Không để báo chí trở thành nơi truyền tải tin đồn!

Sự thụ động trong tiếp nhận thông tin đời sống, trên các mạng xã hội, từ các blog cá nhân và diễn đàn điện tử, cùng với tư duy phân tích thiếu sắc bén và một số yếu tố khác nữa,... đã khiến khá nhiều thông tin trên báo chí hiện nay lại ra đời từ các tin đồn, thiếu tính chính xác - một trong các yêu cầu cơ bản và cần thiết nhất của thông tin báo chí.

Theo TS Lê Văn Hảo ở Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thì trong tâm lý học xã hội, tin đồn được xem là những "lý giải" chưa được kiểm chứng về một sự kiện, hiện tượng, tình huống, hay vấn đề mà công chúng quan tâm, và được truyền từ người này sang người khác. Hiểu nôm na, tin đồn là những thông tin được truyền miệng cho nhau một cách không chính thức, chưa nắm rõ nguồn gốc, chưa được bảo đảm về tính chính xác và lại được nhiều người quan tâm. Sinh hoạt xã hội với sự phức tạp của các mối quan hệ, nhu cầu nắm bắt thông tin của con người, và cả trạng thái tâm lý ít nhiều có tính hiếu kỳ, đã làm cho tin đồn trở thành loại hiện tượng bình thường, khó có thể loại bỏ nó khỏi đời sống xã hội. Vì đôi khi có tin đồn khá chính xác nên trong chừng mực nào đó thì tin đồn có tác dụng nhất định với con người; tuy nhiên là những thông tin truyền miệng, không rõ nguồn gốc nên tin đồn thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, và đôi khi bị một số người sử dụng phục vụ mục đích xấu.

Như đã trình bày, trên thực tế không phải tin đồn nào cũng mang tính tiêu cực, song các tin đồn tiêu cực thường dễ lan truyền và được quan tâm hơn các tin đồn tích cực. Ngày nay, trong các phương tiện giúp vào việc lan truyền thì báo chí truyền thông, đặc biệt là internet với diễn đàn, blog, facebook,... là các kênh giúp tin đồn phổ biến nhanh chóng, dễ tác động nhất. Một trong các minh chứng cho khả năng lan tỏa tức thời của thông tin báo chí và công nghệ là tin đồn về cái chết của Paul McCartney - thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Tin đồn này khởi phát từ một bài báo có tên Is Beatle Paul McCartney Dead? (Có phải Paul McCartney đã chết?) đăng trong một số báo của Trường đại học Drake (Mỹ) từ tháng 9-1969. Bài báo cho rằng, Paul McCartney đã chết từ năm 1966, và ban nhạc đã chọn được một người thay thế có ngoại hình giống hệt. Tin đồn chỉ được bác bỏ khi tạp chí Life thực hiện một bài phỏng vấn trực tiếp Paul McCartney vào tháng 11 sau đó. Tuy nhiên, tin đồn lan tỏa mạnh mẽ đến mức ngay lập tức trở thành một hiện tượng quốc tế, được hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới theo dõi. Không những thế, ảnh hưởng từ "sự kiện tin đồn" này, rất nhiều ca khúc, chương trình truyền hình "ăn theo" đã ra đời. Thậm chí, dấu ấn sau này của tin đồn về cái chết của Paul McCartney còn xuất hiện trong cả một số truyện tranh, kịch và phim tài liệu khoa học giả tưởng.

Sự kiện xảy ra cách đây hơn 40 năm - khi hệ thống truyền thông và truyền bá thông tin còn kém phát triển hơn ngày nay rất nhiều, cũng cho thấy báo chí truyền thông có vai trò quan trọng, mạnh mẽ trong việc chuyển tải rất nhiều loại thông tin đến với công chúng như thế nào. Về vai trò của truyền thông báo chí với tin đồn, cũng theo TS Lê Văn Hảo, truyền thông thường đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, xử lý tin đồn, bởi truyền thông có thể chỉnh sửa lại các thông tin sai lệch và công bố các thông tin có cơ sở xác thực, đáng tin cậy. Tuy nhiên, thời gian gần đây tại Việt Nam, nguyên tắc lành mạnh cả về nghiệp vụ và đạo đức này dường như lại bị xâm phạm nghiêm trọng. Bởi qua quan sát nhiều hiện tượng trên báo chí được quan tâm lại thấy có một bộ phận báo chí truyền thông làm ngược lại vai trò của mình vì không chỉ sử dụng tin đồn như thông tin báo chí chính thức, mà còn góp phần lan tỏa tin đồn khi chưa được kiểm chứng, xác minh. Việc xác minh tính chính xác của tin đồn thường chỉ được thực hiện sau khi thông tin được đăng tải rộng rãi, bị dư luận hoặc người trong cuộc phản ứng, các cơ quan chức năng yêu cầu đính chính. Tuy nhiên dù vậy, vẫn còn một số tờ báo không cải chính theo quy định trong Luật Báo chí, không xóa bỏ thông tin sai trên website, thông tin này vẫn tồn tại trên internet, thậm chí vài ba tháng sau, hàng năm sau, vẫn có nơi khai thác lại và đăng tiếp!

Ðơn cử như vụ Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Anh vừa đăng quang (tháng 6-2013) đã bị cho là "mua giải với giá 1,5 tỷ đồng và có quan hệ với cậu con trai chưa đầy 16 tuổi của bà Kim Hồng - Phó Ban Tổ chức cuộc thi"! Nhiều tờ báo mạng vào cuộc, thổi phồng thông tin, liên tiếp tung các thông tin kiểu "nghi án hoa hậu mua giải" mặc dù vẫn chưa biết rõ là thật - hư ra sao, khiến thông tin bị nhiễu loạn. Hậu quả là, Ban Tổ chức cuộc thi rối loạn, nhân vật chính là tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Anh phải vào viện cấp cứu do quá sốc với tin đồn. Cuối cùng, sự việc được làm sáng tỏ khi một thí sinh tham dự cuộc thi thừa nhận sự việc trên hoàn toàn chỉ là tin đồn sai sự thật, vấn đề xuất phát từ một câu nói tình cờ của thí sinh này. Sự kiện tuy chỉ gây bức xúc dư luận trong một thời gian ngắn nhưng cũng đủ khiến những người trong cuộc bức xúc, vất vả. Thậm chí, cả khi sự việc đã được xác minh, trắng - đen rõ ràng thì vẫn không một thông tin cải chính, hoặc lời xin lỗi, thể hiện trách nhiệm của những người làm báo được công bố trước dư luận?!

Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên báo chí và internet hiện nay cho thấy đã đến lúc các cơ quan báo chí, những cá nhân tham gia hoạt động trên internet phải có trách nhiệm "xử lý" tin đồn trước khi đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Bởi nhiều khi những thông tin chưa được kiểm chứng không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho "nạn nhân" của tin đồn. Hẳn bạn đọc còn nhớ tin đồn ăn nhiều bưởi gây ung thư vú từ năm 2007. Tin đồn thiếu chính xác được đăng tải trên một số tờ báo làm cho giá bưởi trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều gia đình nông dân trồng bưởi bị khốn đốn, thiệt hại lớn về kinh tế. Dù các tờ báo, những nhà báo có liên quan tuy đã bị xử phạt nhưng hậu quả mà người trồng bưởi phải gánh chịu rõ ràng lớn hơn rất nhiều. Rồi cách đây không lâu là tin đồn về "trứng gà giả"; thậm chí có nhiều tin đồn ác ý, liên quan đến tính mạng con người như: tin đồn MC nọ bị ung thư phải điều trị tại Singapore đã qua đời, tin đồn về một nhà báo nổi tiếng bị tai nạn và đã ra đi,... cũng được đăng trên một vài tờ báo. Nặng nề hơn, có tin đồn được báo chí "tiếp tay" khiến nạn nhân mang nhiều tai tiếng, đau đớn, như thông tin về chủ một tiệm thuốc tây có quan hệ với một học sinh ở Quảng Ngãi. Thông tin này về sau được cơ quan công an xác minh không có thật, song thử hỏi hậu quả để lại cho chủ hiệu thuốc và cả gia đình họ thì trách nhiệm thuộc về ai?

Trong hội thảo nghiệp vụ báo chí diễn ra vào tháng 6-2013, một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cho rằng, chính việc sử dụng tin đồn trên mạng như một nguồn tin chính thức của báo chí đã làm nhiễu thông tin. Cũng tại hội thảo này, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: Những tin đồn hiện nay lan tỏa trên các mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Vì thế, việc chọn lựa sử dụng nguồn tin như thế nào là rất quan trọng, đòi hỏi bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng - bản lĩnh này được tích lũy qua các trải nghiệm xã hội của chính các nhà báo.

Thực tế báo chí hiện nay cho thấy, không chỉ các tin đồn trong đời sống hằng ngày mà cả những tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội cũng đang là "nguồn tin béo bở" cho nhiều phóng viên "đói tin". Không quan tâm tác nghiệp trong thực tế cuộc sống, họ trở thành "phóng viên văn phòng", "phóng viên bàn phím", suốt ngày la cà trên các diễn đàn điện tử, trên facebook, trên các blog,... để chộp lấy các entry, status, comment nào chứa đựng thông tin có vẻ "mới", có vẻ "giật gân" để sau đó chế biến thành bài báo. Từ chuyện ngồi lê đôi mách đến ý kiến bình luận được họ khai thác triệt để, và họ tồn tại được vì sự sống còn của nhiều tờ báo (phần lớn là trang tin, báo điện tử) hiện đang phụ thuộc vào sự cạnh tranh gay gắt về thông tin, khiến một số tòa soạn "làm liều", "cố tình phạm luật" nhằm mục đích tăng lượng người đọc. Cho nên chúng ta được chứng kiến nhiều trang tin, báo điện tử công bố thông tin có nguồn gốc từ tin đồn, nhiều khi được phóng viên phóng bút "thêm nếm" với các chi tiết nhiều khi là không có thật để làm dày dặn bài báo, bất chấp đúng - sai, miễn là càng nhiều người đọc càng tốt. Do đó, trong nhiều trường hợp, tính chính xác của thông tin không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu mà lại là sự giật gân, câu khách rẻ tiền. Bên cạnh thông tin câu khách, phải nói rằng có thông tin nghiêm túc nhưng chưa được kiểm chứng tính xác thực cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Nguyên nhân của tình trạng trên đây có thể liệt kê rất nhiều, nhưng chí ít cũng có thể thấy đó là kết quả của sự thiếu kỹ năng, vô trách nhiệm trong quá trình tác nghiệp của phóng viên, tòa soạn và của người có trách nhiệm công bố thông tin; cộng thêm sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chủ quản, của các cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý, tổ chức, khiến tình trạng nhiễu loạn về thông tin ngày càng trở nên nghiêm trọng. "Cái sảy nảy cái ung" và vô hình trung, hoạt động của một số tờ báo (phần lớn là trang tin, báo điện tử) lại tác động tiêu cực tới khả năng tiếp nhận của người đọc, đánh mất niềm tin của công chúng, một số trường hợp còn gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung của xã hội. Ðể báo chí luôn là "người" định hướng đúng đắn, tin cậy thì thông tin chính xác là một trong các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ. Vì thế, tính chính xác của thông tin luôn luôn phải được bảo đảm là yêu cầu hàng đầu trong quá trình tác nghiệp của mỗi phóng viên, mỗi tòa soạn. Việc lựa chọn nguồn tin, đặc biệt là xử lý, xác minh nguồn tin phụ thuộc vào tư duy sắc bén của người làm báo, phụ thuộc bản lĩnh nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị của mỗi người. Với các tin đồn, việc xử lý trước khi đăng tải lại càng cần thiết, do tính chất "truyền khẩu", "truyền mạng" mà tin đồn phải được xác minh, sàng lọc cẩn trọng từ nhiều nguồn mới có thể tìm ra thông tin chính xác. Thiết nghĩ, rốt cuộc thì vấn đề vẫn là câu chuyện về lương tâm, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thái độ nghiêm túc trong việc xác minh cẩn trọng thông tin chính là thể hiện tính trung thực, tính định hướng và tính nhân văn trong hoạt động nghề nghiệp.