Xóa đói, giảm nghèo - một nội dung cơ bản để phát triển nhân quyền

NDO - Nhân quyền, với ý nghĩa chân chính cần được nhìn nhận trên bình diện rộng mà ở đó, con người được xã hội quan tâm tạo điều kiện để có thể phát triển toàn diện về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Ngày Quốc tế nhân quyền (10-12) và 64 năm Liên hợp quốc công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948 - 2012) là dịp để chúng ta đánh giá và khẳng định những thành tựu nhân quyền nổi bật thể hiện qua công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã được tiến hành ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua.

Ðối với vấn đề nhân quyền, quan điểm của Liên hợp quốc (LHQ), cũng như quan điểm và luật pháp Việt Nam đều khẳng định các quyền cơ bản của con người là: quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ, quyền được tự do đi lại và cư trú... Các quyền ấy chỉ có thể được thực hiện khi các nhu cầu thiết yếu của con người được bảo đảm, đó là sự đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc, ở, về nước sạch, khám, chữa bệnh và giáo dục. Ðiều này thể hiện rõ ở khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Cơm áo, học hành của nhân dân chính là biểu hiện sâu sắc, cụ thể nhất của quyền con người, và phù hợp với sự phát triển ở một quốc gia có nền tảng kinh tế ở trình độ thấp, dân trí còn chưa phát triển. Cũng từ quan điểm này, việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trở thành mục tiêu hàng đầu, nhất quán, xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, được cụ thể hóa bằng pháp luật cùng các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi xóa đói, giảm nghèo (XÐGN) là một nội dung hết sức quan trọng trong các chính sách xã hội. Mục tiêu của phát triển kinh tế ở nước ta là xóa bỏ đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân gắn với bảo đảm các quyền của con người, vì sự phát triển toàn diện của con người. Ðồng thời, chúng ta coi con người vừa là động lực, vừa là nhân tố quan trọng nhất để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, công cuộc XÐGN được chính thức phát động và đẩy mạnh vào đầu những năm 90, thế kỷ 20, cùng với sự nghiệp Ðổi mới của đất nước. Hàng loạt chương trình XÐGN đã và đang được triển khai. Vào những năm đầu thế kỷ 21, Nhà nước Việt Nam đã đặt vấn đề giải quyết đói nghèo trong chiến lược phát triển bền vững, chính sách XÐGN được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.

Hơn 20 năm qua, nhờ duy trì liên tục mức tăng trưởng kinh tế khá cao, đất nước đã tạo ra nguồn lực vật chất, tinh thần to lớn để đẩy mạnh công cuộc XÐGN, nâng cao đời sống cho nhân dân. Báo cáo của Chương trình phát triển của LHQ cho thấy: Tính theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ người nghèo của Việt Nam liên tục giảm từ hơn 60% vào năm 1990, xuống 37% vào năm 1998, 18,1% vào năm 2004 và năm 2011 còn 14,5%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 16 năm từ 1992 đến 2008, tổng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo ở Việt Nam đạt hơn 260 tỷ USD. Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, kinh tế xuất phát điểm thấp, thì vào năm 2009, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình (hơn 1.000 USD/người). Ðó cũng là cơ sở để LHQ có thể khẳng định Việt Nam là quốc gia thành công nhất thế giới trong XÐGN. Dù kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn chưa có nhiều tích lũy để phát triển, nhưng Việt Nam đã triển khai các chương trình XÐGN, tập trung cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Có thể nhắc tới một số chương trình giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020...

Trong số đó, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với cộng đồng quốc tế là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (còn gọi là Chương trình 135). Chương trình được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I từ 1997 - 2006, và giai đoạn II từ 2006 - 2010. Trong giai đoạn I, gần 2.000 xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới được đầu tư để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu như điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, nâng cao đời sống văn hóa. Ðồng thời, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án khác, miễn giảm thuế, cung cấp miễn phí sách giáo khoa, báo chí, trợ giá một số nhu yếu phẩm... Trong 5 năm tiếp theo, giai đoạn II tập trung vào 1.946 xã và 3.149 thôn, buôn, làng, bản, xóm ấp đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II thuộc 45 tỉnh, thành. Giai đoạn này đã đạt được mục tiêu là tạo chuyển biến nhanh về sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong nước và xóa hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 30%.  

Theo Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vào tháng 5-2012, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Nhà nước vẫn ưu tiên bố trí tăng thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Ðến hết năm 2011, cả nước có 57/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 16,8%... Các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi đến tận từng thôn, bản, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa. Học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hưởng các chế độ miễn, giảm học phí, được vay tín dụng sinh viên. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều có sự ưu tiên cho người nghèo. Bên cạnh đó, quyền tiếp cận những dịch vụ cơ bản như nước sạch, chăm sóc sức khỏe, giáo dục ngày càng được củng cố vững chắc trong pháp luật, được cụ thể hóa bằng các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho mọi người dân. Giám đốc UNDP tại Việt Nam, bà Setsuko Yamazaki bình luận: "Việt Nam đã đạt được sự chuyển biến ấn tượng về tuổi thọ trung bình, tăng từ 65,6 tuổi năm 1990 lên 75,2 tuổi năm 2011; tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người tăng từ 855 USD lên 2.805 USD trong cùng giai đoạn". Khẳng định thành tựu của Việt Nam trong XÐGN, tháng 10-2010, Học viện phát triển nước ngoài (ODI) tuyên bố trước một hội nghị của LHQ rằng: "Việt Nam là một trong hai nước đi đầu trong việc giảm nghèo và cải thiện sức khỏe theo các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ".

Công cuộc XÐGN ở Việt Nam có sự hỗ trợ rất lớn của LHQ, các tổ chức quốc tế, các NGO, và của người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Mỗi khi bão lũ, thiên tai, người nghèo và những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn lại nhận được sự giúp đỡ chí tình của nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Lịch sử thế giới cho thấy những quốc gia nào quan tâm đến đời sống người dân thì duy trì được sự ổn định, có điều kiện để phát triển. Mong muốn phát huy dân chủ hay hiện thực hóa quyền con người phụ thuộc không ít vào kết quả XÐGN, nâng cao chất lượng sống của người dân. Thực tế này càng làm rõ giá trị to lớn của các chính sách XÐGN của Nhà nước Việt Nam. Nhờ có các chính sách XÐGN nhất quán và sự kiên trì trong triển khai thực hiện, Việt Nam đã giữ được chính trị - xã hội ổn định, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân luôn thống nhất trong một khối đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðó chính là bằng chứng thuyết phục nhất để chứng minh bản chất nhân văn và quan điểm "của dân, do dân và vì dân" của Nhà nước Việt Nam.