đóng cửa trường học, khuyến cáo các hành vi ứng xử an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.