“Sóng sạch” World Cup và nạn xâm phạm bản quyền

Nỗ lực quyết liệt ngăn chặn tình trạng tiếp, phát sóng trái phép các trận đấu, sự kiện bên lề World Cup trên mạng xã hội của Đài Truyền hình Việt Nam cùng nhiều cơ quan, tổ chức và người hâm mộ bóng đá thời gian qua đã mang lại một số dấu hiệu tích cực bước đầu. Tuy nhiên, nếu hành vi xâm phạm bản quyền không được ngăn chặn hiệu quả, nguy cơ bị dừng phát sóng giải đấu lớn này tại Việt Nam vẫn có thể xảy ra.

Là giải vô địch bóng đá thế giới quy mô lớn nhất, quy tụ các đội tuyển và cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh, được tổ chức bốn năm một lần nên dễ hiểu vì sao World Cup có sức hấp dẫn vô cùng lớn với người hâm mộ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng niềm vui của khán giả từ việc được theo dõi những trận cầu đỉnh cao trên sóng truyền hình cả nước rất dễ có thể sẽ phải kết thúc sớm nếu xã hội và các cơ quan chức năng không ngăn chặn được vấn nạn xâm phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông đại chúng. Trên thực tế, nỗi lo về việc "World Cup bị dừng phát sóng" của Ðài Truyền hình Việt Nam (VTV) - đơn vị giữ bản quyền giải đấu này tại nước ta, là hoàn toàn có cơ sở. Chỉ trong vòng ba ngày từ khi khai mạc World Cup 2018, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu trên tại nhiều website, mạng xã hội. Phải xem đây là hành động phá hoại, bởi doanh thu và lợi ích từ một kỳ World Cup đem lại cho cầu thủ, người hâm mộ và các doanh nghiệp được ví như "một mỏ vàng" thật sự; không chỉ đóng góp đáng kể với nguồn thu hằng năm của FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới); tăng lợi nhuận cho các ngân hàng, doanh nghiệp vận tải, công ty du lịch, khách sạn; quảng bá danh tiếng cho các nhà tài trợ chính thức của World Cup mà còn ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế của nước chủ nhà đăng cai giải đấu. Với đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng, lợi nhuận thu được là các hợp đồng quảng cáo trong suốt thời gian diễn ra World Cup lên đến hàng triệu USD. Theo ước tính của phóng viên Thời báo Kinh tế Việt Nam dựa trên bảng giá quảng cáo trong các chương trình trên sóng VTV dịp World Cup 2018, thì đơn vị này có thể thu về từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/phút quảng cáo tại trận chung kết diễn ra ngày 15-7 sắp tới. Chính vì thế không riêng VTV, mà nhiều hãng thông tấn, kênh truyền hình khổng lồ như Sony (tập đoàn nắm giữ bản quyền World Cup tại nhiều quốc gia ở châu Á như Ấn Ðộ) cũng đang kêu gọi kết hợp biện pháp trừng phạt với những đối tượng cố tình xâm phạm bản quyền truyền hình. Bởi từ trước đến nay, FIFA cùng các liên đoàn trực thuộc cũng vô cùng nghiêm khắc với các đối tác nắm giữ bản quyền phát sóng thương mại của họ. Trước tình trạng nêu trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cũng như bày tỏ thái độ quyết liệt với tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình của VTV, HTV, cũng như các nhà báo nổi tiếng và lực lượng "hiệp sĩ công nghệ", việc Bộ Thông tin và Truyền thông kịp thời chỉ đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin vào cuộc, tham gia rà soát, quét, báo cáo các trang web, fanpage vi phạm bản quyền World Cup nhằm bảo vệ nguồn "sóng sạch" là hết sức cần thiết. Việc ngăn chặn hiệu quả hàng trăm đường dẫn "lậu" cho thấy quyết tâm của các tổ chức và cá nhân trong việc đem tới các chương trình phát "sóng sạch" và chất lượng cho khán giả truyền hình. Tuy nhiên, các biện pháp trên cũng mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề bảo vệ World Cup trên sóng truyền hình, còn nương nhẹ hoặc bỏ qua việc đề cập, lên án những hành vi xâm phạm bản quyền, thương hiệu của giải đấu này đang diễn ra ngày càng phức tạp trên các website, mạng xã hội...

Thực tế, việc xâm phạm bản quyền truyền hình mùa World Cup chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về hoạt động vi phạm, ăn cắp bản quyền, thương hiệu giải đấu. Các hoạt động mà chúng ta hiểu đơn giản là "ăn theo mùa World Cup" như từ bán quần áo nhái trang phục thi đấu của các đội tuyển quốc gia, kinh doanh linh vật Zabivaka, đến những đồ dùng có gắn lô-gô giải đấu, mô hình chiếc cúp vô địch,... cũng đã và đang trực tiếp gây thiệt hại cho FIFA và các nhà tài trợ của giải đấu này. Và xa hơn, tình trạng đó có thể tác động tiêu cực tới các đội tuyển bóng đá nói riêng và nền bóng đá nói chung. Nhiều người bán sản phẩm xâm phạm bản quyền thường lý giải rằng do World Cup là sự kiện chỉ diễn ra bốn năm một lần do đó hành vi "kinh doanh chớp nhoáng" của họ không gây ảnh hưởng nhiều đến các đơn vị chủ quản. Tuy nhiên, thực tế hành vi này luôn tiếp nối có hệ thống, diễn ra liên tục, thường xuyên. Vì lẽ, đâu chỉ có World Cup mà nhiều giải đấu quốc nội và quốc tế danh giá như Euro (Cup châu Âu), Giải bóng đá vô địch các câu lạc bộ châu Âu (UEFA Champions League), Giải bóng đá ngoại hạng Anh (English Premier League), Giải bóng đá vô địch quốc gia Tây Ban Nha (La Liga),... cũng thường xuyên trở thành mục tiêu của nạn ăn cắp, xâm phạm bản quyền, thương hiệu tại Việt Nam. Hẳn người hâm mộ Việt Nam vẫn còn nhớ sự kiện VTV Cab bị cắt bản quyền phát sóng hai giải đấu bóng đá hàng đầu châu Âu là UEFA Champions League và UEFA Europa League trong hai mùa giải liên tiếp 2015 - 2016 và 2016 - 2017 cho thấy mức độ nghiêm trọng từ việc không thể kiểm soát nạn vi phạm bản quyền trên mạng xã hội, website và một số kênh truyền hình. Gần đây, đơn vị nắm giữ bản quyền hai giải đấu hàng đầu châu Âu là Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh Việt Nam K+ mùa giải 2017- 2018 cũng chỉ có thể thở phào... nhẹ nhõm khi không bị cắt sóng giữa chừng chỉ vì những sai phạm tương tự của một số cá nhân, tổ chức.

Nạn xâm phạm bản quyền, thương hiệu, ăn cắp hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới nhiều năm qua luôn được liên tục cảnh báo. Theo ước tính của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, mỗi năm nước này thiệt hại khoảng bốn tỷ Yên vì bị ăn cắp bản quyền truyện tranh, phim hoạt hình, trò chơi điện tử trên các website của Trung Quốc. Tại Việt Nam, tính riêng trong năm 2017, Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp Hải quan địa phương bắt giữ và xử lý 32 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với trị giá hàng hóa lên đến 26 tỷ đồng. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo cáo của Liên minh phần mềm BSA cho biết: tỷ lệ phần mềm không bản quyền cài đặt trong máy tính cá nhân đạt 74%. Tuy tỷ lệ này đã giảm đáng kể so những năm trước, nhưng xâm phạm bản quyền tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy giảm doanh thu của nhiều công ty truyền thông đa phương tiện ở Việt Nam như MyTV, VTC hay K+. Thậm chí, giám đốc một đài truyền hình địa phương còn khẳng định tình trạng ăn cắp bản quyền ở Việt Nam đã tới mức... "báo động".

Sự phát triển của các ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin được xem là tác nhân chính khiến cho nạn ăn cắp, xâm phạm bản quyền, thương hiệu và sở hữu trí tuệ diễn ra tràn lan với tốc độ chóng mặt, nhất là ứng dụng live streaming (truyền vi-đê-ô trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube. Nhưng nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn bắt đầu từ sự vô ý thức và lòng tham của một số cá nhân, tập thể. Dù lý giải vì mưu sinh hay gì chăng nữa, thì việc làm của họ cũng trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đi sự sáng tạo và công sức lao động của người khác. Bên cạnh đó, cũng phải lên án một bộ phận người tiêu dùng đã và đang sử dụng các dịch vụ, sản phẩm vi phạm bản quyền. Dù vô tình hay vì lợi ích hạn hẹp trước mắt, thì đây cũng là hành vi tiếp tay cho những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Ở chiều ngược lại, sự thờ ơ, dửng dưng và thiếu hiểu biết của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng tạo thời cơ cho kẻ gian tham và sản phẩm phi pháp nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tuy trong sáu tháng đầu năm nay, đã có gần 25.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp, nhưng con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn nếu so sánh với mặt bằng doanh nghiệp, sản phẩm thương mại trong cả nước. Ðơn cử như tỉnh Nghệ An, chỉ có 16,4% số doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Không chỉ thiếu kiên quyết, chậm chạp trong việc đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm cũng e ngại khi phải giải quyết tranh chấp, sai phạm của đối phương. Không ít doanh nghiệp chỉ muốn giải quyết vụ việc bằng biện pháp hành chính, dân sự, thay vì cần sử dụng biện pháp hình sự. Giai đoạn 2007 - 2017, khoảng 180.000 vụ hàng giả, xâm phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ được xử lý hành chính, trong khi rất ít vụ việc loại này được xử lý hình sự. Cá biệt có tập thể, cá nhân lại thiếu hợp tác, cho rằng bị phiền nhiễu khi được cơ quan, tổ chức bảo vệ bản quyền giúp đỡ, dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, rơi vào tình thế dở khóc, dở cười khi xử lý các vụ việc tranh chấp bản quyền, tác quyền âm nhạc. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Hình sự hiện nay vẫn còn "khá nhẹ tay" với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Từ câu chuyện "sóng sạch" trong kỳ World Cup đang diễn ra, cần khẳng định nếu quyết tâm, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền nói chung, vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình nói riêng. Tuy nhiên, để hoạt động này ngày càng hiệu quả, có thể nhân rộng và ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, bên cạnh việc nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp, nhà phát minh, nhà sáng chế, kiên quyết xử lý và xử phạt nghiêm khắc các đối tượng vi phạm thì bản thân mỗi công dân cũng phải là người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm.