Bình luận - Phê phán

Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ gây bất ổn xã hội (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật -

Ngày 2-7-2017, trong bài đăng trên Thời báo Niu Oóc (The New York Times), J.Wallace (Gi.Goa-lết) viết rằng ở Việt Nam, facebook đã giúp huy động việc phản đối các chính sách của Chính phủ, có vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình… Nhận xét của J.Wallace cho thấy internet (in-tơ-nét) nói chung, facebook nói riêng đã bị một số người lợi dụng vào mục đích xấu, vì thế để giữ gìn kỷ cương phép nước, cần phải xử lý nghiêm các hành vi này theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, được sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, ở Việt Nam đã có một số người tự nhận hoặc gọi nhau là “nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, người yêu nước, dân oan, tù nhân lương tâm”. Dưới hình thức khác nhau, với mức độ khác nhau, các tổ chức, cá nhân này không chỉ lên internet vu cáo chế độ, tỏ thái độ chống đối, kêu gọi, cổ vũ chống phá,… mà còn tổ chức, thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật. Những việc làm này nhận được sự tán dương, ủng hộ tài chính và vật chất từ các thế lực thù địch bên ngoài. Đặc biệt, đã có một số người được đưa ra nước ngoài để đào tạo cách thức đối phó với chính quyền, huấn luyện kỹ năng tuyên truyền, sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để hoạt động... Và họ đã trở thành thủ phạm chủ yếu của hiện tượng lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội.

Tiêu biểu cho thủ đoạn bịa đặt, đưa tin sai sự thật nhằm mục đích gây rối loạn đời sống kinh tế - xã hội là sự kiện cuối năm 2016, cơ quan chức năng bắt giữ NXL - người tung tin “Việt Nam sắp đổi tiền” rồi kêu gọi rút tiền khỏi ngân hàng mua vàng, ngoại tệ để dự trữ. Tại cơ quan công an, NXL đã khai tài khoản facebook sử dụng tung tin bịa đặt do một người Việt ở nước ngoài lập ra, NXL được mời tham gia quản trị để đăng, duyệt bài và đăng các bài có nội dung bịa đặt kèm theo bình luận phỉ báng chính quyền, kích động chống phá, gây nhiễu loạn thông tin, bất ổn xã hội. Đặc biệt, để “tăng sức nặng” cho thông tin bịa đặt, NXL sử dụng hình ảnh đồng tiền lưu niệm do Ngân hàng Nhà nước phát hành để gán danh nghĩa “tiền mới in đưa từ nước ngoài về để chuẩn bị đổi tiền”!

Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định không có việc đổi tiền, cây bút thường được RFA, VOA, BBC,… tôn xưng là “bình luận gia” còn cố vớt vát trên VOA: “Có lửa mới có khói”! Tương tự, đầu năm 2017, facebook của một số người công bố vi-đê-ô clíp quay cảnh một cống thoát có nước mầu đỏ, được cho là “phóng viên lề dân” quay ở khu vực xả thải của Công ty Formosa, lập tức trên mạng xã hội tràn ngập lời vu cáo chính quyền, kích động biểu tình phản đối. Chỉ tới khi cư dân mạng phát hiện đó là ống xả thải thuộc cầu cảng 4 - Tiên Sa (Ðà Nẵng) không gây ô nhiễm môi trường thì họ mới vội vàng xin lỗi vì thiếu kiểm chứng!

Điều đáng chú ý là, mấy “nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, người yêu nước” rất lắt léo khi đề cập vấn đề được dư luận quan tâm, như: họ kêu gào chống tham nhũng, nhưng khi Đảng và Nhà nước quyết liệt chống tham nhũng thì họ xuyên tạc là “đấu đá nội bộ”; giao thông ùn tắc, họ đổ lỗi cho chính quyền, nhưng khi chính quyền chặt hạ cây xanh để mở đường, thì lại quy kết là phá hoại môi trường… Bằng cách này hay cách khác, trên website, blog, facebook của họ thường xuất hiện ảnh được chỉnh sửa, thêm thắt, hoặc khai thác từ nguồn nước ngoài để gán cho Việt Nam. Điển hình của thủ đoạn bẩn thỉu này là họ đã sử dụng ảnh cá chết dày đặc tại hồ Michigan (Mi-chi-gân, Mỹ) năm 2008 để khẳng định là cá chết ở ven biển miền trung, và không cần kiểm chứng, một số báo nước ngoài đã sử dụng bức ảnh này để minh họa sự cố môi trường biển ở Việt Nam.

Một thí dụ khác có tính thời sự, rất nguy hại của hiện tượng lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội là một số người nấp dưới danh nghĩa tôn giáo, bảo vệ môi trường để vu cáo chính quyền, đòi hỏi vô lý; tổ chức một số hoạt động gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những cá nhân này công bố trên internet nhiều tin tức, hình ảnh cho rằng “chính quyền đàn áp giáo dân”, nhưng lại không hề thấy trong đó hình ảnh chính quyền sử dụng vũ lực, chỉ thấy các đối tượng theo họ sử dụng gạch đá tiến công lực lượng chức năng, đập phá phương tiện, làm tắc nghẽn quốc lộ 1, rồi la lối, hung hăng thách thức chính quyền.

Bất chấp việc Nhà nước rất nỗ lực giải quyết sự cố môi trường biển miền trung, việc đền bù về cơ bản đã hoàn thành và cơ bản giúp khắc phục thiệt hại của đồng bào tại các địa phương chịu ảnh hưởng của sự cố ô nhiễm, bất chấp việc biển miền trung đã an toàn và ngư dân tiếp tục ra khơi, việc 25/26 tổng giáo phận, giáo phận trong cả nước không tỏ thái độ đồng tình hoặc tổ chức hiệp thông với việc làm của họ,… song đến nay, họ vẫn cố tình lợi dụng dân chủ để thực hiện một số hành vi tiêu cực, và không khó nhận ra các hành vi này đều nhằm vào chính quyền, vu cáo chính quyền. Bởi vậy, dứt khoát không thể coi đó là thực hành dân chủ, mà là vi phạm dân chủ; vì bản chất là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội, của mọi người, là vi phạm pháp luật. Đó là các hành vi không ở riêng Việt Nam, mà bất cứ quốc gia nào tôn trọng, đề cao dân chủ cũng đều nghiêm cấm, xử lý nghiêm khắc.

Trên thực tế, không chỉ các thế lực thù địch, một số tổ chức cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam mới là thủ phạm của hiện tượng lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội; mà vì thiếu ý thức, vô trách nhiệm với hành vi, không quan tâm tới hệ lụy của hành vi, háo danh và muốn nổi tiếng trên mạng,… một số người cũng có hành vi tương tự. Phải nói rằng, sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là facebook, đã và đang tạo ra cho hàng chục triệu người Việt Nam một môi trường giao lưu, tương tác, khiến nhiều người ngỡ facebook là thế giới riêng của cá nhân, vì dân chủ nên nói gì thì nói, viết gì thì viết. Từ đó một số người đưa lên mạng thông tin bịa đặt, giật gân, truyền bá tin đồn không kiểm chứng, rồi bình luận vô trách nhiệm, như các tin: vỡ đập chính hồ Núi Cốc, cá bè xước ở Quảng Bình có nguy cơ bị nhiễm độc, bắt cóc trẻ em, máy bay rơi ở Nội Bài…

Trước đó, vào năm 2009, rộ lên tin đồn về thu mua gạo với giá cao để xuất khẩu nên gây ra tình trạng thiếu gạo dẫn đến tăng giá gạo ở một số địa phương; năm 2011, một số doanh nghiệp xuất khẩu nhận tin nhắn thông báo giá gạo tăng do Việt Nam vừa ký nhiều hợp đồng lớn, do tin theo và lo ngại, có doanh nghiệp vội vã tổ chức thu mua, làm giá gạo tăng thêm 400 nghìn đồng/tấn; năm 2014, NVT lập khoảng 100 fanpage để bán cho tổ chức, doanh nghiệp, nhưng vì họ không mua nên NVT đổi tên các fanpage này thành “báo X lừa đảo khách hàng”, “Y lừa đảo khách hàng”,… để bôi nhọ, nói xấu nhằm buộc phải mua lại…

Như vậy bên cạnh loại tin đồn nhảm nhí từ “anh hùng bàn phím” nhằm “câu lai” (like), thậm chí là “đùa cho vui”,… còn có loại tin đồn vì thù tức cá nhân, cạnh tranh và triệt hạ đối thủ trong kinh doanh, trục lợi từ facebook… LỢI dụng dân chủ hay ngộ nhận về dân chủ để đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội đều đẩy tới hệ lụy nguy hiểm, không thể lường hết. Đã có nhiều thí dụ trên thế giới cho thấy tin bịa đặt, sai sự thật không những làm mất uy tín, ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia, tác động đến con người làm cho họ vì mơ hồ, thiếu tỉnh táo, tin vào thông tin mờ ám mà có thể bộc phát hành vi chống đối làm sụp đổ một chế độ xã hội. Nên không phải ngẫu nhiên “mùa xuân A-rập” còn được gọi là “cách mạng truyền thông”, bởi “chín trong số mười người Ai Cập hay Tuy-ni-di trả lời trong một cuộc thăm dò là họ đã dùng facebook để tổ chức các cuộc nổi dậy, truyền đạt các ý tưởng”.

Năm 2015, vì viết trên facebook khẳng định tổ chức khủng bố “Việt tân” chỉ là “tổ chức bịp bợm, lừa gạt được rất nhiều người của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại” mà Lê Diễn Đức - một nhân vật chống cộng, đã bị RFA và “Người Việt” chấm dứt hợp tác. Từ đó đến nay, Lê Diễn Đức tiếp tục viết nhiều nội dung vạch trần bộ mặt của những kẻ “tranh đấu dân chủ là chỉ chửi rủa chế độ, nhắm mắt trước lý lẽ, công bằng,… chỉ vì mục đích chống cộng đến cùng”.

Qua đó có thể thấy dù chống cộng, Lê Diễn Đức cũng nhận ra bản chất của mấy kẻ lâu nay vẫn lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội. Và tới gần đây, còn có một sự kiện khiến cho mấy “nhà dân chủ” than vãn, đau buồn là việc Đinh Ngọc Thu - người Mỹ gốc Việt, kẻ trước đây phụ giúp người lập trang basam, sau đó trực tiếp điều hành trang này, nói “lời chia tay” và ngày 20-4-2017, trang basam đã chấm dứt hoạt động. Dù Đinh Ngọc Thu viện lý do cá nhân thì sự kiện còn cho thấy sự thật là họ không thể tiếp tục duy trì một trang mạng chỉ làm việc duy nhất là bịa đặt, xuyên tạc, kích động…

Từ thực trạng của vấn đề, chúng ta cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội, trên cơ sở pháp lý như: Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 quy định “các hành vi bị nghiêm cấm”, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới... Bên cạnh đó cần tích cực tuyên truyền giúp người dân luôn tỉnh táo trước thông tin bịa đặt, sai sự thật, và cơ quan chức năng cần kịp thời làm sáng tỏ thông tin đang được quan tâm để kẻ xấu không thể bịa đặt, xuyên tạc…

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 31-10-2017.

* Bài 1: Nhận diện âm mưu và thủ đoạn