Chặn “vòng luẩn quẩn”

Các nhà tài trợ quốc tế mới đây nhất trí gói viện trợ trị giá 1,7 tỷ USD cho một số nước Xa-hen đang đối mặt tình hình nhân đạo xấu đi nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng nhân đạo là do bạo lực khiến số người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ở khu vực Trung Xa-hen tăng gấp 20 lần trong hai năm qua. An ninh Xa-hen tiếp tục là vấn đề “nóng” được cả các nước trong khu vực và phương Tây quan tâm, nhằm ngăn chặn mối đe dọa khủng bố gia tăng.

Hơn bảy triệu người tại các nước Trung Xa-hen (gồm Buốc-ki-na Pha-xô, Ma-li và Ni-giê) bị đói, khoảng 13 triệu người, trong đó có năm triệu trẻ em, cần cứu trợ khẩn cấp. Ðây là hậu quả của xung đột và bạo lực ngày càng gia tăng ở khu vực. Buốc-ki-na Pha-xô rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các nhóm Hồi giáo liên quan An Kê-đa và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) lợi dụng các cuộc xung đột sắc tộc ở miền bắc nước này để thực hiện các vụ tiến công, khiến hàng trăm dân thường chết trong năm nay. Chính phủ Buốc-ki-na Pha-xô dường như mất quyền kiểm soát ở khu vực miền trung và miền bắc. Tại Ma-li, xung đột triền miên và cuộc binh biến gần đây đã đẩy Ma-li chìm sâu vào khủng hoảng. Lực lượng của các nước Tây Phi và Liên hợp quốc (LHQ) cũng trở thành các mục tiêu tiến công khủng bố. Gần đây, một binh sĩ của Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Ma-li chết và một số người bị thương do chiếc xe chở họ vướng phải bom cài trên đường. Các tay súng khủng bố cũng từng sát hại sáu du khách người Pháp trong Công viên Quốc gia ở Ni-giê hồi tháng 8 vừa qua, gióng lên “hồi chuông cảnh báo” đối với công dân phương Tây về nguy cơ an ninh ở khu vực này.

Trước tình hình tại Ma-li và khu vực Xa-hen diễn biến xấu đi với sự gia tăng các hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức và xung đột giữa các cộng đồng, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét cho rằng, các nước khu vực Trung Xa-hen đang trong tình trạng cấp bách và cần tìm ra lực đẩy mới cho hòa bình và hòa giải. Ông kêu gọi các nước tạo điều kiện cho hỗ trợ nhân đạo và các khoản đầu tư thiết yếu cho con người và phát triển kinh tế, coi đây là “chìa khóa” giải quyết các vấn đề được coi là nguyên nhân dẫn tới bạo lực. Văn phòng Chống khủng bố của LHQ (UNOCT) đã ký một thỏa thuận với Ma-rốc về việc thành lập Văn phòng chương trình UNOCT nhằm xây dựng năng lực và thúc đẩy hợp tác chống khủng bố tại châu Phi. Theo đó, Văn phòng UNOCT sẽ cung cấp các khóa đào tạo về chống khủng bố, thực thi pháp luật, quản lý an ninh biên giới, ngăn chặn sự hiện diện của các phần tử cực đoan và vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến chống khủng bố. Trung tâm này được coi là “cấu trúc sáng tạo” giúp các nước châu Phi nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chống khủng bố.

Tăng cường an ninh cho khu vực Xa-hen và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại đây cũng là mục tiêu quan trọng mà các nước phương Tây theo đuổi. Pháp đã khởi xướng thành lập một liên minh các nước Tây Phi và châu Âu trong cuộc chiến đánh bật các tay súng Hồi giáo khỏi Xa-hen. Cùng với việc Pa-ri đã triển khai hàng nghìn binh sĩ tới khu vực này từ năm 2013, Tổng thống Pháp E.Ma-crông tuyên bố, với sự hỗ trợ tăng cường của các đối tác, Pa-ri sẽ tiếp tục hành động để tiêu diệt các nhóm khủng bố.  Trong khi đó, 11 nước châu Âu đã chính thức ra mắt Lực lượng tương lai “Takuba”, nhóm các lực lượng đặc biệt châu Âu kết hợp với binh sĩ Ma-li để chống các nhóm thánh chiến. Với hàng trăm binh sĩ, Takuba hoạt động dưới sự chỉ huy của Pháp ở vùng Líp-ta-cô, khu vực biên giới giữa Ni-giê và Ma-li, nơi được cho là “sào huyệt” của các nhóm thánh chiến đang hoạt động ở khu vực này. Các lực lượng châu Âu đã hỗ trợ thêm cho lực lượng của G5 Xa-hen, vốn đang đối mặt các cuộc tiến công khốc liệt của các nhóm Hồi giáo vũ trang trong tám năm qua. Trong chuyến thăm tới các nước Bắc Phi mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã đề cập lo ngại của Oa-sinh-tơn về nguy cơ khủng bố gia tăng ở khu vực Xa-hen. Mỹ muốn hỗ trợ các nước Bắc Phi đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoạn ở Xa-hen.

Mối đe dọa khủng bố ở châu Phi nói chung và khu vực Xa-hen nói riêng được đánh giá ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất. Tuy nhiên, để giải “bài toán an ninh”, các nước trong khu vực cần giải quyết “gốc rễ” của vấn đề. LHQ đã thúc đẩy các nỗ lực quốc tế hỗ trợ châu Phi, đồng thời kêu gọi các bên xung đột ở khu vực tìm mọi giải pháp thông qua đối thoại, thúc đẩy hợp tác, tin cậy lẫn nhau vì hòa hợp dân tộc, thiết lập trật tự và ổn định chính trị, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, từ đó mới có thể ngăn chặn vòng luẩn quẩn xung đột - đói nghèo luôn đeo bám châu lục này.