Sự dối trá và lừa bịp (*)

50 năm qua, rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu và cả những người trong cuộc đã chứng minh, khẳng định sự việc “thảm sát ở Huế năm 1968” là sản phẩm của sự dối trá, bịp bợm. Đáng chú ý, trong cuốn Kinh tế chính trị về nhân quyền Tập I, hai Giáo sư A.N Chomski (A.N Chôm-sky) và E.Herman (E.Héc-man) đã dành phần Thảm sát tại Huế năm 1968 để phân tích, chỉ rõ sự thật về sự kiện ngụy tạo nêu trên đã được cố tình dựng lên như thế nào. Báo Nhân Dân xin trích đăng nội dung này.

“Điều cơ bản liên quan chuyện hoang đường về cuộc thảm sát ở Huế là việc cho rằng, sau khi chiếm đóng thành phố trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1968, theo kế hoạch được xác định trước và từ “sổ đen” ghi tên người làm việc cho chính phủ hoặc coi là “kẻ thù giai cấp”, Việt cộng đã bắt giữ và giết hại hàng nghìn người dân. Những tài liệu chủ yếu đẩy tới câu chuyện này gồm một bản báo cáo do chính quyền Sài Gòn đưa ra tháng 4-1968, một tài liệu được phái đoàn Mỹ phổ biến tháng 11-1969, một bản phân tích của D.Pike (D.Pi-cơ - sĩ quan tâm lý chiến làm việc tại Phòng Thông tin Mỹ - USIS) ra đời năm 1970. Hai báo cáo của chính quyền Sài Gòn và D.Pike gây ra nghi ngờ vì dựa trên nguồn tin, vai trò của chiến dịch tuyên truyền rộng rãi nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Nhưng quan trọng hơn cả là các tài liệu này đã không được điều tra kỹ lưỡng.

... Ngay sau Tết Mậu Thân, Trưởng ty cảnh sát Huế là Đoàn Công Lập ước tính số nạn nhân bị thảm sát do Việt cộng gây ra là khoảng 200 người, các mồ chôn tập thể của thường dân và quan chức địa phương khoảng 300 người. Cuối tháng 4-1968, một báo cáo do cơ quan tuyên truyền của Sài Gòn đưa ra khẳng định khoảng 1.000 người đã bị Việt cộng giết tại Huế, trong đó có gần một nửa bị chôn sống. Do thông tin không được chú ý, cho nên vài tuần sau đó, Đại sứ quán Mỹ tiếp tục đưa ra một báo cáo tương tự và thông tin từ báo cáo này trở thành tin tức hàng đầu trên nhiều tờ báo ở Mỹ. Tuy nhiên, dù không nhà báo phương Tây nào được đưa tới nơi khai quật các mồ chôn tập thể, thông tin đó vẫn không bị chất vấn. Và ngược lại, nhiếp ảnh gia người Pháp M.Riboud (M.Ri-bu) nhiều lần bị từ chối khi muốn đến xem xét một trong số địa điểm mà đại diện chính quyền Huế nói có 300 quan chức chính phủ đã bị Việt cộng giết và chôn. Cuối cùng M.Riboud cũng được máy bay đưa tới địa điểm đó, song viên phi công lại từ chối hạ cánh vì lý do không an toàn. Đại diện của AFSC (Ủy ban phục vụ của những người bạn Mỹ - Tổ chức Quaker) tại Huế cũng không thể khẳng định về các hố chôn tập thể, mặc dù họ báo cáo là có nhiều thường dân đã bị bắn, bị giết suốt cuộc tái chiếm thành phố.

... Mùa thu năm 1969, xuất hiện một “tài liệu lấy được” và đáng chú ý đây là tài liệu vốn đã có trong hồ sơ 19 tháng nhưng không được chú ý; tài liệu cho biết kẻ địch “tự nhận” trong chiến dịch ở Huế họ đã giết 2.748 người. Rồi tài liệu này trở thành nguồn thông tin chủ yếu để dựa vào đó, câu chuyện về thảm sát ở Huế được dựng lên. Nên nói thêm là vào lúc tài liệu được tiết lộ cho báo chí, tháng 11-1969, D.Pike đang có mặt ở Sài Gòn với nhiệm vụ tạo ra vụ thảm sát theo yêu cầu của Đại sứ E.Bunker (E.Băng-cơ). D.Pike nhận ra rằng, các phóng viên Mỹ rất thích tài liệu này cho nên ông đã cung cấp cho họ. Ông cũng biết không có phóng viên nào hiểu được tiếng Việt, vì thế các tài liệu được dịch, xây dựng lại sao cho phù hợp với yêu cầu về một vụ thảm sát. Ngoài ra dù nhiều tài liệu về Việt Nam từng bị cố tình làm sai lạc song không có phóng viên nào thắc mắc về tính xác thực của các tài liệu ông đưa ra, hoặc tìm bằng chứng để đưa ra đánh giá độc lập. D.Pike đã đúng về điều này, khi vụ Mỹ Lai bị phát giác và các hoạt động vì hòa bình một cách có tổ chức gia tăng vào mùa thu năm 1969. Ở đây chỉ cần một vài dấu hiệu nghi ngờ của phóng viên nước ngoài là không được can thiệp vào việc hợp thức hóa thành văn bản chính thức.

Ngoài “tài liệu lấy được”, vấn đề có tính thuyết phục về cuộc thảm sát là việc tìm ra những hố chôn tập thể. Tuy nhiên, các bằng chứng này lại không đủ thuyết phục như những tài liệu được sắp xếp nêu trên. Một điều rất hệ trọng nữa là vấn đề số đông thường dân đã bị giết chết bởi các trận pháo kích bừa bãi của quân đội Mỹ và Nam Việt Nam trong khi họ tiến công chiếm lại Huế. Như nhà nhiếp ảnh chiến trường D.D Duncan (D.D Đun-can) đã mô tả thì cuộc tái chiếm này là “nỗ lực dốc hết sức để loại bỏ bất cứ một kẻ địch nào. Tâm trí tôi bấn loạn trước cuộc tàn sát”. Nhà nhiếp ảnh P.J Griffiths (P.J Gơ-ri-phít) thì cho biết, hầu hết nạn nhân “đã bị giết bởi bom đạn được bắn một cách kinh hoàng chưa từng thấy của Mỹ” nhưng về sau lại được coi là “nạn nhân từ vụ thảm sát của Việt cộng”. Phóng viên R.Shaplen (R.Sap-len) cũng viết về lúc đó: “Không có gì mô tả về sự tàn phá trong chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam lại có thể làm tôi kinh hoàng bằng những gì tôi đã thấy ở Huế”. Trong số 17.134 ngôi nhà thì đã có 9.776 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, 3.169 ngôi nhà bị thiệt hại trầm trọng…

Đáng lưu ý là các phóng viên độc lập không được phép có mặt ở hiện trường và họ rất khó xác định chỗ chính xác nơi có các hố chôn, dù đã nhiều lần yêu cầu được đến xem. Một phóng viên nói chuyện với một lính thủy quân lục chiến từng có mặt tại buổi khai quật công khai đầu tiên kể rằng, phóng viên được đến đó là người đáng tin cậy, được lựa chọn cẩn thận, các thi thể không được kiểm tra. Ông còn nhận xét dấu vết tại hiện trường chứng tỏ việc chôn lấp có sử dụng xe ủi đất (phương tiện mà phía Việt cộng không có). Có lẽ chỉ các bác sĩ phương Tây được xem xét các mồ chôn. Bác sĩ người Ca-na-đa, A.Vennema (A.Ven-ne-ma) cho biết, số nạn nhân trong hố chôn tập thể mà ông xem xét là 68 người, hầu hết đã bị thương và mặc quân phục, nhưng được báo cáo lên tới 477 người, tức là đã bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn thổi phồng lên gấp bảy lần.

Rất ít người chú ý các nạn nhân ở Huế không phải do Việt cộng hay bom đạn Mỹ mà do quân đội Sài Gòn giết hại khi họ tái chiếm thành phố. Nhiều người thân cộng ở Huế đã lộ diện trong cuộc tổng tiến công khi bày tỏ sự ủng hộ với Việt cộng, hoặc hợp tác với chính quyền lâm thời địa phương do Việt cộng thiết lập. Khi Việt cộng rút đi, nhiều cán bộ và người ủng hộ họ đã không thoát được, phải ở lại trong tình thế rất nguy hiểm, trở thành đối tượng trả thù của chính quyền Sài Gòn. Bằng chứng được đưa ra ánh sáng là sau khi tái chiếm Huế, chính quyền Sài Gòn đã tiến hành giết hại để trả thù trên quy mô lớn. Trong một bài báo mô tả rất sinh động, nhà báo người I-ta-li-a là O.Fallaci (O.Phan-la-xi) dẫn lời một linh mục Pháp ở Huế kết luận sau ngày quân đội Sài Gòn vào thành phố: “Tất cả có khoảng 1.100 người bị giết”. Họ hầu hết là sinh viên, giáo viên đại học, tu sĩ, trí thức, tín đồ ở Huế đã công khai bày tỏ cảm tình của họ đối với Việt cộng.

Trong mọi trường hợp, tình trạng lộn xộn về các sự kiện và bằng chứng cùng các chứng cứ không thể tin được của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, chí ít cũng cho thấy “cuộc tắm máu” do Việt cộng gây ra tại Huế được xây dựng trên những bằng chứng hời hợt... Ở trên, chúng tôi đã đề cập một số việc làm trắng trợn do cơ quan tuyên truyền của Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành. Cần nhấn mạnh rằng, lẽ ra phải xem xét với nhiều hoài nghi hơn đối với các báo cáo hằng ngày vẫn đề cập tin tức về những vấn đề ở Đông Dương. Bởi trong một số trường hợp, khi tiến hành điều tra nghiêm túc thì thông tin do Mỹ và chính quyền Sài Gòn cung cấp lại không có giá trị. Thí dụ, nhà báo Nhật Bản K.Honda (K.Hon-đa) điều tra một báo cáo hằng tuần có nhan đề Những hoạt động khủng bố của Việt cộng do cơ quan thông tin của quân đội Mỹ tại Sài Gòn cung cấp. Nghiên cứu một vụ quan tâm nhất, ông đã phát hiện khủng bố không chỉ kinh hoàng, xảy ra thường xuyên, mà còn bị che đậy bởi hành động kiểm soát tin tức rất chặt chẽ của chính quyền Sài Gòn... Dường như vô số “sự việc kinh hoàng” đã được che đậy một cách bí mật khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng gia tăng. Ông khám phá vụ ám sát năm sinh viên Phật tử trước đó đã được chính thức công bố là nạn nhân của Việt cộng, song rõ ràng lại do quân đội Sài Gòn gây ra. Cùng với đó là việc binh lính Sài Gòn say rượu cãi lộn rồi ném lựu đạn vào thường dân qua đường, làm họ bị chết, cũng được gán cho Việt cộng. Trong nhiều vụ việc khác, sự thật đã bị phơi bày một cách tình cờ. Thí dụ đặc biệt phi lý, khó có thể chấp nhận là việc không quân Việt Nam cộng hòa đã không kích phá hủy nơi hài cốt của nạn nhân vụ Mỹ Lai được chuyển tới. Và như thường lệ, vụ việc cũng được gán cho Việt cộng. Tuy nhiên, những người theo đạo Quaker (Quây-cơ) trong vùng đã phanh phui sự thật này.

Các thí dụ nêu trên gợi lên một điều rằng các báo cáo chính thức là sự dối trá và lừa bịp, một vài trường hợp được thay đổi biến thành chuyện chính thức song hoang đường. Một kết luận quan trọng nữa là nguồn tin chính thức nói chung đã hạn chế độ tin cậy một cách tối đa. Chúng đưa ra các câu hỏi, nhưng không đưa ra được câu trả lời đáng tin cậy”.

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân - Lược dịch và trích đăng từ: A.N Chomsky và E.S Herman, The political economy of human rights, Volume I, Black Rose Book, Montréal 1979 - 5.2.3 The Hue Massacre of 1968 (Excerpts) - (A.N Chomsky và E.S Herman, Kinh tế chính trị về nhân quyền Tập I, NXB Black Rose, Montréal 1979, phần 5.2.3 - Thảm sát Huế năm 1968). Giáo sư A.N Chomsky (1928) là nhà triết học, ngôn ngữ học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng tại Mỹ, người “thường được xem là một trong những nhà trí thức quan trọng nhất trong nền chính trị cánh tả tại Mỹ”; Giáo sư E.S Herman (1925 - 2017) là nhà kinh tế học, nhà phân tích truyền thông nổi tiếng ở Mỹ.