Cam kết mạnh mẽ của nền kinh tế số 1 thế giới

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ để bảo vệ những thành quả đạt được trong quá trình phục hồi cũng như giữ vững vị thế nền kinh tế số 1 thế giới.

Người dân đi lại trên Phố Wall, New York, Mỹ, tháng 3/2021. (Ảnh: Reuters)
Người dân đi lại trên Phố Wall, New York, Mỹ, tháng 3/2021. (Ảnh: Reuters)

Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 12/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn được dùng để đo lường lạm phát đối với hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Mỹ tăng 0,5%. Ðây cũng là lần thứ 6 giá tiêu dùng tại Mỹ tăng ít nhất 0,5% trong 9 tháng qua. Giá nhà ở, xe hơi đã qua sử dụng tăng được giới chức Mỹ đánh giá là những yếu tố lớn nhất dẫn đến việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa.

Bên cạnh đó, giá thực phẩm, đồ dùng và các chi phí cho sinh hoạt gia đình như mua sắm quần áo, chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận mức tăng trong tháng cuối năm 2021, góp phần đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ năm 2021 tăng 9,7%, mức tăng hằng năm cao nhất kể từ năm 2010. Giá sản xuất và tiêu dùng tại Mỹ đều tăng mạnh trong năm vừa qua trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng, gây bất ngờ cho các nhà cung cấp, vốn đang vừa "gồng mình" đối phó dịch bệnh vừa nỗ lực khôi phục hoạt động.

Các chuyên gia về quản lý chuỗi cung ứng cho rằng, ở các làn sóng lây nhiễm trước, các cửa hàng có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình, do dịch tác động tới từng địa điểm và vào từng thời điểm. Tuy nhiên, biến thể Omicron lây lan quá nhanh, tác động đến toàn bộ nước Mỹ, khiến nhiều nhân viên phải nghỉ việc dẫn đến hoạt động của nhiều cửa hàng, các nhà sản xuất và phân phối bị gián đoạn. Số ca nhập viện cũng như số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ tăng cao kể từ đầu năm 2022, khi biến thể Omicron chiếm khoảng 90% số ca nhiễm mới. Theo các chuyên gia y tế, số ca nhiễm mới tại Mỹ có thể lên tới 1,2 triệu ca một ngày vào tuần tới.

Tiến sĩ Lael Brainard, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đề cử làm Phó Chủ tịch FED cho rằng, lạm phát của Mỹ hiện ở mức quá cao và FED sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề này. Bà Brainard nhấn mạnh, kiểm soát lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 40 năm qua là nhiệm vụ quan trọng nhất của FED ngay lúc này. Nữ tiến sĩ cho biết, chính sách tiền tệ của FED tập trung vào việc đưa lạm phát giảm xuống mức 2%, đồng thời duy trì đà phục hồi mang tính bao trùm.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell (G.Pô-oen) nhấn mạnh rằng, bất chấp dịch bệnh hoành hành, gây mất cân đối cung cầu và tắc nghẽn nguồn cung kéo dài, khiến lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng. Theo FED, mặc dù các biện pháp phòng, chống dịch đặt ra nhiều thách thức, song nền kinh tế số 1 thế giới vẫn ghi nhận những diễn biến tích cực với tốc độ tăng trưởng năm 2021 đạt khoảng 5,5% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,8%.

Chủ tịch Powell khẳng định, FED cam kết sẽ đạt các mục tiêu đề ra trong việc tạo tối đa việc làm cho người lao động và bình ổn giá cả. Ngân hàng này sẽ sử dụng các công cụ hiện có để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động, cũng như ngăn chặn đà tăng lạm phát.

Cuối năm 2021, FED công bố mốc thời gian rút lại các biện pháp kích thích đã triển khai để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Dự kiến, FED sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu với tốc độ nhanh hơn, đồng thời tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022, đưa phạm vi lãi suất cơ bản lên 0,75-1%.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự báo, lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II/2022. Theo Tổng Giám đốc IMF, tình hình lạm phát sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có tìm được lời giải cho bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng hay không. Chuyên gia kinh tế Mahir Rasheed tại Công ty tư vấn Oxford Economics nhận định, mặc dù tốc độ tăng hằng năm ở mức kỷ lục, nhưng số liệu theo tháng cho thấy chi phí sản xuất tại Mỹ dự báo sẽ giảm dần trong năm 2022, giúp lạm phát "hạ nhiệt".

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá tích cực cam kết của FED nhất là các hành động "mạnh tay" hơn và phản ứng nhanh nhạy hơn trong kiểm soát lạm phát, cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt giúp thích ứng kịp thời các điều kiện kinh tế đang thay đổi "một cách chóng mặt" trong hoàn cảnh dịch bệnh ■

TRƯƠNG XUÂN