Bài toán nan giải về vấn đề di cư bất hợp pháp

Năm 2021, số lượng người di cư bất hợp pháp đã đến các nước Liên minh châu Âu (EU) lên gần 200.000 người, mức cao kỷ lục kể từ năm 2017. Với lượng người di cư tăng 57% so với năm 2020, vấn đề di cư bất hợp pháp vẫn là bài toán hóc búa mà các nước EU chưa tìm được lời giải.

Những người di cư nhận đồ cứu trợ nhân đạo tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan, tháng 11/2021. (Ảnh: Reuters)
Những người di cư nhận đồ cứu trợ nhân đạo tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan, tháng 11/2021. (Ảnh: Reuters)

Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy bi kịch đối với những người di cư cố gắng tìm đến "miền đất hứa châu Âu" bằng đường biển. Các thảm kịch như chìm xuồng, đắm thuyền… không còn xa lạ trên những vùng biển châu Âu.

Theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong năm qua, ước tính có khoảng 1.600 người đã chết hoặc mất tích trong hành trình vượt Ðịa Trung Hải trên những chiếc xuồng cao-su hay thuyền cũ ọp ẹp. Eo biển Manche nối Pháp và Anh trong năm 2021 ghi nhận làn sóng người di cư lên đến khoảng 28.000 người, mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2021 cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng người di cư chưa từng có tại biên giới Belarus-Ba Lan. Giữa cái lạnh tê tái của mùa đông, hàng nghìn người di cư phải sống trong cảnh "màn trời, chiếu đất", thiếu thốn lương thực và thuốc men khi bị mắc kẹt tại khu vực biên giới của Belarus giáp Ba Lan. Những "kỷ lục buồn" nêu trên đã phủ bóng u ám lên bức tranh di cư năm 2021 của châu Âu.

Với mong muốn chạy trốn vòng xoáy xung đột, nghèo đói nơi quê nhà, những người di cư, chủ yếu đến từ Trung Ðông, Bắc Phi, sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để dấn bước trên hành trình hiểm nguy tới châu Âu. Ðằng sau giấc mơ đổi đời là hiện thực tàn khốc. Các nhóm buôn người đã tìm ra "muôn hình vạn trạng" mánh khóe để đưa người di cư vào châu Âu trái phép.

Theo hãng tin AP, một cách thức mới được các nhóm buôn người sử dụng gần đây là đưa người di cư lên các du thuyền hạng sang và di chuyển trên những tuyến đường ít bị chú ý hơn, như từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Calabria của Italia. Chia sẻ với hãng AP, các nhân chứng cho biết, mỗi người di cư phải trả trung bình 8.500 euro đối với người lớn và 4.000 euro đối với trẻ em để tham gia hành trình này. Dù bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ nhưng những người di cư đã có trải nghiệm tồi tệ khi các nhóm buôn người nhồi nhét khoảng 100 người bên dưới mỗi boong tàu để trốn tránh lực lượng tuần tra.

Ðối mặt cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng, nội bộ EU vẫn "lục đục" về cách thức ứng phó. Nhằm bảo vệ đường biên giới của mình, một số nước châu Âu quyết định dựng hàng rào chặn làn sóng người di cư, đồng thời yêu cầu EU cấp kinh phí cần thiết để duy trì biện pháp này. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) phản đối việc xây dựng các bức tường chặn người di cư, đồng thời nhấn mạnh, đây chỉ là biện pháp khắc phục ngắn hạn, không phù hợp các giá trị chung của châu Âu. EC cũng khẳng định không tài trợ cho các bức tường bảo vệ biên giới này.

Giới quan sát nhận định, những gì đang xảy ra trên Ðịa Trung Hải cho thấy chính sách "cài then đóng cửa" với người di cư tồn tại nhiều bất cập, gây nguy hiểm tới tính mạng người di cư. Cũng theo giới nghiên cứu, trong số năm cuộc khủng hoảng lớn mà EU từng trải qua trong thập niên vừa qua, gồm khủng hoảng tài chính, khủng bố, di cư, Brexit và khủng hoảng y tế, thì di cư là cuộc khủng hoảng duy nhất gây chia rẽ các quốc gia một cách sâu sắc và dai dẳng.

Trải qua nhiều cuộc họp cấp cao với không ít biện pháp đã được đề xuất, EU hiện vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm một giải pháp hiệu quả cho bài toán di cư. Các chuyên gia cho rằng, EU nên cân nhắc điều chỉnh lại khung pháp lý liên quan tới vấn đề người di cư để có cách tiếp cận phù hợp hơn, trong bối cảnh vấn đề di cư ngày càng trở nên cấp bách trước tác động của "cơn sóng dữ Covid-19".