Làm trong sạch môi trường in-tơ-nét

Năm 2013, Báo Nhân Dân đã đăng bài viết về một blog được thiết kế với hình thức sao chép giao diện Báo Nhân Dân điện tử song thay đổi nội dung slogan, bài vở khai thác từ các trang mạng chống cộng ở nước ngoài, hoặc của một số người vẫn nấp dưới chiêu bài "tự do, dân chủ, tự do báo chí" để xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ sự kiện trên nhìn rộng ra có thể nói cho đến nay, tình trạng lập lờ, giả mạo, dối trá trên in-tơ-nét đã trở thành một vấn đề bức xúc, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để.

Vừa qua, bà N.T.T.H đã gửi tới Báo Nhân Dân đơn khiếu nại về việc bức ảnh chụp cùng một ca sĩ trong bài Hai bóng hồng bên cạnh Yasuy trên baonhandan.net có thể ảnh hưởng tới con gái bà, vì hiện cháu còn rất trẻ. Sau khi xác minh, đại diện Báo Nhân Dân đã thông tin tới bà: Báo Nhân Dân không phải đơn vị chủ quản, không có địa chỉ tòa soạn như baonhandan.net, dù măng-sét (manchette) "Nhân Dân online" trên trang nhất baonhandan.net có kiểu chữ, mầu chữ không khác kiểu chữ, mầu chữ của măng-sét Báo Nhân Dân điện tử. Biết rõ sự thật, bà N.T.T.H đã xin lỗi Báo Nhân Dân, đề nghị hủy đơn khiếu nại; đồng thời đề nghị Báo nên làm rõ tình trạng trang mạng sử dụng tên miền, măng-sét giống Báo Nhân Dân để tránh hiểu lầm đáng tiếc cho bạn đọc. Thiết nghĩ đây là một đề nghị có lý, có tình và vấn đề này cần có sự lên tiếng của dư luận cũng như biện pháp xử lý kiên quyết của cơ quan chức năng. Với baonhandan.net, trang này cho biết có: "Giấy phép số 1555/GP-BTTTT ngày 26-9-2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa soạn: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam, bản quyền thuộc Báo Bến Tre Online. Tổng Biên tập: Nguyễn Hà Cường". Vào trang baobentre.net thấy ghi: "Tổng Biên tập: Lê Văn Tông - Giấy phép số 94/GP-BC do Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 7-3-2008, Tòa soạn: Số 7, đường Cách mạng Tháng 8, phường 3, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, Việt Nam". Như vậy, hai trang điện tử trên có hai tòa soạn với hai Tổng Biên tập nhưng chung một bản quyền (!). Còn việc baonhandan.net lấy tên và có măng-sét y hệt Nhân Dân điện tử cũng đưa tới câu hỏi về sự mập mờ khó có thể chấp nhận!

Khi in-tơ-nét không chỉ được sử dụng phục vụ các mục đích lương thiện, lành mạnh mà còn trở thành công cụ để một số người thực hiện nhằm mục đích xấu thì hiện tượng xuất hiện blog, trang điện tử có giao diện na ná website Báo Nhân Dân điện tử không còn là đơn lẻ. Như năm 2011, trên in-tơ-nét có trang baocanthơ.net với đầy đủ dòng chữ "Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Cần Thơ. Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ" và giao diện, trang mục, tên tổng biên tập, số giấy phép, thời gian cấp, địa chỉ tòa soạn, số điện thoại, số fax, hộp thư điện tử,... sao chép nguyên vẹn báo điện tử Cần Thơ chính thức. Sự nhập nhèm này đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ xử phạt hành chính hai đơn vị ở TP Cần Thơ liên quan là Công ty cổ phần truyền thông Thế Kỷ, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ quảng cáo Miền Tây 24H. Lý do xử phạt ghi rõ: "giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác", và "sử dụng tên miền cấp cao khác tên miền ".vn" mà không thông báo hoặc thông báo thông tin không chính xác hoặc thay đổi thông tin mà không thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định". Cùng thời gian, trên in-tơ-nét còn xuất hiện trang điện tử baotravinh.net là địa chỉ giả mạo Cổng thông tin điện tử Trà Vinh; báo chí trong nước cũng phát hiện một số website giả mạo giả mạo báo điện tử Kiên Giang, báo điện tử Sài Gòn tiếp thị,... Đặc biệt năm 2012, một trang điện tử có tên na ná, giao diện y hệt giao diện một trang điện tử được nhiều người truy cập đã làm xôn xao dư luận bằng việc tung tin tăng giá xăng dầu bằng thủ đoạn giả mạo một văn bản của Bộ Tài chính; nếu không phát hiện kịp thời, việc tung tin dối trá đó có thể đưa tới hậu quả tiêu cực trong tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng,...

Hiện tượng lập lờ tên trang điện tử và giao diện của các trang báo có nhiều người truy cập để đánh lừa người đọc, hoặc đưa tin thất thiệt trên in-tơ-nét có thể gây hậu quả tiêu cực, làm nhiễu thông tin, gây ngộ nhận đối với người tiếp nhận (thậm chí lừa đảo họ),... Mặt khác không kém nghiêm trọng là hiện tượng có kẻ xấu sử dụng in-tơ-nét để thực hiện thủ đoạn xuyên tạc, dối trá bằng cách lập các website giả mạo tên tuổi một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cùng một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, có uy tín xã hội. Về hình thức, các trang này được xây dựng tương tự trang thông tin điện tử cá nhân mà thực chất là hành vi vi phạm Nghị định 72. Từ một vài địa chỉ ban đầu, đến nay số địa chỉ giả mạo đã tăng lên rất nhanh, ngang nhiên tồn tại trên in-tơ-nét, đến mức có người đọc lầm tưởng đó là diễn đàn riêng của một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Theo nhận xét của một số tác giả trên in-tơ-nét, điểm nổi bật của những website, blog giả mạo này là không ghi rõ tên chủ sở hữu và giấy phép; còn tin bài thường bao gồm: tin tức về các lĩnh vực của xã hội Việt Nam, chủ yếu khai thác từ báo chí trong nước; loại tin bài có chủ ý tác động trong nội bộ lãnh đạo cao cấp, "nâng" người này, "hạ" người kia,... nhằm gây mất đoàn kết nội bộ. Có bài tinh vi, có bài thể hiện rất rõ ý đồ và thường được đưa ra dưới hình thức ý kiến của "bạn đọc", loại bài này được bổ trợ bằng các cách thể hiện, trình bày hình thức mỗi trang khác nhau, nếu người đọc không để ý sẽ không thể phát hiện,...

Phải khẳng định, sự ra đời và tồn tại trên in-tơ-nét các trang điện tử mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, uy tín xã hội là thủ đoạn rất nham hiểm. Không có ý nghĩa nào khác, các trang này chỉ nhằm phục vụ mưu đồ đen tối là giúp các thế lực thù địch, các phần tử chống đối Đảng và Nhà nước ta lũng đoạn, gieo rắc thông tin thất thiệt, đầu độc tinh thần người đọc. Trong bối cảnh in-tơ-nét ở Việt Nam ngày càng phát triển, số lượng người sử dụng, phương tiện truy cập (máy tính bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh,... ) ngày càng tăng, nếu thiếu khả năng nhận biết, sàng lọc thông tin, khi truy cập vào các trang điện tử này, người đọc rất dễ bị lây nhiễm thông tin sai trái vì ngộ nhận. Thậm chí, nếu thiếu tỉnh táo thì tin tức bịa đặt, xuyên tạc tại các trang đó có thể làm xáo trộn đời sống tinh thần của xã hội, kích động những việc làm bột phát, vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, trong quan hệ quốc tế, nếu thông tin từ các trang mạng giả mạo được sử dụng như thông tin chính thức, có thể gây ra hiểu lầm, thậm chí gây căng thẳng trong quan hệ của Việt Nam với một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào đó.

Theo thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan an ninh mạng, các trang điện tử giả mạo nói trên có địa chỉ mạng ở nước ngoài, máy chủ lưu trữ thông tin đặt ở nước ngoài, có chức năng giấu chủ sở hữu tên miền. Với cách làm đó, kẻ chủ mưu toan tính sẽ nằm ngoài sự quản lý của cơ quan quản lý in-tơ-nét và báo chí ở Việt Nam. Nói thế nào cũng không thể bao biện cho bản chất hiện tượng lập lờ, giả mạo, dối trá trên in-tơ-nét, vì đó là vi phạm pháp luật. Cho nên, để góp phần làm trong sạch môi trường in-tơ-nét, nếu với các địa chỉ có nguồn gốc trong nước, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, rà soát kỹ hơn để phát hiện và xử lý nghiêm khắc; thì với các địa chỉ có máy chủ ở nước ngoài, đã đến lúc cần nghiên cứu tìm biện pháp thích hợp để xử lý. Vài lời cuối bài xin được thưa cùng bạn đọc, nếu trong kinh tế có khái niệm "người tiêu dùng thông minh" thì thiết nghĩ, mỗi người đọc hãy là "người đọc thông minh", có khả năng nhận biết, phân biệt thật - giả, đúng - sai,... để có sự sáng suốt, tỉnh táo trong tiếp nhận, xử lý thông tin.