Nhận diện và ứng xử với di sản công nghiệp

Bài 2: Tái tạo thành những giá trị văn hóa - kinh tế mới

Trong quá trình đô thị hóa, để đáp ứng yêu cầu quy hoạch và bảo vệ môi trường, nhiều di sản công nghiệp tại các thành phố lớn không thể tiếp tục duy trì đã bị dỡ bỏ để mở rộng đường sá, xây dựng các khu nhà cao tầng, công trình sinh hoạt... khiến các đô thị trở nên ngột ngạt, chật chội. Nhằm giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia đã có một số giải pháp để vừa lưu giữ được “ký ức đô thị”, vừa tạo nên giá trị văn hóa, kinh tế cho xã hội, đất nước. Đó là “tái tạo” di sản công nghiệp, hoặc một phần di sản công nghiệp thành không gian văn hóa, với các hoạt động có ý nghĩa giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và thu hút khách du lịch.

Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương - De Lanessan sáng lập. (Ảnh: Vietnam+)
Nhà máy Dệt Nam Định tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa do Toàn quyền Đông Dương - De Lanessan sáng lập. (Ảnh: Vietnam+)

Những nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu vực nội đô vốn sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường,... nên buộc phải đào thải khỏi quá trình sản xuất là một tất yếu lịch sử. Tuy nhiên, do những giá trị, ý nghĩa của di sản công nghiệp đó đối với sự phát triển của nhân loại, của mỗi quốc gia hay cộng đồng dân cư địa phương mà thay vì phá dỡ, vẫn có thể giữ nguyên trạng, hoặc một phần để bảo tồn hay cải tạo thành công trình mang giá trị văn hóa - kinh tế mới. Ðó có thể là công viên, vườn hoa, bảo tàng, khu triển lãm, biểu diễn nghệ thuật,... hoặc tổ hợp văn hóa, sáng tạo (thuật ngữ phổ biến cho loại hình này là "không gian sáng tạo") gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác nhau như: thiết kế, biểu diễn, hội họa, âm nhạc... Việc tái tạo đó biến nhiều nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, bến tàu, bến cảng cũ,... trở thành các trung tâm văn hóa mới, thu hút đông đảo nghệ sĩ, nhà thiết kế, trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Vì thế đến nay, rất nhiều di sản công nghiệp được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ði đầu cho xu hướng tái tạo các di sản công nghiệp trở thành các trung tâm văn hóa là châu Âu. Anh, Ðức, Pháp, Hà Lan,... đều là những quốc gia có nhiều di sản công nghiệp được tái tạo và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Một điển hình của xu hướng này là tổ hợp công nghiệp mỏ than Zollverein (Ðức). Mỏ than đầu tiên, tiền thân của Zollverein được thành lập vào năm 1847. Các hoạt động khai thác, luyện than cốc diễn ra tại đây trong khoảng thời gian kéo dài tới hơn 130 năm. Tháng 12-1986, mỏ than chính thức đóng cửa. Tuy mỏ dừng khai thác than, nhưng người Ðức không "đoạn tuyệt" với quá khứ. Những tháp tải, lò giếng, những băng tải than, những kênh nhân tạo,... gắn bó với nhiều thế hệ người Ðức, và còn là biểu trưng cho các giai đoạn khác nhau của lịch sử đã được chính quyền và người dân địa phương giữ lại toàn bộ, và đã biến những hình ảnh gắn với mỏ than có tuổi đời hơn một thế kỷ thành biểu tượng văn hóa, hình thành một công viên văn hóa đa năng. Năm 2001, mỏ than Zollverein đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, hằng năm nơi đây đón hàng triệu khách du lịch đến viếng thăm. Hiện nay, những di sản công nghiệp được công nhận là Di sản văn hóa thế giới nằm rải rác khắp thế giới, ngay cả ở các châu lục mà nền sản xuất công nghiệp có mặt muộn hơn, thí dụ: Mỏ than Ombilin tại Sawahlunto (In-đô-nê-xi-a), Mỏ bạc Potosi (Bô-li-vi-a), cảnh quan và cơ sở công nghiệp Agave Tequila (Mê-xi-cô)... Thậm chí cơ sở khai thác mỏ, sản xuất phân bón tại Humberstone và Santa Laura ở Chi-lê cũng vinh dự đứng trong danh sách này từ năm 2005.

Bên cạnh một số di sản công nghiệp độc đáo đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, còn rất nhiều di sản công nghiệp khác đã chuyển mình thành những không gian văn hóa. Ở châu Á, Nhật Bản cũng có không ít di sản công nghiệp được tái tạo thành không gian văn hóa, mà điển hình là bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum được vận hành từ năm 1898 đến năm 1985. Từ khi chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử công nghiệp, bến tàu cảng thu hút rất đông khách tham quan. Ở Trung Quốc, Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh đã được tổ chức tại một nhà máy cũ, đó là 798 Art Zone, ngoại ô Bắc Kinh. Ðây vốn là một khu liên hợp nhà máy với tổng diện tích 60 ha xây dựng vào những năm 1950, nay chuyển thành một tổ hợp văn hóa nghệ thuật hấp dẫn trên nền tảng không gian và những công trình công nghiệp cũ. Mỗi năm, 798 Art Zone thu hút hàng triệu khách du lịch.

tại Việt Nam, xu hướng dỡ bỏ các nhà máy, xí nghiệp,... cũ để xây nhà cao tầng vẫn là xu hướng phổ biến. Ðiều này đang đòi hỏi chúng ta cần một nhận thức mới, một lối ứng xử mới với di sản công nghiệp, tránh tình trạng "xóa đi" một phần ký ức lịch sử. Trước hết, ngành văn hóa, các địa phương và cơ quan liên quan cần sớm rà soát nhận diện những di sản công nghiệp, đề xuất công nhận là di tích lịch sử - văn hóa hoặc kiến trúc có giá trị tiêu biểu. Tiếp đó, hoàn thiện, bổ sung quy định về di sản công nghiệp vào các văn bản pháp quy về bảo tồn di sản văn hóa, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ các di sản công nghiệp. Ðối với hoạt động tái tạo di sản công nghiệp, từ kinh nghiệm quốc tế, việc cải tạo di sản công nghiệp thành bảo tàng, sân khấu biểu diễn, không gian sáng tạo là rất có triển vọng. Hiện nay, tại Việt Nam bước đầu cũng đã có một số mô hình biến nhà máy, xí nghiệp cũ thành các tổ hợp văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn. Một tổ hợp mới đi vào hoạt động ở Hà Nội nhưng đã trở nên khá nổi tiếng là Complex 01 tại phố Tây Sơn (quận Ðống Ða). Dù mới ra đời, nhưng Complex 01 đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, được giới trẻ hết sức ưa chuộng. Ðến Complex 01, công chúng đều rất ấn tượng trước không gian thiết kế độc đáo với các bức tường gạch đỏ xù xì, thô ráp; bậc thang kim loại gỉ sét, gợi cảm giác hoài cổ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một khẩu hiệu cũ kỹ: "Máy in màu số 2 phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 35.000 tờ in/ca". Ðó chính là dấu ấn công trình tiền thân của Complex 01: Nhà in Công đoàn (ra đời vào những năm 60 của thế kỷ trước). Các nhà thiết kế đã kết hợp giữa những thiết kế mới và các công trình cũ để biến thành một tổ hợp gồm nhiều hoạt động như: Cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện, décor (trang trí), đồ gia đình, thủ công mỹ nghệ... Complex 01 còn tổ chức hàng loạt sự kiện như: Triển lãm mô hình đồ chơi, tổ chức hòa nhạc, hội thảo về nghệ thuật, các chương trình khám phá nghệ thuật... Như vậy, cùng lúc Complex 01 đã giải quyết được hai vấn đề: kiến tạo những giá trị kinh tế và văn hóa mới (hay rộng hơn là một lĩnh vực của công nghiệp văn hóa) mà không tạo thêm áp lực cho hạ tầng đô thị; đồng thời, lưu giữ được một di sản công nghiệp của Hà Nội. Trước đó tại Hà Nội cũng có một tổ hợp vui chơi giải trí nổi tiếng là Zone 9, được cải tạo từ các tòa nhà của một nhà máy dược phẩm trên phố Trần Thánh Tông, tuy nhiên vì lý do an toàn và một số bất cập trong công tác quản lý, nên Zone 9 hiện đã ngừng hoạt động.

Các mô hình như bảo tàng, sân khấu biểu diễn, tổ hợp văn hóa tương tự như Complex 01, Zone 9,... là gợi ý khá ý nghĩa về việc tái tạo những di sản công nghiệp, tạo cơ hội cho cộng đồng tiếp cận văn hóa, góp phần đem lại giá trị kinh tế, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển. Hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và những tỉnh, thành phố có nền công nghiệp phát triển sớm vẫn còn một lượng lớn di sản công nghiệp. Chẳng hạn, Hà Nội có khoảng 90 nhà máy, xí nghiệp cũ đang cần phải di dời, trong đó có những di sản công nghiệp nổi tiếng như: Nhà máy Bia Hà Nội (quận Ba Ðình), Nhà máy xe lửa Gia Lâm (quận Long Biên)... Ðây được xem là "cơ hội vàng" để Hà Nội vừa có thể cải thiện chất lượng môi trường đô thị, vừa kiến tạo các không gian văn hóa mới cho người dân, trong khi vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc của một đô thị có bề dày lịch sử - văn hóa; đồng thời, mang lại nhiều giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, phát triển các hoạt động kinh tế sáng tạo. Chưa kể, bản thân kiến trúc, dây chuyền sản xuất của nhiều di sản công nghiệp đã là những công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển, chỉ cần có sự cải tạo phù hợp, sẽ biến thành không gian văn hóa nghệ thuật phục vụ các nhu cầu của xã hội đương đại. Vướng mắc lớn nhất trong việc tái tạo di sản công nghiệp thành không gian văn hóa là phải "tranh chấp" với mục đích kinh tế. Việc xây dựng nhà cao tầng có thể đem lại lợi ích trước mắt về kinh tế, song để lại hậu quả lâu dài về hạ tầng. Trong khi đó, tái tạo thành trung tâm văn hóa - sáng tạo lại đem lại nhiều giá trị tổng thể và lâu dài về kinh tế - văn hóa - xã hội. Ðiều này khiến việc tái tạo các di sản công nghiệp trở nên cần thiết và phù hợp xu thế thời đại, khi chất lượng cuộc sống ngày càng được chú ý hơn.

Có một thực tế, những mô hình về tái tạo di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội hay một số tỉnh, thành phố hiện vẫn còn manh mún, mà nguyên nhân dường như là do thiếu quy hoạch tổng thể, mang tầm nhìn xa, thiếu hành lang pháp lý,... Bản thân các nhà đầu tư vẫn bị xếp cùng các doanh nghiệp thông thường nên phải chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, phải đóng các loại thuế, phí như doanh nghiệp khác... Việc tái tạo di sản công nghiệp thành nơi đáp ứng nhu cầu và tái tạo giá trị văn hóa - kinh tế vẫn thiếu sự điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước nên chủ yếu ra đời tự phát và luôn đứng trước nguy cơ sớm nở, tối tàn. Ðiều này đòi hỏi không những cần có nhận thức mới, tư duy mới về di sản công nghiệp, mà cần thay đổi tư duy, xây dựng hành lang pháp lý mới để kích thích việc tái tạo di sản công nghiệp. Từ đó kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch về xây dựng; cũng như có giải pháp, chính sách ưu đãi về vốn, về thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia tái tạo di sản công nghiệp. Ðối với doanh nghiệp là chủ sở hữu nhà máy, xí nghiệp cũ cũng cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích họ tái tạo (một phần hay toàn bộ) di sản công nghiệp thành không gian văn hóa, thay vì chỉ tập trung vào xây cao ốc như hiện nay. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản công nghiệp bằng cách tái tạo giá trị là một hướng đi mới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nhưng lợi ích đem lại có giá trị lâu dài, vì vậy rất cần được quan tâm đúng mức.

Bài 1: Định vị giá trị