Áp thuế với các “ông lớn công nghệ” của Mỹ và châu Âu

Sau khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nước G20 nhất trí ủng hộ nỗ lực chung nhằm ngăn chặn những công ty đa quốc gia trốn thuế, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo tạm hoãn việc áp thuế kỹ thuật số.

Nguồn: AFP
Nguồn: AFP

Động thái này được đánh giá giúp loại bỏ rào cản tiến tới thỏa thuận thuế toàn cầu, khép lại tám năm tranh cãi về vấn đề gai góc này.

Việc EC quyết định hoãn đề xuất áp thuế kỹ thuật số của Liên hiệp châu Âu (EU) nhằm tránh gây tổn hại nỗ lực đạt được thỏa thuận về thuế toàn cầu công bằng hơn. Thông báo được EC đưa ra sau khi Mỹ cho rằng kế hoạch áp thuế của EU không phù hợp dự thảo về thỏa thuận thuế toàn cầu, ngay cả khi mức thuế này chủ yếu nhắm tới các công ty châu Âu. EC được khuyến nghị thận trọng chờ đợi các chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận thuế doanh nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), để phân bổ lại quyền đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia trước khi áp dụng mức thuế riêng của EU.

Quyết định hoãn đề xuất áp thuế kỹ thuật số được cho là động thái nhún nhường của EU, vì một thỏa thuận thuế được áp dụng trên quy mô lớn hơn. EC cho biết, kế hoạch thuế mới của EU phù hợp các nội dung đã được OECD nhất trí, dù sẽ tác động đến hàng nghìn công ty, trong đó có cả các doanh nghiệp châu Âu. Số tiền thu được từ thuế kỹ thuật số dự định được dùng để chi cho kế hoạch của EU về phục hồi sau đại dịch Covid-19, trị giá 750 tỷ euro.

Sau nhiều năm đàm phán, thế giới sẵn sàng chấm dứt cuộc đua toàn cầu về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu, tiến gần hơn tới một thỏa thuận chung. Tại các cuộc đàm phán diễn ra ở Italia mới đây, các nước G20 đã đạt bước đột phá, theo đó nhất trí với kết quả đàm phán của OECD về kế hoạch cải tổ phương thức đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia.

Thỏa thuận này sẽ đặt ra một mức thuế công ty tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia, trong đó có các “ông lớn công nghệ” của Mỹ và châu Âu, tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp. Văn kiện này cũng sẽ thay đổi cách đánh thuế đối với các công ty có lợi nhuận cao, theo đó căn cứ nơi các công ty này hoạt động và bán sản phẩm, dịch vụ thay vì theo nơi đặt trụ sở.

Hành động từ G20 và EC giúp tránh nguy cơ làm chệch hướng các nỗ lực quốc tế về một thỏa thuận thuế toàn cầu đánh vào các “đại gia” trong lĩnh vực công nghệ số. Các nhà đàm phán xác định đây là ưu tiên hàng đầu, nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng hướng tới mục tiêu hoàn tất thỏa thuận vào tháng 10 tới.

Thanh Vân