Những đánh giá phiến diện, thiếu khách quan

Ngày 21/9/2021, trong báo cáo hằng năm mang tựa đề “Tự do trên mạng 2021: Nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ”, tổ chức Freedom House (FH - Nhà tự do) đã đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ðây không phải lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá mang tính phiến diện, vô căn cứ dựa trên thông tin sai sự thật như vậy, nên cũng không có gì lạ sau khi công bố, bản báo cáo đã lập tức bị phản đối mạnh mẽ. 

Người dân phường 2, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh: LINH ÐAN
Người dân phường 2, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh: LINH ÐAN

Trong báo cáo vừa được công bố, FH “chấm điểm” Việt Nam ở mức 19/100 điểm, thuộc nhóm các quốc gia theo đánh giá của FH là “không có nhân quyền, không có tự do internet, không có tự do tôn giáo, không được tự do bầu cử, bị hạn chế đi lại, phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số”. Về tổng thể, báo cáo của FH đánh giá nhân quyền, dân chủ của Việt Nam “kém về mọi mặt” so với năm 2020. Việc lặp lại các luận điệu áp đặt quen thuộc, không dựa trên tình hình thực tế, bỏ qua mọi thành tựu mà chính quyền và nhân dân Việt Nam đã đạt được, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao,... càng bộc lộ rõ hơn thái độ thiên kiến, thiếu thiện chí của FH. Chính vì thế, đề cập vấn đề này, tại buổi họp báo thường kỳ tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 23/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Ðây không phải là lần đầu tiên FH đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, định kiến dựa trên những thông tin sai sự thật về Việt Nam. Thực tế, những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá cao tại Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) qua các chu kỳ. Do đó, báo cáo của FH là vô giá trị và không cần thiết phải bình luận thêm.

Trên thực tế, những thành tựu mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước là những bằng chứng không thể phủ nhận cho các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người. Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người luôn được Ðảng, Nhà nước ta thể chế hóa cũng như thực thi nghiêm túc trong thực tiễn. Người dân luôn được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách, với mục tiêu quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân ngày càng được phát huy và bảo đảm tốt hơn, thực chất hơn. Việc thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam luôn được tuân thủ nghiêm túc theo những cam kết, nghĩa vụ trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như các cơ chế nhân quyền quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia điển hình trong tiến trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ, tiếp tục triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều năm qua với tư cách là thành viên của cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người của LHQ, Việt Nam đã chủ động thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết, duy trì chính sách nhất quán về bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: phát triển con người toàn diện; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam. Một biểu hiện cụ thể và sinh động về vấn đề này là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhất quán với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ðảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người gặp khó khăn, bất kể đó là công dân Việt Nam hay người nước ngoài cư trú ở Việt Nam...

Tại Hội thảo quốc tế về xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ do Bộ Ngoại giao phối hợp Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức ngày 14/7/2021 với sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong nước và quốc tế, thành tựu của Việt Nam về công tác nhân quyền tiếp tục được ghi nhận. Ðại diện LHQ, ông Kamal Malhotra - Ðiều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam, hoan nghênh Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và bảo vệ quyền con người mà minh chứng là quyết định thực hiện Báo cáo giữa kỳ tự nguyện. LHQ đánh giá cao Việt Nam đã chủ động đương đầu với các thách thức trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, sẵn sàng chấp thuận, có hành động triển khai các khuyến nghị trong những lĩnh vực còn khó khăn. Trước đó, Việt Nam đã bảo vệ thành công các báo cáo UPR chu kỳ I, II, đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ đánh giá cao trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị về bảo đảm an sinh xã hội, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, quyền của các nhóm yếu thế, tăng cường giáo dục quyền con người... Trong năm 2020, theo báo cáo của UNDP, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2019, HDI của Việt Nam tăng gần 46%, thuộc các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.

Bất chấp thực tế đó, chỉ dựa trên tin tức bịa đặt, một chiều, FH cố tình đưa ra đánh giá sai trái về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, dựng đứng chuyện Việt Nam “không có tự do internet”, người dân “gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội”. Nếu đó là sự thật, thì sẽ không có con số trên 68 triệu người Việt Nam (tương đương 70% dân số) đang dùng internet. Việt Nam càng không thể được xếp vào nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet cao nhất thế giới với 94% số người thường xuyên vào mạng, thời gian trung bình trên 6 giờ/ngày. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, quy định trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ mạng, trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới,... của các cơ quan chức năng là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang tiến hành công việc này để tạo một môi trường internet an toàn, lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng. Nếu thật sự quan tâm đến con người, FH cần xác định rõ một nguyên tắc cơ bản là mọi sự tự do, dù trên không gian mạng, đều phải đặt trong khuôn khổ pháp luật. Ðó cũng chính là cơ sở mà Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Và ở các quốc gia, mọi hành vi lừa đảo, đưa tin giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kỳ thị sắc tộc, kích động bạo lực, khủng bố,... trên internet đều bị xử lý nghiêm khắc.

Tương tự, khi vu cáo Việt Nam “không có tự do bầu cử”, FH đã làm ngơ trước thực tế tại Việt Nam, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức ngày 23/5/2021 đã có 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu. Trong số 868 ứng cử viên đại biểu Quốc hội có 74 người ngoài Ðảng, 9 người tự ứng cử. Cuộc bầu cử được tổ chức trên nguyên tắc dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm. Người dân cả nước được tự bầu chọn người đại diện xứng đáng cho mình để tham gia vào cơ quan quyền lực của Nhà nước và địa phương. Bên cạnh việc bầu đúng, bầu đủ theo số lượng, điểm đáng chú ý của kỳ bầu cử lần này là tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND các cấp là người dân tộc ít người và phụ nữ trúng cử đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Chưa kể, mặt bằng về trình độ chuyên môn của người trúng cử cũng cao hơn.

Liên quan lĩnh vực tôn giáo, bằng thủ đoạn đổi trắng thay đen, FH cố tình biến việc các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý một số hoạt động đội lốt tôn giáo để vi phạm pháp luật, hoặc các hoạt động tôn giáo vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh,... thành chuyện “quyền tự do tôn giáo Việt Nam bị hạn chế và căng thẳng”. Ðó là sự bịa đặt và xuyên tạc trắng trợn. Ở Việt Nam, việc bảo đảm, thực hiện quyền tự do tôn giáo được khẳng định qua Ðiều 24 của Hiến pháp: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Ðó cũng là nguyên tắc của một xã hội văn minh: mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng phải tuân thủ pháp luật. Các hoạt động tôn giáo thuần túy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật luôn được tạo điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển. Và để bảo đảm mục tiêu này, việc xử lý theo pháp luật một số tổ chức đội lốt tôn giáo, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, tuyên truyền trái pháp luật, chính sách của Nhà nước, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh, thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia,... là cần thiết.

Chính vì vậy, không có gì lạ khi những đánh giá của FH về tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã nhanh chóng bị bác bỏ cả trên bình diện quốc tế. Trước những đánh giá vô căn cứ được FH thể hiện trong các báo cáo, GS, TSKH Vladimir Kolotov - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh (Saint-Peterburg - LB Nga) cho rằng: “Năm nào họ cũng công bố bảng danh sách mang tính chủ quan, không có gì thay đổi, không phản ánh tình hình thực tiễn về các khía cạnh nhân quyền của các nước trên thế giới. Họ không dựa trên cơ sở thực tế. Họ tự cho mình cái quyền cáo buộc nước khác vi phạm nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng,... và dựa vào đó để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác”. Từ các trải nghiệm của bản thân tại Việt Nam, ông Yerlan Baizhanov - Ðại sứ Kazakhstan tại Việt Nam, bình luận: “Có những tổ chức nhân quyền có tư tưởng rất cứng nhắc, phiến diện. Họ bị chi phối bởi tham vọng chính trị. Họ không chú ý đến sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa. Khi lập báo cáo, họ thường bị yếu tố chính trị và định kiến chi phối. Chúng ta sống và làm việc không phải để làm hài lòng những tổ chức như FH, mà Nhà nước của chúng ta hoạt động để người dân có cuộc sống tốt lên trên thực tế. Ðó mới là điều quan trọng nhất”. Thực tế, nhiều năm qua, trong tiến trình nỗ lực xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn lắng nghe các ý kiến góp ý chân thành, thiện chí để điều chỉnh sao cho nhân quyền ở Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, đối với những ý kiến sai trái, vô căn cứ, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam như FH đã công bố thì chỉ càng làm lộ hơn bản chất của tổ chức này, cũng như không thể nào ngăn cản được Việt Nam trên con đường tiến lên phía trước.