APEC đồng thuận cùng vượt qua thử thách

Cuộc họp trực tuyến hôm 16/7 của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đánh dấu sự trở lại của APEC với vị thế được đánh giá là "cái nôi của ý tưởng mới". APEC đồng thuận khẳng định vai trò của hợp tác khu vực và nhất trí thúc đẩy các giải pháp đa phương, cùng nhau vượt qua khủng hoảng do Covid-19, khôi phục kinh tế bền vững, bao trùm và an toàn.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC họp trực tuyến vào ngày 16/7.
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC họp trực tuyến vào ngày 16/7.

Trong Tuyên bố chung "Vượt qua Covid-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế", các nhà lãnh đạo APEC nhấn mạnh rằng, thế giới chỉ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng y tế khẩn cấp toàn cầu hiện nay thông qua tăng tốc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 một cách công bằng, an toàn và hiệu quả, bảo đảm vaccine có chất lượng cao và giá hợp lý.

Các nền kinh tế APEC không nằm ngoài vòng xoáy tác động nghiêm trọng của Covid-19. Ước tính, khu vực APEC ghi nhận hơn 100.000 ca bệnh mỗi ngày. Năm 2020, hơn 80 triệu người trong khu vực mất việc làm, trong đợt suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

APEC khẳng định việc tiêm chủng mang lại lợi ích cộng đồng trên toàn cầu và bảo đảm tất cả các nước, vùng lãnh thổ được tiếp cận vaccine là nhân tố thiết yếu giúp thế giới có thể sớm vượt qua thách thức hiện nay. Là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC càng có điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Với tinh thần cùng hành động để cùng vượt qua đại dịch, APEC cam kết phối hợp trong các nỗ lực nhằm tăng năng lực sản xuất và phân phối vaccine, cũng như khuyến khích tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.

Xác định thực hiện mục tiêu kiểm soát đại dịch song song nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế, APEC nhất trí cam kết duy trì thị trường mở, thúc đẩy tự do hóa thương mại và hệ thống thương mại đa phương, trong đó có việc bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ và chuỗi cung ứng, hỗ trợ cung ứng vaccine. Các nhà lãnh đạo khu vực chia sẻ phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", được Chủ tịch nước Việt Nam nêu tại cuộc họp. Theo đó, thúc đẩy phối hợp trong APEC và tăng nguồn lực cho các chương trình hợp tác liên quan các vấn đề an sinh xã hội, như tạo việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương...

Các nền kinh tế ven bờ Thái Bình Dương đã khẳng định được tính năng động và khả năng thích ứng bối cảnh đại dịch bùng phát và hoành hành hơn một năm qua. Và không chỉ giúp khôi phục đà hợp tác tích cực của APEC sau thời gian khó khăn vừa qua, cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC còn thể hiện rõ tinh thần cùng hành động, cùng vượt qua thử thách.