Bước đột phá trong cải cách thuế toàn cầu

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thông báo, tiến trình cải cách thuế quốc tế vừa đạt tiến triển quan trọng, theo đó áp dụng mức thuế tối thiểu 15% từ năm 2023 đối với các doanh nghiệp đa quốc gia. OECD nhấn mạnh đây là bước đột phá, hướng tới hệ thống thuế toàn cầu cân bằng và hiệu quả hơn.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, khi còn là Bộ trưởng Tài chính Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, khi còn là Bộ trưởng Tài chính Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngăn chặn các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng các kẽ hở hay “vùng xám” của luật pháp để trốn thuế là vấn đề nhức nhối lâu nay đối với chính phủ các nước. Trong bối cảnh các nền kinh tế chật vật do ảnh hưởng của dịch bệnh, mục tiêu chống xói mòn nguồn thu thuế càng trở nên cấp bách. 

Sau thời gian dài trải qua các cuộc đàm phán phức tạp, 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong tổng số 140 quốc gia và khu vực tài phán tham gia đàm phán, đã thông qua văn kiện có tên Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết thách thức về thuế phát sinh từ tiến trình số hóa nền kinh tế. Thỏa thuận được ký chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13/10 tới, sau đó được chuyển tới Hội nghị cấp cao G20 để phê chuẩn chính thức, dự kiến cuối tháng này.

Theo thỏa thuận, từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào nguồn thu từ thuế. Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty, tập đoàn lớn và có thu nhập cao nhất thế giới, bảo đảm các doanh nghiệp đa quốc gia đóng thuế công bằng ở bất cứ nơi nào họ hoạt động và thu lợi nhuận.

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann ca ngợi thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu là chiến thắng lớn của chủ nghĩa đa phương, phù hợp các mục tiêu cấp bách của nền kinh tế thế giới số hóa và toàn cầu hóa. Nhiều nước chia sẻ nhận định đây là bước đi quan trọng, được đồng thuận cao, hướng đến hệ thống thuế quốc tế công bằng và hiệu quả hơn. Các đại diện Facebook, Amazon đánh giá đây là giải pháp cải cách các quy định thuế toàn cầu dựa trên đồng thuận quốc tế cao bảo đảm các lợi ích hài hòa...

Giới chuyên gia cảnh báo, thỏa thuận còn phải trải qua nhiều “cửa ải” để có hiệu lực, vì mỗi thành viên tham gia có quy trình phê duyệt và triển khai riêng. Song, việc các quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp tới 90% GDP toàn cầu, cùng gật đầu với bản kế hoạch đã mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho chính sách thuế công bằng hơn trên quy mô toàn thế giới.