Về một “giải thưởng” khó hiểu

Vừa qua, Liên đoàn thẩm phán Đức đã trao cái gọi “giải thưởng nhân quyền 2017” cho một người Việt Nam đang bị bắt tạm giam để điều tra vì đã có hành vi vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Vậy thực chất của sự kiện này là gì?

Mấy ngày qua, trong khi trang tiếng Việt của BBC, RFA, RFI,... và một số trang mạng đua nhau đưa tin, bình luận việc Liên đoàn thẩm phán Đức trao cái gọi “giải thưởng nhân quyền 2017” cho Nguyễn Văn Đài, thì dư luận tại CHLB Đức lại chẳng mấy quan tâm, vì họ đang dành sự chú ý tới nhiều vấn đề thời sự khác quan trọng hơn, như khủng hoảng về người di cư, những cuộc tiến công của các phần tử khủng bố, ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình rời bỏ EU của Vương quốc Anh... Cơ bản hơn, là tình trạng trao “giải thưởng nhân quyền” ở CHLB Đức nói riêng và phương Tây nói chung đã đến mức lạm phát. Hằng năm tại CHLB Đức, nhiều thành phố, tổ chức phi chính phủ, trường đại học, nhà xuất bản, đài phát thanh, truyền hình,... vẫn trao “giải thưởng nhân quyền”, và dư luận cho rằng, việc trao giải thưởng chủ yếu nhằm đánh bóng tên tuổi, như là một bộ phận của chiến dịch tự quảng bá, cho nên nhiều người ở CHLB Đức không biết tên của một số tổ chức, nếu tổ chức đó không trao “giải thưởng” và sau đó làm rùm beng!

Với việc Liên đoàn thẩm phán Đức trao giải vừa qua, trước hết phải nhắc tới M.L. Dött (M.L. Đuết) - dân biểu Quốc hội Liên bang. Năm 1984, bà tham gia Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo (CDU), từ năm 1998 đến nay là dân biểu Quốc hội Liên bang. Trong bối cảnh ở CHLB Đức, các chiến dịch chạy đua trong dịp bầu cử Quốc hội Liên bang năm 2018 đã chính thức bắt đầu, người am hiểu vấn đề không thể không đặt câu hỏi, liệu bà M.L. Dött hành động từ sức ép của “sứ mệnh chính trị” hay để tạo sức hút với lá phiếu của cử tri “chống cộng”, bởi vận động trao “giải thưởng” là cơ hội tốt để bà thu hút sự chú ý? Vì một phần hoạt động của Nguyễn Văn Đài nấp dưới cái gọi “tự do tôn giáo”, cho nên cũng phải nhắc đến vai trò vận động trao giải của Tổ chức quốc tế truyền giáo Thiên chúa giáo ở thành phố Aachen (Ác-khen). Đáng chú ý là phải đề cập vai trò nhóm tự xưng “mạng lưới người bảo vệ nhân quyền”, tự đặt tên là VETO, với người điều hành là Vũ Quốc Dụng. Danh chính ngôn thuận thì nhóm này là một hội có đăng ký chính thức, hoạt động vì mục đích kinh tế, trụ sở đặt tại thành phố Bad Nauheim (Bát Nau-haim), cách thành phố Frankfurt (Phơ-ranh-phuốc) 28 km về phía bắc. Thông tin công khai về các hội ở Đức, thì hội của Vũ Quốc Dụng đăng ký tại tòa án cấp huyện thuộc thành phố Friedberg (Phơ-rít-béc), số đăng ký VeR 2847. Trên thực tế đây là tổ chức chủ yếu hoạt động xuyên tạc, vu khống, tuyên truyền chống Việt Nam. Các năm qua, dưới chiêu bài “nhân quyền”, họ cố gắng tập hợp các thành phần “chống cộng” tại CHLB Đức. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Vũ Quốc Dụng và cộng sự với cộng đồng người Việt ở CHLB Đức hầu như không có gì, có lẽ vì vậy Vũ Quốc Dụng phải gõ cửa các văn phòng dân biểu. Năm 2014, ông ta có vai trò quan trọng khi đứng ra liên hệ để đưa Lê Thị Minh Hà (vợ Nguyễn Hữu Vinh - người khi đó bị bắt, điều tra vì vi phạm Ðiều 258 Bộ luật Hình sự) sang CHLB Đức và tìm cách để bà này tiếp xúc với vài dân biểu Quốc hội Liên bang. Vũ Quốc Dụng có tham vọng là làm thế nào để Quốc hội Liên bang Đức tổ chức điều trần về nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng chiến dịch đó thất bại, ông ta chỉ làm được việc là chụp ảnh chung với vài dân biểu rồi đưa lên internet (in-tơ-nét), và tung tin sai sự thật rằng, Quốc hội Liên bang Đức đã có phiên điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam!

Liên đoàn thẩm phán Đức được thành lập ngày 1-1-1909, là một hội nghề nghiệp với thành viên là thẩm phán và kiểm sát viên của CHLB Đức. Với tư cách một hội nghề nghiệp, công việc trước hết của Liên đoàn thẩm phán Đức là chăm lo quyền lợi của thẩm phán và kiểm sát viên trong quan hệ với tòa án, viện kiểm sát... Một trong những điểm quan trọng trong tôn chỉ của Liên đoàn là bảo đảm tính độc lập của quan tòa. Tuy ra đời từ lâu, nhưng đến năm 1991, Liên đoàn thẩm phán Đức mới bắt đầu trao “giải thưởng nhân quyền”, hai năm một lần.

Việc Liên đoàn thẩm phán Đức trao giải thưởng nhân quyền cho Nguyễn Văn Đài là mâu thuẫn với tôn chỉ của chính họ. Bởi, nếu họ “tôn vinh” một người vi phạm pháp luật Việt Nam - một quốc gia có chủ quyền, liệu họ có thể “tôn vinh” một người có tội danh tương tự ở CHLB Đức? Ở quốc gia nào cũng vậy, thẩm phán và kiểm sát viên là người có vai trò rất lớn trong bảo đảm thực thi các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp. Các nguyên tắc cơ bản đó được cụ thể hóa ra trong các bộ luật. Nhiệm vụ đầu tiên của thẩm phán và kiểm sát viên là lo xét xử những người xem thường pháp luật, và họ là những người luôn đi đầu, giương cao khẩu hiệu “thượng tôn pháp luật”.

Đã từ lâu, người phương Tây thừa biết việc trao đủ các loại “giải thưởng nhân quyền” là một phần của các kế hoạch tuyên truyền dưới vỏ bọc vì dân chủ, nhân quyền. Đến hôm nay, họ vẫn nhắc đến trường hợp ông J.Ziegler (J.Xíc-lờ) là một nhà xã hội học, nhà chính trị và nhà văn ở Thụy Sĩ. Từ năm 1967 đến năm 1983 và tiếp tục từ năm 1987 đến năm 1999, ông là dân biểu Geneve (Giơ-ne-vơ) và giữ một ghế trong Hội đồng Quốc gia của Đảng Dân chủ Xã hội; từ năm 2000 đến 2008, ông là Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền lương thực, sau đó là Hội đồng Nhân quyền - và là thành viên của Tổ công tác LHQ về Hỗ trợ nhân đạo ở Iraq (I-rắc); từ năm 2008 đến 2012, Ziegler là thành viên Ủy ban cố vấn của Hội đồng Nhân quyền LHQ và tái đắc cử vào tháng 9-2013. Năm 2002, ông được trao “Giải thưởng nhân quyền Gaddafi” - giải thưởng chính quyền Libya (Li-bi) dưới thời Gaddafi (Ga-đa-phi) trao cho những người đã “đóng góp không mệt mỏi cho công cuộc phụng sự nhân quyền và tự do trên thế giới”, và nhiều thế lực chính trị đã gây sức ép buộc ông Ziegler phải trả lại giải thưởng.

Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình 3Sat về cuốn sách của ông có nhan đề Lòng hận thù đối với phương Tây, ông Ziegler cho rằng, “phương Tây hay nói về đạo đức, nhưng các nước nghèo lại cảm nhận phương Tây chỉ là một kẻ kiêu căng đối với các đòi hỏi của họ về nhân quyền. Thật may mắn là ở phương Tây, không chỉ có những kẻ kiêu căng, mà còn có những người lương tri và dũng cảm nói ra sự thật. Sự thật đó là, hàng triệu người dân ở nhiều nơi trên các châu lục vẫn sống trong tình trạng đói nghèo, chết chóc do bệnh tật, chiến tranh là hậu quả của đường lối chính trị có nguồn gốc từ phương Tây. Vì thế, nếu thật sự có lương tri, người được trao hoặc đang cổ vũ cho “giải thưởng nhân quyền” nào đó nên tham khảo và suy nghĩ chín chắn về ý kiến này; đừng vì sự khích lệ, cổ vũ của nước ngoài mà có hành động đi ngược với danh dự và lợi ích dân tộc!