Một quyết định đúng luật và cần thiết!

Tại cuộc họp báo ngày 15-6 vừa qua, trước câu hỏi về việc tước bỏ quốc tịch Việt Nam của Phạm Minh Hoàng - người mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam".

Ngày 17-5-2017, căn cứ vào Ðiều 88, Ðiều 91 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, xét đề nghị tại Tờ trình 191/TT-CP ngày 12-5-2017 của Chính phủ, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 832/QÐ-CTN về việc tước quốc tịch Việt Nam của Phạm Minh Hoàng, sinh ngày 8-8-1955, hiện cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi được công bố, không chỉ Phạm Minh Hoàng coi đó là quyết định "vi phạm pháp luật", mà một số tổ chức như HRW (Theo dõi nhân quyền), RSF (Phóng viên không biên giới) đã lập tức lên tiếng vu cáo Nhà nước Việt Nam, đồng thời trang tiếng Việt của BBC, VOA, RFA, RFI,… vội vã tạo diễn đàn để một số tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam xuyên tạc sự thật, bênh vực Phạm Minh Hoàng với các lập luận kỳ quặc như Phạm Minh Hoàng là "cựu tù nhân lương tâm", "nhà hoạt động vì nhân quyền","người yêu nước"…!

Năm 2000, sau khi được nhận quốc tịch Việt Nam, Phạm Minh Hoàng từ Pháp về nước, được nhận làm giảng viên hợp đồng ở Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Vì Phạm Minh Hoàng đã nhiều lần có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam cho nên đã bị bắt tạm giam để điều tra, và ngày 29-11-2011 Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử ông ta về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Ðiều 79 của Bộ luật Hình sự. Do Phạm Minh Hoàng đã thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn, mong muốn được cống hiến sau khi mãn hạn tù, cũng vì mối quan hệ Việt Nam và Pháp, cho nên Hội đồng xét xử quyết định giảm án từ 3 năm tù giam, 3 năm quản chế còn 17 tháng tù với Phạm Minh Hoàng.

Năm 2012, Phạm Minh Hoàng ra tù và ông ta cũng quên luôn lời hứa trước tòa, tiếp tục có hành vi sai trái. Ngày 20-3-2016, tại TP Hồ Chí Minh lực lượng công an đã tạm giữ Phạm Minh Hoàng vì bị tố cáo mở lớp học trái pháp luật, lợi dụng giảng dạy kỹ năng mềm để tuyên truyền chống Nhà nước. Khi khám xét, trong máy tính của Phạm Minh Hoàng chứa nhiều tài liệu chứng tỏ đối tượng này đang có các hoạt động chống chế độ. Ðể bênh vực Phạm Minh Hoàng, có ý kiến cho rằng ông ta "bị cáo buộc là đảng viên Việt tân", và đó là ý kiến chạy tội cho kẻ xấu. Trên in-tơ-nét, trong các tin, bài liên quan việc xét xử Phạm Minh Hoàng năm 2011 còn lưu giữ nội dung liên quan như: "Theo lời khai của Hoàng, thì: "Dự định của tôi là sẽ thành lập những tổ chức "Việt tân" trá hình để lôi kéo giới trẻ rồi trong số những người ấy, tôi sẽ chọn những người ưu tú nhất để gửi ra nước ngoài, tham dự những khóa đào tạo do "Việt tân" tổ chức. Sau đó quay trở về, làm hạt nhân kích động người dân biểu tình, bạo loạn để "Việt tân" nương theo, cướp chính quyền"". Còn theo bản tin trên RFA ngày 20-3-2016, sau khi Phạm Minh Hoàng bị bắt, "đảng Việt tân cũng chính thức xác nhận ông là thành viên của đảng này"; và tới ngày 17-6-2017 vừa qua, trong một văn bản công bố trên trang mạng của tổ chức khủng bố "Việt tân", Ðỗ Hoàng Ðiềm - kẻ cầm đầu tổ chức này, cũng đã chính thức khẳng định Phạm Minh Hoàng là "đảng viên Việt Tân"!

Trên thế giới, quy định có quốc tịch và mất quốc tịch là công việc nội bộ của mỗi quốc gia độc lập có chủ quyền, các quy định này ra đời trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước. Thí dụ, theo quy định tại Ðiều 48, Luật Quốc tịch hiện hành của Thụy Sĩ (ban hành năm 1952, sửa đổi lần cuối năm 2013) một công dân Thụy Sĩ có hai quốc tịch, có thể bị tước quốc tịch Thụy Sĩ nếu người này có hành vi gây phương hại tới lợi ích hay uy tín của Thụy Sĩ. Trong luận án tiến sĩ bảo vệ ở Trường đại học Tổng hợp Basel (Ba-sen), nhà sử học N. Schwalbach (N. Sơ-van-bách) cho biết từ năm 1940 tới năm 1952 đã có 86 người bị tước quốc tịch Thụy Sĩ vì xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có hành vi gây phương hại đến uy tín của Thụy Sĩ. Phần lớn trong số này đã phản bội Tổ quốc, câu kết với Ðức quốc xã. Hơn 50 năm sau khi Luật Quốc tịch có hiệu lực, theo công bố chính thức thì năm 2016, lần đầu Quốc vụ khanh phụ trách di cư của Thụy Sĩ tiến hành thủ tục tước quốc tịch với người mà các phương tiện truyền thông Thụy Sĩ gọi là Christian I (Cơ-rít-xtan I) sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, sau đó thêm quốc tịch I-ta-li-a. Tháng 2-2015, ở tuổi 19, Christian I rời Thụy Sĩ sang Xy-ri và tham gia tổ chức khủng bố. Ở Vương quốc Anh, khả năng tước quốc tịch vì lý do an ninh đã có từ năm 2002, nhưng từ vụ đánh bom tàu điện ngầm ở Luân Ðôn tháng 7-2005, Chính phủ Anh đã nhiều lần thắt chặt quy định về quốc tịch. Năm 2006, vì an toàn của xã hội, Bộ trưởng Nội vụ Anh có thể tuyên bố một quốc tịch mất giá trị, và từ đó đến nay hàng chục người đã bị tước quốc tịch Anh vì lý do an ninh. Một trường hợp được nhắc đến nhiều là Mahdi (Mát-đi) có hai quốc tịch Xô-ma-li và Anh, được cho là đã tham gia lực lượng khủng bố ở Xô-ma-li. Năm 2013, Mahdi được dẫn độ từ Djibouti (Gi-bu-ti) đến Mỹ và bị kết án 9 năm tù. Trước khi ra tòa án Mỹ, anh ta đã bị tước quốc tịch Anh, và do đó Chính phủ Anh không còn phải can thiệp vì lợi ích của anh ta trong vụ án. Về việc quyết định tước quốc tịch, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a hiện dựa vào cách giải quyết của Vương quốc Anh. Những năm gần đây, hai quốc gia đều đã thông qua các đạo luật có khả năng tước quốc tịch.

Quy định mất quốc tịch của CHLB Ðức cũng là một minh chứng cho thấy quy định mất quốc tịch ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như thế nào. Một lý do để công dân Ðức mất quốc tịch là tham gia quân đội nước ngoài mà không được phép của nhà nước Ðức. Trước thực tế những năm qua, nhiều công dân Ðức lợi dụng việc mang thêm quốc tịch một quốc gia khác, đến các vùng chiến sự để tham gia các tổ chức khủng bố, khi trở về Ðức họ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội, nhiều chính trị gia, nhà nghiên cứu đã chỉ ra yêu cầu cấp bách phải có một luật mới với thủ tục tước quốc tịch đơn giản hơn, nhanh hơn. Năm 2011, một người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh ra ở Ðức, có tên là A. Selek (A.Se-lếch), trước khi nhập quốc tịch Ðức năm 2005, đã xin thôi quốc tịch gốc. Vì hỗ trợ khủng bố, năm 2010 anh ta bị tuyên án tù, năm 2011 bị tước quốc tịch Ðức. Ðơn kiện chống lại việc tước quốc tịch Ðức bị tòa án hành chính bác bỏ, và cuối cùng A. Selek rơi vào tình trạng không quốc tịch. Về trường hợp này, trang mạng của đài truyền hình N-TV đăng bài "Người hỗ trợ khủng bố thành người không quốc tịch - tước quốc tịch của Atilla Selek là đúng luật", trong đó phân tích khá rõ ràng về lý do đã đưa A. Selek tới tình trạng không quốc tịch. Sau nhiều vụ tiến công của các phần tử khủng bố, năm 2016, Chính phủ Pháp đã đưa ra một đề nghị thay đổi hiến pháp về việc này, nhưng đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận giữa Quốc hội và Chính phủ. Một phán quyết mới đây của Tòa án châu Âu về quyền con người đã gây chú ý lớn. Cụ thể, ngày 9-3-2017, đơn kiện của một người gốc Xu-đăng bị tước quốc tịch Anh vì bị nghi ngờ khủng bố đã bị bác bỏ. Theo tòa án, biện pháp đó không tùy tiện và tương xứng vì nguy cơ khủng bố. Ngoài ra, nguyên đơn có quyền xin cấp hộ chiếu Xu-đăng để không thành người không quốc tịch.

Liên quan tới việc tước và không tước quốc tịch, cách đây không lâu, một đại diện của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh có một phát biểu mà các phương tiện truyền thông trích dẫn nhiều lần, đó là nhận định: "Quốc tịch là một đặc quyền, chứ không phải một quyền". Ðáng tiếc là ông Phạm Minh Hoàng lại không nhận ra việc được nhập quốc tịch Việt Nam là thể hiện thái độ rất thiện chí, độ lượng của Nhà nước Việt Nam đối với ông ta, mà còn lợi dụng điều này để tiến hành các hoạt động làm phương hại cho Việt Nam. Phải chăng ông ta quên rằng Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền, không thể làm ngơ hoặc dung túng cho những hành động, lời nói đi ngược lợi ích, danh dự của dân tộc?

Người gốc Việt từ nước ngoài trở về tham gia xây dựng, phát triển đất nước với động cơ trong sáng, lành mạnh luôn được Nhà nước Việt Nam khuyến khích, hoan nghênh, tạo điều kiện được cống hiến; nhưng lợi dụng việc này để làm hại đất nước thì không thể chấp nhận. Quyết định tước quốc tịch Việt Nam với Phạm Minh Hoàng là hợp lý, hợp tình, được dư luận rộng rãi ủng hộ. Hợp lý vì quyết định của Chủ tịch nước được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên Ðiều 88 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam về nhiệm vụ, quyền hạn Chủ tịch nước, mà một điểm trong khoản 4 ghi rõ Chủ tịch nước có quyền "quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam", đồng thời dựa trên Ðiều 91 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam về việc "Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình". Ðặc biệt, quyết định dựa trên quy định cụ thể của luật pháp đã ban hành tại Ðiều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 về "Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam", trong đó ghi rõ: "1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Ðiều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Ðiều này". Và hợp tình vì dù ông ta từng chịu án tù với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", dù ông ta là thành viên tổ chức khủng bố "Việt tân" nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn rất khoan dung, độ lượng, cho phép ông ta được giữ quốc tịch Việt Nam. Song việc gì cũng có giới hạn và tước quốc tịch là rất cần thiết, nếu tiếp tục vi phạm pháp luật thì việc Phạm Minh Hoàng phải có mặt tại phiên tòa là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.