"Cài đặt lại" quan hệ

Nga và Mỹ đang nỗ lực "cài đặt lại" quan hệ song phương với việc tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao sắp tới giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin và người đồng cấp Mỹ G.Bai-đơn. Dù hai bên đã có động thái "ném đá dò đường" gần đây, song dư luận không kỳ vọng vào bước đột phá mới trong quan hệ giữa hai cường quốc này.

Báo chí Nga dẫn thông cáo của Ðiện Crem-li cho biết, Nga và Mỹ đã đạt được đồng thuận về việc tổ chức cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) vào ngày 16-6 tới. Trong khi đó, về phía Mỹ, phát ngôn viên Nhà trắng G.Pxa-ki tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn muốn cùng ông V.Pu-tin "thiết lập lại" quan hệ Mỹ - Nga, vốn đã rơi vào tình trạng "mất cân bằng" từ thời cựu Tổng thống Ð.Trăm.

Những ngày gần đây, Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va đã tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp mang tính lịch sử nêu trên. Ðể mở đường cho cuộc gặp cấp cao này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp và người đồng cấp Mỹ A.Blin-ken đã có cuộc gặp tại Ai-xơ-len hồi tháng 5 bên lề Hội nghị Hội đồng Bắc cực, với tinh thần được báo giới mô tả là "thẳng thắn" song "lịch sự". Ðây cũng được xem là động thái có ý nghĩa "phá băng" trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Tiếp đó, Ðiện Crem-li và Nhà trắng cũng xác nhận, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ G.Xu-li-van và Thư ký Hội đồng An ninh Nga N.Pa-tơ-ru-sép đã gặp nhau ở Giơ-ne-vơ để tiền trạm cho hội nghị cấp cao Nga-Mỹ.

Các phát ngôn từ hai phía cũng đã phần nào tiết lộ mục tiêu và nội dung của cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ lần này. Phía Nga thông báo, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về tình trạng hiện tại và triển vọng tương lai của quan hệ Nga-Mỹ, thế ổn định chiến lược, các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như xung đột vũ trang, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu… Trong khi đó, về phía Mỹ, phát ngôn viên Nhà trắng cho biết, mục tiêu cuộc gặp cấp cao này là để hai nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề cấp bách nhằm "tìm cách khôi phục sự ổn định và dễ đoán định trong quan hệ Mỹ - Nga". Nhà trắng hy vọng hai lãnh đạo sẽ dành thời gian hợp lý để bàn về sự ổn định chiến lược, bao gồm chương trình nghị sự chung quanh vấn đề kiểm soát vũ khí hay vấn đề khí hậu...

Dù Nga và Mỹ đều bày tỏ thiện chí đàm phán, song giới phân tích nhận định, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn lần này sẽ chỉ là "sấm to, mưa nhỏ", chưa thể thu được nhiều kết quả thực chất. Lý do là giữa hai bên hiện vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Ngay trước thềm cuộc gặp cấp cao lần này, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn vẫn thông báo về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt Nga sang tiêu thụ tại Ðức và một số nước châu Âu. Theo đó, chính quyền Oa-sinh-tơn quyết định trừng phạt tám thực thể của Nga vì tham gia vào dự án nêu trên. Trong khi đó, Nga cũng vừa tuyên bố chính thức coi Mỹ và Séc là "những quốc gia không thân thiện". Ngoài ra, với việc Mỹ cáo buộc Nga đứng sau các vụ tiến công mạng nhằm vào Mỹ hay việc NATO gần đây tăng cường hoạt động quân sự gần biên giới Nga đều khiến hai bên chưa thể hóa giải ngay những nghi ngờ và bất đồng chỉ thông qua một cuộc gặp cấp cao.

Tuy nhiên, bất luận kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn ở Giơ-ne-vơ tới đây như thế nào, việc hai bên chuyển từ "khẩu chiến" sang thảo luận nghiêm túc về quan hệ song phương cũng cho thấy thiện chí "cài đặt lại" mối quan hệ song phương đang xấu đi nghiêm trọng. Sự hòa giải của hai cường quốc quan trọng này không chỉ có lợi cho mỗi nước, mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định của châu Âu và thế giới. Theo đó, sự hợp tác Nga-Mỹ chặt chẽ hơn sẽ mở ra triển vọng giải quyết một số vấn đề "gai góc" của cộng đồng quốc tế như việc chống biến đổi khí hậu, cung ứng và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu, nối lại thỏa thuận hạt nhân với I-ran...