Nguy cơ “chảy máu ngoại tệ”

Những năm gần đây, cùng với dòng đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ trong nước ra nước ngoài có xu hướng tăng, Việt Nam cũng trở thành thị trường thu hút nhiều công ty quốc tế hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, di trú, đầu tư mở rộng hoạt động quảng bá, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đầu tư ở Mỹ và các nước châu Âu. Điều này dẫn đến nguy cơ “chảy máu ngoại tệ”, ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính quốc gia.

Báo cáo thường niên “Hồ sơ các hoạt động quốc tế trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ năm 2017” do Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố ngày 18-7 vừa qua cho biết, dòng tiền từ Việt Nam chuyển vào Mỹ để đầu tư bất động sản chiếm 2% (tương đương 3,06 tỷ USD), đưa Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6 trong tổng giá trị các dòng tiền trên thế giới đổ vào mua nhà ở Mỹ (tăng 2 bậc so với báo cáo năm 2016 và ngang hàng các nước như Đức, Nhật Bản). Đây là thí dụ tiêu biểu cho thấy một lượng lớn ngoại tệ của Việt Nam đang chảy ra nước ngoài.

Theo nhiều nguồn thống kê, chỉ riêng dòng ngoại tệ chảy khỏi Việt Nam qua các kênh mua nhà, du lịch, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm cũng hàng tỷ USD, gần tương đương khoản kiều hối mà Việt Nam nhận được (9 tỷ USD), bằng hai phần ba lượng vốn FDI thực hiện trong năm 2016 (15,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay). Chỉ tính riêng năm 2015, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lượng ngoại tệ từ Việt Nam chảy ra nước ngoài dưới dạng tiền và tiền gửi là 14,2 tỷ USD; trong đó, riêng các ngân hàng trong nước đã chuyển 4,6 tỷ USD ra gửi ở nước ngoài.

Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp và người dân đã chuyển hơn 3,5 tỷ USD ra nước ngoài. Tổng cộng, từ quý I-2013 (thời điểm NHNN công bố số liệu thống kê này) cho đến quý II-2016, đã có 30,67 tỷ USD được chuyển ra nước ngoài dưới dạng tiền và tiền gửi (riêng quý I-2017 đã có 1,692 tỷ USD tiền dạng này được chuyển ra nước ngoài).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn suốt 17 năm (từ 1999 đến 2015), Việt Nam đã có 873 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đăng ký mới, với khoảng 14,653 tỷ USD và 165 lượt dự án đăng ký bổ sung vốn tăng thêm 5,093 tỷ USD; tổng cộng cả vốn đăng ký mới và tăng thêm là 19,746 tỷ USD. Đặc biệt, giai đoạn 2006-2015 được ghi nhận là giai đoạn bùng nổ của đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, với tốc độ tăng trung bình chín năm đạt mức 52%/năm và chiếm tới 96,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam cho đến hết năm 2015.

Lũy kế đến năm 2016, Việt Nam đã đầu tư trực tiếp vào 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 891 dự án, tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD; vốn thực hiện đạt gần 30%. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung vào các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp, thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bán buôn và bán lẻ; công nghệ chế biến, chế tạo, sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy và xe có động cơ khác…

Đáng chú ý, bên dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel, Vinamilk, các công ty của Tập đoàn FPT, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, các ngân hàng có vốn nhà nước,… thì tỷ trọng đầu tư của khối tư nhân, nhất là đầu tư của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ra nước ngoài ngày càng tăng, hình thức phổ biến nhất là thông qua hợp tác kinh tế song phương, nhằm thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực, tiêu biểu là với các nước: Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Liên bang Nga, Vê-nê-xu-ê-la, Pê-ru,...

Cùng với quá trình hội nhập, cơ sở pháp lý cũng như vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài từng bước được hoàn chỉnh, đồng bộ. Ngày 25-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài (quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh; thủ tục đầu tư ra nước ngoài và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài) để thay thế Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006.

Nghị định 83/2015/NĐ-CP được ghi nhận là có nhiều điểm mới, phù hợp thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển, như: đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; tăng cường quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là những dự án có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước hoặc các dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều ngoại tệ; nêu rõ các nguyên tắc của việc chuyển vốn cũng như thực hiện nghiêm chế độ báo cáo... Nghị định tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Hiện nay, cùng với hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam cũng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Như Thông tư 105/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 15-8-2016, theo đó, việc đầu tư ra nước ngoài ở Việt Nam hiện mới áp dụng cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, chỉ công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tự doanh chứng khoán (là việc công ty chứng khoán tự tiến hành các giao dịch mua, bán chứng khoán cho chính mình) mới được đầu tư hoặc ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Tổ chức tự doanh có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm tự doanh đầu tư gián tiếp và nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (chỉ áp dụng với công ty quản lý quỹ). Các tổ chức này chỉ được đầu tư ra nước ngoài trong một giới hạn cho phép (được gọi là “tỷ lệ đầu tư an toàn”) quy định tại Thông tư 105/2016/TT-BTC Hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, và kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, với trường hợp của các công ty chứng khoán, căn cứ vào Điều 13 Thông tư 105 thì tổ chức này được đầu tư, ủy thác đầu tư vào các loại công cụ đầu tư do NHNN Việt Nam quy định và không được vượt quá hạn mức tự doanh đăng ký đã được NHNN xác nhận. Trường hợp phát sinh khoản đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổng mức đầu tư, ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài không quá 30% vốn chủ sở hữu tính theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc soát xét gần nhất. Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài từ nguồn vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế có thể thấy hình thức đầu tư trực tiếp, gián tiếp và một lượng lớn ngoại tệ chảy ra nước ngoài để phục vụ nhu cầu học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi của người dân sẽ ngày càng đa dạng về hình thức và lĩnh vực, gia tăng về quy mô. Nhiều nước trên thế giới cũng cho phép dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài theo những kênh như vậy, thậm chí với quy mô lớn hơn nhiều. Điều này là bình thường trong nền kinh tế thị trường, và sẽ không có gì đáng lo ngại nếu diễn ra trong khuôn khổ pháp luật và được kiểm soát minh bạch. Đây là những hoạt động có nhiều tác động đa chiều, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; thêm cơ hội tiếp cận thị trường và các thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư, cũng như khai thác những cơ hội kinh doanh mới, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực phát triển đất nước; góp phần khẳng định các cam kết và nâng cao vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh hội nhập, tôn trọng quyền tự do kinh doanh và dịch chuyển vốn, lao động, hàng hóa và dịch vụ trên phạm vi toàn cầu, không nước nào có thể chỉ một chiều kêu gọi và thu hút ngoại tệ vào trong nước, đồng thời cấm không cho chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đáp ứng các nhu cầu sống, học tập và chữa bệnh chính đáng của người dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc chủ động cải thiện môi trường đầu tư để tăng sức hấp dẫn và giữ chân những dòng vốn cần thiết cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường bảo hộ pháp lý và giảm chi phí, rủi ro chính sách cho các dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài một cách trật tự, minh bạch, trong khuôn khổ luật pháp và có cơ chế điều tiết phù hợp. Cần tăng cường kiểm soát và ngăn chặn những dòng tiền “bẩn”, có nguồn gốc từ tham nhũng, buôn lậu và từ các hoạt động bất minh khác đã, đang và sẽ tiếp tục tìm đường chuyển lậu hoặc khai thác những kẽ hở từ kênh chuyển tiền chính thức để chuyển ra nước ngoài, ẩn náu an toàn dưới các vỏ bọc khác nhau.