Bước khó cuối cùng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

Cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran với các cường quốc diễn ra tại Vienna (Áo) đã tiến tới các bước quan trọng cuối cùng. Tuy nhiên, Iran tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước các vấn đề thuộc “lằn ranh đỏ”.

IAEA tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại với Iran. (Ảnh: Reuters)
IAEA tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại với Iran. (Ảnh: Reuters)

Vòng đàm phán thứ tám về khôi phục JCPOA đang được hoàn tất tại Vienna với mục tiêu khôi phục thỏa thuận về hình thức ban đầu và đưa Mỹ trở lại văn kiện đa phương sau khi chính quyền Washington dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi JCPOA hồi năm 2018. Công việc đang được thực hiện trong khuôn khổ tham vấn giữa Ủy ban hỗn hợp Iran và 5 nước (Nga, Anh, Đức, Trung Quốc và Pháp), tham vấn riêng với Mỹ mà không có sự tham gia của Iran và cả trong định dạng của ba nhóm làm việc. Các nhà đàm phán xây dựng một dự thảo thỏa thuận cuối cùng và quyết tâm hoàn thành trong thời gian tới.

Mặc dù các bên tuyên bố sắp đạt thỏa thuận, song Iran vẫn khẳng định quan điểm cứng rắn với những vấn đề không thể thỏa hiệp. Điều kiện tiên quyết mà Iran đưa ra với phương Tây để tiếp tục các cuộc đàm phán hạt nhân và đạt được một thỏa thuận cuối cùng là phải tôn trọng các lằn ranh đỏ, trong đó có việc bảo đảm các lợi ích kinh tế của Tehran. Nga cũng muốn có các bảo đảm bằng văn bản từ phía Mỹ, ít nhất là ở cấp bộ trưởng ngoại giao, rằng các lệnh trừng phạt Nga sẽ không phá vỡ sự hợp tác với Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tehran và các cường quốc thế giới đang nỗ lực hồi sinh. Trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới, phía Nga muốn nhận được câu trả lời rõ ràng từ Mỹ liên quan tới quan hệ song phương giữa Moskva và Tehran cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran.

Phía Mỹ khẳng định vẫn sẽ có một số vấn đề cần giải quyết với Iran trong bối cảnh Mỹ cho rằng khuôn khổ thỏa thuận cũ chưa đủ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran. Mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, kho dự trữ urani đã được làm giàu của Iran đạt đến mức cao gấp 15 lần so với giới hạn đặt ra trong JCPOA. Theo báo cáo của IAEA, ước tính, lượng dự trữ urani đã được làm giàu của Iran là 3.197,1 kg. Iran và IAEA đặt mục tiêu giải quyết tranh cãi về nguồn gốc các hạt urani được phát hiện tại một số địa điểm hạt nhân cũ nhưng không được công bố ở Iran vào đầu tháng 6 tới.

Iran đã nhất trí với IAEA về lộ trình nhằm tháo gỡ những vướng mắc nổi cộm hiện nay liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đây được xem là đòn bẩy mới nhất nhằm góp phần nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Theo Tổng Giám đốc IAEA, sự hợp tác của Iran là cần thiết để có được thỏa thuận và có một tiến trình tốt, thậm chí một kết luận về vấn đề này cũng có thể được đưa ra trước thời hạn chót vào tháng 6.

Thực tế là, nếu không tháo gỡ được những khúc mắc hiện nay, các bên có thể không cứu vãn được JCPOA. Một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán hạt nhân là Tehran muốn các nước phương Tây chấm dứt thảo luận việc một số dấu vết urani được tìm thấy ở các địa điểm hạt nhân cũ nhưng chưa được khai báo ở Iran. Tehran kêu gọi khép lại cuộc điều tra của IAEA về sự hiện diện của vật liệu hạt nhân tại các địa điểm không được công bố. Theo các nước tham gia đàm phán, đây là một vấn đề tách bạch với thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015, và cần động thái tháo gỡ từ phía Tehran.

Phía Iran nêu ba vấn đề còn tồn tại trong đàm phán gồm mức độ rút lại các lệnh trừng phạt, việc bảo đảm Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và thực hiện cam kết hạt nhân của Tehran. Iran tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thời hạn nào do phương Tây đặt ra đối với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng, các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn quyết định và Mỹ muốn thấy sự rõ ràng hơn từ phía Iran trong việc thúc đẩy đàm phán đạt tiến triển.

Mặc dù cả Nga và các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân, song những bất đồng khó hóa giải giữa Mỹ và Iran khiến Washington và các đồng minh tuyên bố đã chuẩn bị phương án B trong trường hợp đàm phán không thành công.