Tạo nguồn lực phát triển văn học, nghệ thuật

Bài 3: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Bên cạnh việc huy động những nguồn lực trong nước, chúng ta cần tiếp tục mở rộng cánh cửa, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới. Ðây cũng là xu thế chung của toàn cầu, trong đó văn học, nghệ thuật vừa góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa dân tộc, vừa phát huy “sức mạnh mềm”, giúp xác lập vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Hình ảnh tại sự kiện “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” năm 2016. (Ảnh VGP)
Hình ảnh tại sự kiện “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Liên bang Nga” năm 2016. (Ảnh VGP)

Những năm qua, Việt Nam ngày càng chứng tỏ sự tích cực, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật. Ðặc biệt Ðảng, Nhà nước, Chính phủ đã sớm quan tâm, định hướng về vấn đề này. Ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi mới, Ðảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết chỉ ra 10 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó nội dung: “Mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa” được đặt ra với yêu cầu cụ thể đó là: “Làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học tiến bộ của nước ngoài. Phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước. Ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy. Giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước”.

Nghị quyết cũng nêu giải pháp để thực hiện như sau: “Ban hành các chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế trong quan hệ với các tổ chức quốc tế và quốc gia ở những khu vực, những nhóm nước cụ thể. Ða dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ về văn hóa (Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân) nhằm tiếp thu nhiều tinh hoa, kinh nghiệm của nước ngoài, ngăn ngừa những tác động tiêu cực. Mở rộng, khuyến khích xuất khẩu sách, báo, văn hóa phẩm. Nâng công suất và thời lượng phát thanh, truyền hình ra nước ngoài. Tăng cường trao đổi các đoàn nghệ thuật, điện ảnh, các cuộc triển lãm, các cuộc thi đấu thể thao. Hình thành cơ chế phối hợp, chỉ đạo tập trung các cơ quan và lực lượng làm công tác đối ngoại trên lĩnh vực văn hóa-thông tin”.

Ðây là định hướng hết sức quan trọng, giúp các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng có những bước chuyển biến rõ rệt, thu được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham gia giao lưu, hợp tác với các quốc gia trong nhiều lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn học, sâu khấu,… Các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các hội đoàn người Việt sinh sống ở nhiều quốc gia thường xuyên triển khai các tuần văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật trong các dịp đặc biệt để giới thiệu về đất nước, con người văn hóa thông qua nhiều hình thức nghệ thuật phong phú, đa dạng.

Bên cạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác cấp quốc gia, mang tính chất trao đổi văn hóa, thời gian qua nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cũng như các hội, ngành chức năng, các nghệ sĩ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài cũng đã chủ động tạo ra sự kết nối, tổ chức nhiều hoạt động chú trọng về chuyên môn với các đối tác nước ngoài. Một trong những điểm sáng có thể kể đến là lĩnh vực điện ảnh. Ðại diện của Việt Nam tham dự tích cực các hoạt động thường kỳ tại những diễn đàn quốc tế cũng như những chương trình, dự án hợp tác quốc tế về điện ảnh, các liên hoan phim quốc tế; tham dự các giải thưởng điện ảnh uy tín...

Chỉ tính từ năm 2010 đến 2020, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 đầu phim; tổ chức 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài với 186 đầu phim. Việt Nam cũng tổ chức thành công các liên hoan phim, giải thưởng phim quốc tế tại Việt Nam; tổ chức các tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài. Ðầu năm 2022 một thông tin làm nức lòng giới chuyên môn cũng như người hâm mộ đó là Hiệp hội Xúc tiến phát triển Ðiện ảnh Việt Nam phối hợp các cơ quan liên quan đang xây dựng dự án Giải thưởng phim châu Á tại Việt Nam với mục tiêu tạo cơ hội cho điện ảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, hợp tác hiệu quả hơn trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với điện ảnh, nhiều lĩnh vực khác cũng có những hoạt động thiết thực, cho thấy tính chủ động, sáng tạo của Việt Nam trong việc giao lưu, hợp tác quốc tế. Như trong lĩnh vực văn học có thể kể đến các hội nghị quảng bá văn học Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với bạn bè quốc tế; việc ra mắt Trung tâm dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam; các tác phẩm văn học Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên các diễn đàn văn học thế giới; Việt Nam có đại diện tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Á Phi.

Trong lĩnh vực sân khấu, nổi lên là các kỳ liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế tổ chức tại Việt Nam; các dự án hợp tác quốc tế với sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước và nước ngoài; nghệ sĩ Việt Nam tham gia tích cực các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Trong lĩnh vực âm nhạc, đại diện Việt Nam thường xuyên góp mặt tại các liên hoan âm nhạc quốc tế; nghệ sĩ Việt Nam giành nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín của thế giới; sự hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trong vấn đề bảo vệ bản quyền âm nhạc…

Chính sự nhập cuộc tích cực vào “sân chơi” chung của thế giới trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật giúp Việt Nam không ngừng mở rộng cánh cửa giao lưu, học hỏi, quảng bá các giá trị văn học, nghệ thuật đặc sắc của đất nước tới thế giới, kêu gọi sự hợp tác từ các bạn bè quốc tế. Thông qua đó, giúp các nghệ sĩ trong nước có cơ hội cọ xát, tiếp thu tinh hoa của nhân loại, từ đó phát huy hơn nữa những giá trị riêng biệt của văn hóa dân tộc. Ðồng thời giúp công chúng từng bước nhận diện “thương hiệu” văn hóa Việt ở nước ngoài, đưa các giá trị văn học, nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, từng bước thiết lập các mối quan hệ giao lưu, hợp tác, mở ra nhiều cơ hội để phát triển.

Thực tế này cho thấy quan điểm cho rằng văn học, nghệ thuật là “hữu xạ tự nhiên hương” cần được nhìn nhận cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay. Bởi nếu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị không được quảng bá, lan tỏa, vươn ra ngoài biên giới quốc gia, mở rộng đối tượng công chúng; đa dạng nguồn lực để phát triển; nếu các nghệ sĩ trong nước không có cơ hội tiếp cận, tăng cường sự hiểu biết, học hỏi trong môi trường quốc tế thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng tự bằng lòng với chính bản thân mà tụt hậu lúc nào không hay. Cần nhìn nhận rằng, từ cánh cửa của văn học, nghệ thuật sẽ giúp mở ra những cơ hội mới cho các lĩnh vực khác. Như thông qua một bộ phim là cơ hội cho lĩnh vực du lịch đón tiếp nhiều du khách quốc tế đến khám phá, tìm hiểu về đất nước con người Việt Nam.

Thông qua một tác phẩm văn học, độc giả nước ngoài sẽ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Mặt khác, các văn nghệ sĩ không chỉ đóng vai trò là chủ thể sáng tác, hoặc biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật mà còn có thể phát huy uy tín, ảnh hưởng của mình đến đối tượng công chúng rộng lớn hơn, giúp mở ra những cây cầu cho quá trình hội nhập, giao lưu quốc tế ngày càng thực chất, phù hợp xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng không ít đơn vị nghệ thuật vốn quen sống bằng “bầu sữa bao cấp”, hoạt động theo kiểu cầm chừng, chậm thay đổi, thích ứng với đòi hỏi của xã hội và yêu cầu ngày càng cao của công chúng. Không ít văn nghệ sĩ hiện vẫn còn thờ ơ, tự cho mình đứng ngoài cuộc, không nhập cuộc vào dòng chảy tất yếu của đời sống, bàng quan trước các giá trị tinh hoa của thế giới, sớm bằng lòng với những gì mình đã đạt được. Trong khi đời sống không ngừng vận động, xu thế quốc tế hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ về mọi lĩnh vực ngành nghề, văn học, nghệ thuật nếu chậm trễ, thì nguy cơ tụt hậu là khó tránh khỏi.

Do đó, hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật cần tiếp tục trở thành một trong những hoạt động nổi bật, và là điểm nhấn trong các hoạt động ngoại giao văn hóa. Văn học, nghệ thuật cần phải phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm”, khẳng định bản sắc và bản lĩnh dân tộc, đưa các giá trị Việt vươn xa, mời gọi bạn bè quốc tế tìm đến, cùng hợp tác và phát triển.

Muốn đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi cần phát huy hơn nữa tính chủ động của các cơ quan, ban, ngành cũng như các tổ chức, cá nhân. Cụ thể, cần có sự hỗ trợ, vào cuộc đồng bộ của cả Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Ðại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghề nghiệp, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, và chính các văn nghệ sĩ. Trên cơ sở các chính sách được ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cần xây dựng một kế hoạch triển khai thống nhất và bài bản; không ngừng đa dạng các hình thức hợp tác để đạt được hiệu quả cao nhất bởi đây chính là một nguồn lực dồi dào nếu chúng ta biết nắm bắt và khai thác. Phát huy hiệu quả việc hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật sẽ giúp mở ra những cơ hội mới, vận hội mới cho quốc gia. Ðó cũng là mong mỏi chung không chỉ đối với những người hoạt động trong lĩnh vực có tính đặc thù này mà còn là kỳ vọng của toàn xã hội.

Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 19/4 và 22/4/2022.