Cánh cửa hy vọng hé mở cho hòa bình ở vùng miền đông Ukraine

Nga và phương Tây đang thúc đẩy đối thoại, nhen lên hy vọng hòa bình cho vùng miền đông Ukraine sau hơn 7 năm chìm trong giao tranh và mắc kẹt giữa thế đối đầu Đông-Tây. Những vấn đề liên quan khủng hoảng Ukraine cần nhiều thời gian, công sức để giải quyết, song thiện chí đối thoại của các bên phát đi tín hiệu tích cực, đẩy “cỗ xe hòa bình” chuyển bánh.

Binh sĩ quân đội Ukraine tại khu vực chiến sự ở ngoại ô thành phố Debaltseve, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sĩ quân đội Ukraine tại khu vực chiến sự ở ngoại ô thành phố Debaltseve, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàng loạt cuộc gặp giữa giới chức các nước chung quanh vấn đề khủng hoảng Ukraine được xúc tiến những ngày qua. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blin-ken) có chuyến công du Berlin (Đức) để hội đàm với giới chức các nước đồng minh Anh, Pháp và Đức, nhằm tìm cách tháo gỡ căng thẳng với Nga trong vấn đề Ukraine. Tình hình bất ổn ở “đất nước bên bờ Biển Đen” cũng là tiêu điểm trong cuộc gặp bốn bên mới đây giữa Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Các bên đều nhấn mạnh quyết tâm tham vấn chặt chẽ để giải quyết những căng thẳng hiện nay thông qua con đường ngoại giao.

Ngày 21/1, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken đến Geneva (Thụy Sĩ) để gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov (X.La-vrốp). Tiếp nối những cuộc gặp riêng rẽ Nga-Mỹ và Nga-NATO hồi tuần trước, việc Washington và Moskva nhất trí ngồi vào bàn đối thoại lần này là tín hiệu đáng mừng, cho thấy các bên mong muốn duy trì giải pháp ngoại giao để làm dịu “lửa xung đột” chực chờ bùng phát trong mối quan hệ Nga-phương Tây.

Đưa các cuộc đàm phán về tình hình Ukraine trở lại “định dạng Normandy”, với sự tham gia của Đức, Pháp, Nga và Ukraine, là một trọng tâm các bên khẩn trương thúc đẩy. Thỏa thuận Minsk, được ký kết năm 2015 dưới sự bảo trợ của Bộ tứ Normandy, luôn được coi là chìa khóa cho cánh cửa hòa bình của Ukraine. Trong các hội nghị cấp cao của Bộ tứ Normandy, lãnh đạo các nước đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, như trao đổi tù nhân, thực thi lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi các khu vực tại Donbass. Tuy khó có thể giải quyết toàn bộ những vấn đề phức tạp về tình hình miền đông Ukraine chỉ trong một cuộc gặp kéo dài vài giờ đồng hồ, song cuộc thảo luận của Bộ tứ Normandy tạo cơ hội để các bên lắng nghe quan điểm của nhau và đối thoại.

Đóng vai trò quan trọng trong lộ trình hòa bình của Ukraine là thế, nhưng tiến trình đàm phán Normandy lại rơi vào cảnh đình trệ. Lần gần đây nhất hội nghị cấp cao theo thể thức này được tổ chức là vào cuối năm 2019. Những lệnh ngừng bắn liên tục bị phá vỡ. Sự thiếu vắng lòng tin giữa các bên, cùng việc không thực thi nghiêm túc thỏa thuận, khiến cho triển vọng hòa bình của Ukraine vẫn mịt mờ.

Khu vực biên giới giữa hai quốc gia láng giềng Nga và Ukraine những ngày qua lại nóng lên. Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cùng lãnh đạo các nước châu Âu liên tục cảnh báo Moskva về hậu quả nghiêm trọng nếu Nga tấn công Ukraine. Mới đây, chỉ vài giờ sau khi Nga triển khai quân đội tới Belarus để chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung dự kiến vào đầu tháng 2 tới, Anh cũng triển khai cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Cả Nga và Anh đều khẳng định rằng, mục đích của các động thái này là nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của các đồng minh trước bất kỳ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng nào. Giới chuyên gia nhận định, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang “phủ bóng đen” lên thị trường năng lượng châu Âu. Tình trạng bất ổn này đồng nghĩa với việc giá khí đốt ở châu Âu, vốn đã tăng kỷ lục vào cuối năm 2021, có thể còn lên cao hơn nữa.

Với vị trí chiến lược của mình, lẽ ra Ukraine phải là cầu nối Đông-Tây hữu hiệu, nhưng lâu nay, đất nước này lại mắc kẹt trong thế đối đầu giữa Nga và phương Tây. Trong bối cảnh tình hình thực địa ở miền đông Ukraine vẫn “căng như dây đàn”, việc thúc đẩy đối thoại, kiềm chế căng thẳng giữa các bên liên quan là điều cần thiết để kịp thời tháo ngòi xung đột quân sự đang chực chờ bùng nổ.