Bình luận - phê phán

Về xu hướng "xét lại lịch sử, viết lại lịch sử"

Nhận thức là quá trình tiệm cận chân lý. Về lịch sử, khi thế hệ sau có tư liệu toàn diện, chân xác hơn, thì nhận thức về lịch sử có bước phát triển mới.

Ðó là yêu cầu của xã hội, của khoa học, là việc bình thường đáng trân trọng của các nhà sử học chân chính. Nhưng lại có người lợi dụng điều này, lớn tiếng đòi "xét lại lịch sử", "viết lại lịch sử" với động cơ không minh bạch.

Gần đây, ý kiến "xét lại lịch sử", "viết lại lịch sử" được nêu lên dưới một số hình thức với một số biến tướng khác nhau, nhưng qua biểu hiện của chúng có thể sơ bộ quy loại trong ba nhóm: "a. Viết lại lịch sử vì cho rằng thiếu chân thực (về tư liệu) và thiếu hiểu biết (về phương pháp); b. Viết lại lịch sử để tô vẽ bản thân; c. Viết lại lịch sử với mưu đồ chính trị". Không rõ do động cơ và ý đồ không trong sáng, do thiếu hiểu biết và thiếu trách nhiệm, hay do "thói quen giật tít câu view" mà một số tờ báo, tạp chí đã góp phần làm sai lệch một số vấn đề lịch sử? Với mức độ, tốc độ lan truyền thông tin như hiện nay, với sự thiếu trách nhiệm trong kiểm chứng hoặc thẩm tra độ chính xác của thông tin, thì điều này gây tác hại rất lớn. Như có tờ báo phỏng vấn "nhà cách mạng lão thành", nhưng "nhà" này "nhớ nhầm", nói sai, quy công lao về phía mình. Có sách lại viết về "nhân vật lịch sử quá cố" với bao niềm thương tiếc, trong khi chính người này lại vẫn sống khỏe mạnh (!). Có báo, sách công bố sai lệch nhiều tư liệu, chữa lại cả sự kiện lịch sử đã được khẳng định - mà cái "sự mới" do họ viết ra lại không dựa trên cơ sở khoa học nào... Những ấn phẩm đó mang danh viết về lịch sử nhưng lại làm "nhiễu" kiến thức, gây mơ hồ và chính sự mơ hồ "chưa kết luận", dẫn đến sai lệch trong tư duy, dẫn đến nghi vấn về sự thật.

Một loại "xét lại lịch sử" khác nhằm phục vụ âm mưu "hạ bệ thần tượng, giật đổ tượng đài". Thực ra, những người muốn "xét lại lịch sử" với ý đồ đó khi lớn tiếng hô hào xét (viết) lại lịch sử chỉ mượn danh khoa học lịch sử. Không khó để nhận ra phương pháp họ sử dụng rất phi khoa học, tư liệu họ dùng để làm "bằng chứng" được ngụy tạo một cách sống sượng. Một thói quen hay gặp ở các tác giả muốn "viết lại lịch sử" là thường nhấn mạnh các chi tiết riêng lẻ mà không đặt chúng trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Như một người từng có những năm đứng trong đội ngũ chiến đấu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sau khi "trở cờ" lại lớn tiếng lên án chế độ mình từng bảo vệ "trong suốt cả thời gian dài mấy chục năm (dưới chính thể Việt Nam DCCH) không có ai được cấp hộ chiếu để đi du lịch nước ngoài" (!). Hẳn ông ta quên là trong bối cảnh cả nước sống với câu khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", thì một người Việt Nam chân chính ai lại nghĩ đến đi du lịch nước ngoài! Xa hơn nữa là cái "công trình" cho rằng "truyền thuyết trăm trứng liên quan tới Lạc Long Quân - Âu Cơ từng được ghi lại trong Lục độ tập kinh - một bộ kinh Phật; truyền thuyết về An Dương Vương chỉ là dị bản mô phỏng trận đánh giữa anh em Pandu và Duryodhana được kể lại trong Mahabharata - một sử thi Ấn Ðộ" được một tờ báo làm rùm beng, làm không ít người vì băn khoăn mà đã nghi ngờ các công trình nghiên cứu lịch sử.

Sinh thời, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - người là một thầy giáo dạy môn lịch sử, đã nói đại ý: Người làm sử phải có trái tim nhiệt thành, đầu óc sáng suốt, ngòi bút ngay thẳng. Từ cái gọi là "công trình" họ đã công bố, có thể thấy một số người tham gia viết sử hôm nay có hai điều kiện kể trên nhưng ngòi bút của họ lại "không thẳng". Ðiều đáng nói là các cơ quan, cán bộ có trách nhiệm tổ chức, quản lý công việc viết sử lại bỏ qua, giữ thái độ im lặng, "án binh bất động", tuy họ thừa hiểu rằng làm như vậy là sai. Do đó, họ đã (vô tình hay hữu ý) im lặng trước một việc sai, có thể tiếp tay cho cái sai tiếp theo, đó là điều cần phê phán. Bên cạnh đó, việc một số cuốn sách, tờ báo thiếu cẩn trọng đưa thông tin sai sự thật tới công chúng, hoặc đưa thông tin không chính xác, thậm chí sai về lịch sử cũng ảnh hưởng nghiêm trọng nhận thức chung.

Lịch sử Việt Nam có những trang bi hùng. Nhiều lần đất nước bị kẻ thù xâm chiếm, tàn phá, rồi bằng nỗ lực của toàn dân mà đất nước lại hồi sinh. Bối cảnh đó làm cho nhiều giá trị văn hóa, nhiều tư liệu lịch sử bị hủy hoại, dẫn đến thực tế là không phải giai đoạn nào cũng có tư liệu lịch sử phong phú, và lịch sử giai đoạn đó được chép một cách đầy đủ, chính xác. Ðó cũng là lý do mà lịch sử cần phải nhận thức từng bước, các bộ sử cần được tu chỉnh, thậm chí viết lại. Việc làm này trước hết là phụ thuộc vào người viết sử - những người nhận trọng trách trước xã hội về sự chân thực, chính xác khi tái hiện quá khứ. Việc nghiên cứu và viết sử cần ở người viết một tầm nhìn rộng hơn ngoài chuyên môn sâu của mình để phân định điều gì của lịch sử đã được khẳng định, điều gì còn là tồn nghi, điều gì bị chi phối bởi "tâm lý xã hội".

Ở Việt Nam, huyền sử nhiều khi lẫn với lịch sử và ngược lại - những chi tiết lịch sử được "thiêng hóa" trở nên mờ ảo lung linh, khó có thể kiểm định, xác minh bằng chứng cứ. Có những nhân vật từ huyền sử bước vào những trang lịch sử. Chuyện này đã có nhiều trong quá khứ và vẫn có cả trong thời hiện đại. Trong một số tình huống, việc đòi hỏi "bạch hóa" hoặc "thiêng hóa" một chi tiết hoặc một nhân vật lịch sử đều là thái quá, trở nên siêu hình về phương pháp, khi không đặt các chi tiết hoặc nhân vật trong cả bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn - tại nơi được sinh ra. Câu chuyện truy nguyên "lý lịch" của Kinh Dương Vương gần đây trên một tạp chí và được một số trang mạng dẫn lại là một thí dụ. Theo tác giả, dường như hình tượng huyền thoại Kinh Dương Vương có nguồn gốc sai lạc so với sự tôn kính. Ðáng chú ý là luận điểm này đã được một vị Giáo sư, Tiến sĩ người nước ngoài nêu ra. Ông cho rằng, từ thời trung đại, Việt Nam đã có việc "kiến tạo truyền thống" mặc dù chính các sử gia và chính trị gia thời phong kiến cũng đã phê phán việc "kiến tạo" này. Nhưng kể cả khi hình tượng có thể có sai lệch theo quan điểm mà nhà nghiên cứu đòi thực chứng, thì thực tế nhân vật ấy vẫn "thiêng" trong cả đền đài và tâm thức nhân dân. Khi dân tộc cần đoàn kết, nhân tâm cần "quy về một mối" thì sẽ (và đã) xuất hiện một, và chỉ một "Quốc tổ". "Quốc tổ" bước từ huyền thoại vào lịch sử với diện mạo của một con người. Dù chứng cứ, hiện vật khảo cổ học đã chứng minh sự tồn tại của một nền văn minh khá rực rỡ trong thời đại đó, thì việc cố truy tìm đầy đủ, rõ ràng lý lịch cá nhân, chính xác như thời nay là điều không thể. Nhưng dù không thể có một "lý lịch" thật cụ thể, vị thủ lĩnh đó vẫn thiêng liêng tồn tại trong tâm thức dân gian, không ai đòi phải chứng minh bằng kỹ thuật xác minh ADN hiện đại! Chưa nói tới xu hướng "xét lại lịch sử" bằng giả định "nếu như thế này thì sẽ thế kia" như ngầm bác bỏ sự lựa chọn xu hướng phát triển dân tộc. Cho nên phẫn nộ với ý kiến cho rằng: "Không cần phải phát động chiến tranh làm tốn phí cả bốn hay năm triệu sinh linh, thì rồi đến lúc nào đó, Pháp cũng phải trả lại chủ quyền độc lập cho dân ta", nhà sử học là người Mỹ gốc Việt Nguyễn Mạnh Quang đã viết rất rành mạch: "Trừ phi không biết hoặc thuộc loại phản quốc, khi có một nước khác đến ngồi trên đầu làm chủ, không có một người dân tử tế nào bằng lòng chờ cho có ngày bọn thực dân tự động trả lại cơ đồ ông cha mình cả. Nếu theo luận điệu ươn hèn như trên, thì những công lao và sự hy sinh của hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ trong các lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân ta trong đại cuộc đánh đuổi giặc Pháp ngoại xâm từ năm 1858 đến năm 1954 đều là vô ích hay sao! Và hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến 1954 - 1975 để đòi lại miền Nam trong tay Mỹ, đem lại thống nhất cho đất nước cũng là vô ích hay sao! Ðưa ra luận điệu này là tỏ ra vô ơn với hàng triệu anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc Việt Nam được trường tồn".

Nhu cầu hiểu biết về quá khứ luôn là một đòi hỏi của con người. Nhà sử học Nga O Va-in-xten cho rằng: "Lịch sử là sự tập hợp những tấm gương để cho người ta bắt chước những hành vi tốt và tránh đi những hành vi xấu" (Sử học Tây Âu thời Trung đại, Matxcova, 1962). Các bài học, kinh nghiệm từ quá khứ lịch sử vẫn mang những giá trị to lớn đối với xã hội hiện tại, để động viên nhân dân trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi,... yêu dân trị nước tiếng để muôn đời"; "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn..." (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, H. 2011, tr 255 - 256). Sự khách quan, tính trung thực chính là điều làm cho sử học hấp dẫn. Hứng thú khi đọc và học lịch sử cũng bắt nguồn từ đó. Nghiên cứu để thấu suốt, nhận biết lịch sử ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn là yếu tố đầu tiên quyết định giá trị của nghiên cứu, điều đó cần thiết cho hôm nay và cho cả con cháu mai sau. Nhưng lịch sử cũng không cần và không chấp nhận việc "xét lại lịch sử" với tầm nhìn hẹp, hoặc từ cái tâm thiếu trong sáng.