Các nền tảng mạng xã hội cần bảo đảm an toàn cho người cầm bút

Hãng công nghệ Facebook vừa công bố các biện pháp bảo vệ mới để chống lại các cuộc tấn công trực tuyến nhằm vào nhà báo và người nổi tiếng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều phóng viên, nhân viên truyền thông bị đe dọa, thậm chí thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp.

Biểu tượng của Facebook. (Ảnh: Reuters)
Biểu tượng của Facebook. (Ảnh: Reuters)

Trong động thái "sửa sai" sau cuộc khủng hoảng nặng nề liên quan cáo buộc mạng xã hội Facebook không quan tâm đến lợi ích người dùng, Facebook đã mở rộng phạm vi xác định các cuộc tấn công (hăm dọa và quấy rối) bị cấm nhắm vào nhân vật của công chúng. Theo đó, "đại gia công nghệ" này đã bổ sung nhà báo vào danh sách "những người được coi là nhân vật của công chúng". Trong phiên điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, người đứng đầu bộ phận an toàn của Facebook, bà Antigone Davis cho biết, những cuộc tấn công của các nhóm cực đoan có thể dẫn đến sự thù địch khi một nhân vật công chúng xuất hiện.

Nhà báo là những người ở tuyến đầu trên "mặt trận thông tin", bởi vậy luôn đối mặt các mối đe dọa. Tại Mỹ, lãnh đạo nhóm tân phát-xít Atomwaffen đã thừa nhận phạm tội mang tính thù địch vì hành vi đe dọa nhằm vào các nhà báo chống chủ nghĩa bài Do thái. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những kẻ này đã tạo ra các áp-phích mang biểu tượng phát-xít, các hình vẽ đeo mặt nạ với súng và chất nổ cũng như các thông điệp đe dọa, sau đó gửi qua bưu điện hoặc thư điện tử tới các phóng viên mà chúng nhắm tới. Tại châu Âu, trong năm 2020, có tổng cộng 908 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị tấn công ở 23 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 73% nhà báo nữ từng bị bạo lực trực tuyến. (EC) mới đây đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên trong "đại gia đình EU" phải tăng cường bảo vệ người cầm bút. Chủ tịch EC Vera Jourova khẳng định: "Không thể để nhà báo bị giết hại và bị đe dọa chỉ vì công việc của họ. Chúng ta cần hỗ trợ và bảo vệ nhà báo, họ có vai trò rất cần thiết cho xã hội văn minh".

Không chỉ bị đe dọa, trong năm 2020, có 50 nhà báo và người làm truyền thông trên thế giới đã thiệt mạng trong quá trình tác nghiệp và số nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về điều tra tội phạm có tổ chức, tham nhũng hoặc các vấn đề môi trường đã gia tăng, gióng hồi chuông cảnh báo về việc phải bảo đảm an toàn cho người cầm bút. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội, cũng như chính phủ các nước cần có thêm nhiều biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ nhà báo.