Bình luận quốc tế

Ưu tiên hàng đầu

Thế giới đã rơi vào cuộc khủng hoảng việc làm nghiêm trọng, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, đẩy nhiều người lao động vào cảnh bần cùng do mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia tăng đột biến, kéo theo hàng loạt vấn đề, làm đậm thêm gam trầm trong bức tranh đói nghèo toàn cầu.

Nhiều ngành nghề, doanh nghiệp chao đảo, người lao động mất việc làm trong "bão Covid-19". Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tăng đột biến, với 898.000 người chỉ trong một tuần. Ðây là mức tăng mạnh, cao hơn cả mức trong tuần tồi tệ nhất của giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.

Tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu cũng tăng trong tháng thứ năm liên tiếp. Tỷ lệ này tại 19 quốc gia thuộc Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) lên 8,1% trong tháng 8, với khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp. Ngày càng nhiều ý kiến lo ngại rằng, các chương trình cứu trợ của các chính phủ chưa thể giúp nhiều doanh nghiệp tránh được nguy cơ phá sản.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu còn tăng mạnh hơn trong những tháng tới, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi số ca mắc Covid-19 tăng với tốc độ "phi mã" ở nhiều quốc gia, dẫn đến tình trạng các lệnh hạn chế đi lại được tái áp đặt ở một số nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động xã hội và kinh tế. Nền kinh tế đầu tàu châu Âu là Ðức có vẻ đã "hụt hơi", khi Ngân hàng trung ương Ðức (Bundesbank) cảnh báo về số công ty vỡ nợ gia tăng. Do lệnh hoãn trả nợ đối với các công ty vỡ nợ hết hiệu lực, số doanh nghiệp phá sản có thể tăng hơn 35%, lên hơn 6.000 công ty/quý và là mức cao nhất kể từ năm 2013.

Tại Anh, giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp đã lên 4,5%, cao hơn so mức 4,1% từ tháng 5 đến tháng 7. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Anh, số nhân viên được trả lương giảm 673.000 người. Thị trường lao động Anh suy yếu hơn so dự báo và hậu quả từ suy thoái do đại dịch cũng nặng nề hơn. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo, tỷ lệ thất nghiệp tại "xứ sở sương mù" sẽ lên 7,5% vào cuối năm nay.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chứng kiến "bức tranh u ám" về việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp của Ô-xtrây-li-a đã lên ngưỡng cao mới, 6,9% trong tháng 9 vừa qua, với hơn 30.000 việc làm mất đi do ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế. Cơ quan thống kê Hàn Quốc xác nhận, nước này đã trải qua tháng thứ 7 liên tiếp có số người mất việc làm tăng cao. Với khoảng 392.000 việc làm bị mất, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc trong tháng 9 tăng 0,5 điểm phần trăm so cùng kỳ năm ngoái, lên 3,6%. Ðây là khoảng thời gian số người lao động mất việc làm dài nhất tại Hàn Quốc kể từ năm 2009. Tỷ lệ thất nghiệp của Xin-ga-po cũng tăng cao nhất trong hơn một thập niên, lên 4,5% trong tháng 8 vừa qua. 

Ðại dịch cũng khiến khu vực Mỹ la-tinh mất 34 triệu việc làm, trong đó ảnh hưởng đặc biệt nặng nề tới lao động nữ và trẻ tuổi. Cuộc khủng hoảng lao động tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ la-tinh làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng vốn đã ảnh hưởng hầu hết các nước trong khu vực. Các nước đối mặt thách thức chưa từng có, đó là tái thiết các thị trường lao động. Tại Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô…, tỷ lệ người có việc làm chỉ đạt 51,5% trong nửa đầu năm 2020.

Chính phủ các nước đã tung ra các gói cứu trợ nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động cầm chừng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, song số người mất việc làm vẫn tăng. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, đại dịch khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Nếu tình hình dịch Covid-19 không được khống chế và tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới trong năm 2021 dự tính có khoảng 150 triệu người sẽ phải sống dưới mức nghèo khổ. Thực trạng này sẽ đảo ngược những tiến bộ đạt được sau nhiều thập niên nỗ lực giảm nghèo của thế giới.  WB cho rằng, các quốc gia cần sẵn sàng cho nền kinh tế hậu Covid-19, bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và tinh thần đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới. Các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên đầu tư vào các dự án tạo nhiều việc làm, như hạ tầng và năng lượng xanh.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB cùng kêu gọi người giàu hỗ trợ người nghèo vượt qua tác động của đại dịch, ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu. Tạo việc làm cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu, được các quốc gia coi là "chìa khóa" giúp xóa đói, giảm nghèo, phù hợp chủ đề của Ngày Quốc tế xóa đói, giảm nghèo (17-10) năm nay, đó là "Cùng nhau hành động để đạt được công bằng về xã hội và môi trường cho tất cả mọi người".

HÀ ANH