Sức sống và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Các Mác

Những năm qua, một trong các thủ đoạn mà các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước sử dụng để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam là xuyên tạc học thuyết do C.Mác xây dựng và phát triển. Họ cũng làm ngơ trước thực tế ở phương Tây, ngày càng có nhiều người quan tâm tới chủ nghĩa Mác. Bài viết (hai kỳ) của tác giả Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Đức thêm phần giúp bạn đọc tiếp cận một cách khách quan về vấn đề này.

(Kỳ 1)

Ở phương Tây, ngày nay người quan tâm đến chủ nghĩa Mác không chỉ là công nhân hay người lao động bình thường, mà có nhiều học giả và chính trị gia. Trong bài viết có nhan đề Mác, Ăng-ghen và tiến trình toàn cầu hóa (Marx, Engels und die Globalisierung) đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử đương đại số 2-2009 (Zeithistorische Forschungen), GS, TS T.Me-kê (T.Mergel) làm việc ở Khoa Triết học, Trường đại học Tổng hợp Béc-lin đã không chỉ trình bày súc tích sự phân tích, phê phán chủ nghĩa tư bản qua tác phẩm của Mác, Ăng-ghen và mối liên hệ với tiến trình toàn cầu hóa đang tiếp diễn, mà còn đưa ra kết luận thú vị: “Quá nửa số người dân Đức nhận thấy rằng, học thuyết của Mác hiện nay vẫn còn có ý nghĩa to lớn”.

Rất nhiều sự kiện đã xác nhận kết luận của T.Me-kê. Thí dụ, 20 năm sau ngày nước Đức thống nhất, một hội nghị quốc tế lớn về tính hiện thực của triết học Mác-xít với chủ đề Tư duy lại về Mác.

Triết học, phê phán, thực tế (Re-Thinking Marx.Philosophie, Kritik, Praxis) đã tổ chức tại Trường đại học Tổng hợp Béc-lin từ ngày 20 đến 22-5-2011 với 44 tham luận chính trình bày tại bốn phiên họp toàn thể, và hơn 100 tham luận trình bày tại tám nhóm làm việc. Ngày có số thính giả đông nhất đến dự lên tới 1.500 người.

Mục đích ban tổ chức nêu rõ là tư duy mới, là làm sâu sắc hơn các tác phẩm chính, các suy nghĩ có tính chất phê phán của C.Mác, và vấn đề là ở chỗ, đó là khẩu hiệu trong các cuộc đàm luận. Khẩu hiệu này là một phần trong các ý kiến quan trọng của C.Mác đã thấm sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ chiến sĩ đấu tranh vì tự do. Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới bằng các phương thức khác nhau, vấn đề là ở chỗ thay đổi thế giới.

Bà GS, TS R.Giê-ki (R.Jaeggi) giảng dạy triết học ở Trường đại học Tổng hợp Béc-lin và là người chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị đã nói: “Mác là một người con của thời đại mình và là một người bạn để trao đổi, vì ông là một trong những nhà triết học xã hội cổ điển quan trọng nhất của nhân loại”. Tuy còn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về học thuyết của C.Mác, song phần lớn người tham gia đều cho rằng: “sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản hiện nay là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự quan tâm ngày càng nhiều học thuyết của Mác”.

Đúng ngày khai mạc hội nghị, Đài phát thanh Đức (Deutschlandfunk) cho phát bài báo có nhan đề Chúng ta thật sự chỉ muốn kinh tế cường thịnh? (Wollen wir tatsächlich nur, dass es der Wirtschaft gut geht?). Đây là bài phỏng vấn ông A. An-đờ (A. Arndt) giảng dạy triết học ở Trường đại học Tổng hợp Béc-lin, đồng thời là Chủ tịch Tổ chức Hê-ghen quốc tế và làm việc cho Phân viện Sừ-lai-ơ-mắc-khờ (Schleiermacher) thuộc Viện hàn lâm khoa học Béc-lin - Bờ-ran-đen-buốc (Berlin-Brandenburgische Akademie der Wissenschaften).

Câu hỏi: “Liệu Mác có phác thảo một lý thuyết chính trị có tính khả thi làm khuôn mẫu cho cuộc sống xã hội chung?” đã được ông A.An-đờ trả lời: “Không như nhiều người nghĩ, Mác không để lại lý thuyết hoàn toàn hoàn chỉnh cho xã hội cộng sản. Khi tuổi đời ngày càng cao, ông cương quyết từ chối đưa ra một dự báo nào đó cho tương lai. Mác là một người ủng hộ lý thuyết của phép biện chứng. Nói cách khác, ông chỉ ra và tìm cách chỉ ra tại sao xã hội hiện tại về lâu dài không thể tiếp tục tồn tại và về cơ bản bỏ ngỏ cho các cuộc tranh luận trong thời đại tương ứng tự quyết định về tiến trình của các sự kiện và cái gì sau đó có thể tiếp bước theo. Ông không có một kế hoạch trong túi”.

Ngày 14-3-2013, hãng tin Làn sóng Đức (Deutsche Welle) qua bài nhan đề Mác - Sự phê phán của ông hôm nay hiện thời như thế nào? (Marx - Wie aktuell ist seine Kritik heute?) tiếp tục phỏng vấn ông A. An-đờ (A. Arndt ) trong đó có một số câu hỏi và câu trả lời khá thú vị, xin được trích dịch:

- Cho đến vài năm trước đây, có người cho rằng học thuyết Mác-xít đã tuyệt vong. Nhưng trong tiến trình của cuộc khủng hoảng tài chính thì sự phê phán của ông về sự bóc lột kinh tế và sự bất công trở nên hiện thời hơn bao giờ hết. Chúng ta hôm nay có thể học được điều gì từ C.Mác?

- A.An-đờ: Tính hiện thực của C.Mác không phải ở chỗ như một một số người trong thời gian dài đã nghĩ rằng ông cung cấp một cuốn sách công thức để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để có thể thay đổi xã hội? Thực ra, ông đưa ra một phương cách, một nghiên cứu phê phán. C.Mác không nghiên cứu những bộ phận riêng lẻ nào đó của quản lý kinh doanh. Ông nghiên cứu một phương thức sản xuất mà ngay từ đầu đã ổn định trên bình diện toàn cầu.

Với sự nhìn nhận mở rộng, ông nhận thấy các mối liên quan mà bình thường không thể phát hiện ra được. Một dự án lớn của C.Mác là trả lời các câu hỏi: Một hệ thống tự ổn định như thế nào? Nó có thể hoàn toàn tự ổn định? Và ông đã đi đến kết luận, về lâu dài, như hiện tại, nó sẽ không thể hoạt động.

Những gì hôm nay chúng ta quan sát được trên thị trường tài chính thì chắc chắn đó là một phần của sự phát triển mà ông nhận thấy: Nhu cầu về tư bản thường xuyên tiếp tục tăng thêm. Ngày càng nhiều tư bản phải được đưa ra để cân bằng sự mất cân đối giữa các ngành sản xuất và cuối cùng là để cả hệ thống có thể hoạt động được. Nhưng số tư bản không được đầu tư hiệu quả mà phần lớn là đầu tư theo phương cách may rủi.

- Sức mạnh của C.Mác là phân tích khoa học. Nhưng ông có phải đơn thuần là một nhà phân tích? Thế đạo đức giữ một vai trò như thế nào?

- A.An-đờ: Yếu tố đạo đức giữ một vai trò nhất định trong các điều kiện để thực thi sự tự do. Theo tôi, về phương diện này, Mác đã tiếp nhận khái niệm lịch sử tự do của Hê-ghen. Ông muốn con người có thể sống, làm việc trong những điều kiện tương ứng cho tất cả mọi thành viên mà không có sự phụ thuộc nào cả. Suy nghĩ này không dựa vào các quan niệm đạo đức riêng lẻ mà dựa vào khái niệm của Hê-ghen, người thầy của Mác, là khái niệm “cộng đồng đạo đức”.

- Mác viết ra lý thuyết của mình với tư cách là con người của thời đại ông. Song hồi đó làm gì có áo phông rẻ tiền được sản xuất ở các nước đang phát triển?

- A.An-đờ: Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác và Ăng-ghen mô tả các xu hướng của tiến trình toàn cầu hóa. Trong một số nghiên cứu riêng lẻ, Mác đã chỉ ra rằng, tư bản sẽ đi đến những nơi có sức lao động rẻ mạt, sẽ tìm mọi cách thường xuyên ép giá đồng lương xuống thấp hơn. Qua Mác, người ta có thể hiểu rất rõ việc di chuyển sản xuất đến các quốc gia có đồng lương rẻ mạt. Nhiều người cho rằng, Mác là một người tôn sùng năng suất. Nhưng ông đã không chỉ quan tâm đến năng suất. Với ông, sự thường xuyên nâng cao năng suất sẽ gây ra hậu quả vì tài nguyên có hạn. Mối liên quan này Mác nhìn thấy rất rõ. Như vậy, về phương diện sinh thái, Mác có những đóng góp cho cuộc tranh luận…

Đến hôm nay nhiều người vẫn nhắc đến một câu nói và cho rằng Mác từng phát biểu “Tôi không phải một người Mác-xít”. Nhưng trong bài Tại sao Mác vẫn còn hợp thời (Warum Marx immer noch aktuell ist) đăng trên Tạp chí chính trị Cicero Online (phiên bản điện tử: Politisches Magazin Cicero Online) số ra tháng 7-2007, khi trả lời phỏng vấn, ông A.An-đờ giải thích, “Tôi chưa bao giờ tìm thấy câu này ở Mác”. Và điều đó chứng tỏ nhiều điều trong học thuyết C.Mác đã không những bị hiểu lầm, mà còn bị xuyên tạc, và từ đó nhắc nhở chúng ta cần phải nghiên cứu nghiêm chỉnh các công trình của ông để phản biện, bác bỏ các luận điệu của các thế lực thù địch, và các thành phần bất mãn hoặc thiếu thiện chí, vì những lý do khác nhau đã luôn cố tình bịa đặt, xuyên tạc C.Mác.

Ở CHLB Đức, những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác với tất cả tâm huyết không nhất thiết là chỉ có những người cao tuổi. Trong số họ, có nhiều người tuy trẻ về tuổi đời nhưng đã trở thành nhà nghiên cứu Học thuyết Mác-xít rất có uy tín.

Một trong những người đó là TS G.Va-ken-khờ-nếch (S. Wagenknecht sinh năm 1969), năm 1996, bà bảo vệ luận văn triết học tốt nghiệp đại học với chủ đề Về sự tiếp thu Hê-ghen của Mác thời tuổi trẻ (Zur Hegelrezeption des jungen Marx) in thành sách với lần tái bản gần đây nhất là tháng 6-2013. Năm 2012, bà đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án TS Chính trị học với đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế Những giới hạn của sự tự do lựa chọn. Các quyết định tiết kiệm, nhu cầu cơ bản ở những nước đã phát triển.

Một trong những cuốn sách của bà hiện được nhiều người đọc là Tự do thay vì chủ nghĩa tư bản (Freiheit statt Kapitalismus). Là đảng viên Đảng cánh tả (DIE LINKE) đồng thời là đại biểu Quốc hội Đức, bà thường xuyên được mời nói chuyện tại các diễn đàn về các vấn đề chính trị, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội. Chương trình tọa đàm trực tiếp của các đài truyền hình có uy tín ở Đức đã thu hút nhiều người xem mỗi khi bà được mời tham gia.

Nhiều người gọi bà là “nữ hoàng talk show”, không chỉ vì nhan sắc như một hoa hậu, mà vì sự suy nghĩ trung thực và lý luận sắc bén có khả năng thuyết phục cao. Khi còn là đại biểu Quốc hội châu Âu, nhiều phát biểu của bà đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người dân.

(Còn nữa)