Bình luận - phê phán

Khi RSF thiếu thiện chí, lẩn tránh sự thật!

NDO -

Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài "Vinh danh" hay tiếp tay cho cái xấu? phê phán một vài tổ chức nước ngoài trao giải thưởng cho một số blogger ở Việt Nam, ngày 22-3-2013, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã lên tiếng "phản bác chỉ trích của Việt Nam".

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của RSF còn trả lời phỏng vấn của VOA nói một cách không giấu giếm rằng, RSF "khuyến khích, ủng hộ" những hoạt động sai trái mà Nhà nước Việt Nam khẳng định là vi phạm pháp luật. Việc làm này, một lần nữa RSF tiếp tục cố tình làm ngơ trước sự thật...

 Ai từng quan tâm tới hoạt động trên internet của mấy vị gọi là "blogger - nhà dân chủ" ở Việt Nam, hẳn đều biết tới bức ảnh được công bố trên mạng, trong đó có hình một ông béo tốt, râu ria tua tủa, đang ngồi xổm trên vỉa hè, lưng dựa vào cột điện, tay bê laptop, tay hí húi gõ bàn phím để đưa tin về một sự kiện đang diễn ra. Cũng trên vỉa hè gần ông râu ria là một blogger vào hàng "nổi tiếng trong các nhân sĩ, trí thức", vai đeo ba-lô đựng laptop, đứng nhìn về phía xa xa! Và bức ảnh này đã trở thành một bằng chứng cho thấy "blogger - nhà dân chủ" hoạt động rất thoải mái, không bị bất cứ sự ngăn cản nào. Không rõ khi xem xét, đánh giá hoạt động của blogger ở Việt Nam, cái gọi là "tổ chức Phóng viên không biên giới" (RSF) có biết bức ảnh này? Nếu biết mà bỏ qua, chứng tỏ RSF đã hành xử một cách dối trá. Nếu chưa biết mà vẫn cứ trao "giải công dân mạng 2013" cho một blogger ở Việt Nam kèm theo ghi nhận đã "cổ súy cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, và tự do internet bất chấp sự đàn áp và kiểm duyệt gắt gao của nhà cầm quyền Hà Nội" (!), thì đó thật sự là một hành vi trơ tráo. Nếu biết tự trọng, họ phải nhận ra mâu thuẫn giữa việc phê phán Việt Nam "đàn áp, kiểm duyệt" internet với việc RSF trao "giải thưởng" cho một blogger vẫn hằng ngày viết bài để đăng trên blog và vừa tự do sang Pháp nhận giải!?

 Thật ra, đòi hỏi RSF biết tự trọng sẽ là điều khó khăn, vì thông tin từ mục Phóng viên không biên giới ở Wikipedia thì: "Theo điều tra của hai nhà báo thuộc đài truyền thanh và truyền hình nhà nước WDR (Ðức), tổ chức Phóng viên không biên giới nhận được nhiều ủng hộ từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros, người từng ủng hộ công đoàn Solidarnosc hàng triệu đô-la Mỹ, và từ Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment for Democracy), là tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia của Hoa Kỳ và thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng thuộc vào trong số những nhà tài trợ là nhà công nghiệp vũ khí và "ông hoàng" truyền thông đại chúng của Pháp Serge Dassault, tập đoàn truyền thông đại chúng Vivendi, nhà tỉ phú Francois Pinault... Các nhà phê bình cáo buộc tổ chức Phóng viên không biên giới đã tường trình về việc phân biệt đối xử nhà báo một cách có chọn lọc trước. Việc chọn lọc các nước mang định hướng của sự chọn lọc từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bỏ qua tất cả các tường trình về những hoạt động chống lại nhà báo trong các nước đồng minh của Hoa Kỳ (Philippines, Arab Saudi) hay chính trong Hoa Kỳ". Các nội dung này cho thấy, nếu RSF có xử sự như người ta thường nói "ăn cơm chúa, múa tối ngày" cũng là điều dễ hiểu. Tiếc rằng, tiết mục "múa" của RSF lại không mang tính lương thiện. Khi "hầu bao" do người khác nắm giữ, dù có muốn RSF cũng không thể vượt khỏi cái "vòng kim cô" mà người ta đã úp lên đầu RSF! Chẳng hạn ngày 20-3, BBC đăng bài Iraq sau 10 năm chiến tranh trong đó có một số thông tin đáng chú ý liên quan tới công việc của giới phóng viên: "HRW nói điều kiện ở Iraq vẫn còn hạn chế, nhất là đối với người bị giam giữ, nhà báo, các nhà hoạt động, phụ nữ, trẻ em gái... Iraq là chốn nguy hiểm cho truyền thông, với 151 nhà báo tử nạn, theo con số của CPJ, mặc dù IBC nói số người làm trong ngành truyền thông thiệt mạng là 288 so với 256 người thuộc ngành y, chăm sóc sức khỏe". Trước thực trạng đó, RSF đã hành động như thế nào để giúp phóng viên ở Iraq bảo toàn tính mạng. Ðáng tiếc là RSF hầu như không làm gì. Vậy lương tri của RSF để đâu, hay vì nếu lớn tiếng phê phán ở Iraq phóng viên bị đe dọa tính mạng, chẳng hóa ra là RSF phê phán nơi nắm giữ cái "hầu bao" của RSF!?

 Trước phản ứng đối với việc RSF trao "giải thưởng" cho một blogger và vu cáo Nhà nước Việt Nam, RSF nên xấu hổ về việc làm của mình, không nên "ngạc nhiên" như VOA đưa tin ngày 22-3. Còn ông Benjamin Ismail - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của RSF, cũng không nên trông chờ một "cuộc đối thoại với Việt Nam về các quan điểm khác biệt". Việt Nam chỉ có thể đối thoại với một tổ chức lương thiện, không thể đối thoại với một tổ chức chỉ lấy việc vu cáo, tiếp tay cho cái xấu làm mục đích. Hơn thế nữa, qua cái gọi là "báo cáo kẻ thù của internet" công bố ngày 12-3, RSF còn trâng tráo xếp Việt Nam vào nhóm "năm quốc gia kẻ thù của internet" vì "tiến hành một cách hệ thống giám sát trực tuyến, gây ra các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng"! Ðến mức này thì đúng là ở RSF, sự thật đã không được đếm xỉa đến. Muốn biết rõ sự thật, người ở RSF nên đọc bài về một blogger nổi tiếng ở Việt Nam đã đăng trên BBC tiếng Việt ngày 14-3, trong đó có đoạn: "Bình về sức ép của chính quyền đối với ông, chủ blog nói: "Phải nói thẳng là trong suốt hơn năm năm, tôi không bị áp lực gì căng thẳng từ cơ quan chức năng. Chỉ đôi lần thông qua quan hệ bạn bè thì họ có đề nghị tôi ngừng. Có lần họ đề nghị tôi thôi và gỡ các hình ảnh trực tiếp xuống, tôi nói tôi có thể đồng ý nhưng sẽ thông báo với độc giả đây là đề nghị của cơ quan chức năng. Như vậy cũng là để giảm bớt áp lực với họ. Họ cũng có đề nghị tôi không để trong list của tôi blog này, blog kia, tôi cũng chấp nhận một phần. Tôi coi cái đó không đáng kể. Tôi nói tôi không để trong list, nhưng bài vở tôi vẫn điểm. Tất cả yêu cầu của họ có tính chất nhẹ nhàng thôi, nhẹ nhàng, lịch sự"...".

 Tiếp theo, xin dẫn lại các con số về internet ở Việt Nam để RSF tham khảo: Theo Sách trắng Internet Việt Nam do Trung tâm Internet Việt Nam công bố tháng 12-2012, tính đến hết quý III-2012, Việt Nam có 31.196.878 người sử dụng internet (chiếm tỷ lệ 35,49% dân số) và Việt Nam đang đứng thứ 18/20 quốc gia có số người dùng internet lớn nhất thế giới, đứng thứ tám khu vực châu Á và đứng thứ ba ở khu vực ASEAN; so với năm 2000, số lượng người dùng internet ở Việt Nam đã tăng khoảng hơn 15 lần; Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng đăng ký tên miền quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2012, tổng số thuê bao 3G (qua hai hình thức: truy cập trên điện thoại và Dcom 3G) của Việt Nam đạt xấp xỉ 20 triệu thuê bao, với hạ tầng phủ rộng khắp để mọi người dân có thể sử dụng dịch vụ một cách dễ dàng. Theo số liệu của website techinasia.com công bố ngày 21-3-2013, "lượng người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam tăng từ 8,5 triệu vào tháng 10-2012, lên thành 12 triệu". Và riêng với blog, theo bài Hướng đi nào cho dịch vụ blog ở Việt Nam? đã đăng trên ictnews.vn: "Tính đến tháng 4-2012, dịch vụ Yahoo! 360Plus có khoảng 2,3 triệu thành viên, thấp hơn các dịch vụ blog khác như Yume (2,4 triệu người dùng), wordpress.com (2,9 triệu thành viên), blogspot.com (5,1 triệu thành viên)... Thực tế cho thấy, cộng đồng blogger phát triển khá mạnh mẽ tại Zing Me với 500.000 bài viết và hai triệu blogger mỗi tháng". Cho nên khi tới Việt Nam, không ai phủ nhận thực tế có thể dễ dàng truy cập internet, nhất là tại các thành phố, thị xã, huyện lỵ với hàng nghìn quán café-wifi. Ðặc biệt, Hội An đã phủ sóng wifi miễn phí trên toàn thành phố, công việc này hiện cũng đang được triển khai ở Huế, Ðà Nẵng... 

 Các con số trên cho thấy được sự quan tâm của Nhà nước, internet ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ rất cao. Nếu là "kẻ thù của internet", nếu muốn kiểm soát blogger, Nhà nước Việt Nam sẽ không tạo điều kiện phát triển dịch vụ 3G, vì đây là dịch vụ khó kiểm soát (nhất là với người sử dụng 3G bằng "sim rác"), bởi nó cho phép người sử dụng có thể truy cập internet mọi lúc mọi nơi. So với vô vàn blogger ở Việt Nam, số blogger mà RSF cổ vũ có số lượng cực kỳ nhỏ, chẳng lẽ RSF không tự hỏi tại sao vô vàn blogger khác lại không la lối "bị đàn áp" để được RSF ủng hộ và trao "giải thưởng"? Và nếu thật sự "bị đàn áp", mấy blogger được RSF cổ vũ có thể ngồi trên vỉa hè để "tác nghiệp" hay không? Tiếp tay cho cái xấu, RSF đã làm điều bất lương là lẩn tránh sự thật, lập lờ đánh đồng việc viết blog với hành vi vi phạm pháp luật. Nói cách khác thì RSF cố tình không phân biệt sự khác nhau giữa người viết blog lành mạnh với người đã lấy blog làm phương tiện để "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Về điều này, vào ngày 23-1-2013, tại trụ sở Quốc hội Vương quốc Anh, trong cuộc thảo luận giữa thành viên Nhóm Nghị viện liên đảng về Việt Nam và Ðoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã khẳng định rõ ràng: "Không có ai tại Việt Nam bị xử lý vì viết blog hay viết báo, mà bị xử lý vì đã vi phạm pháp luật và đã được xử lý công khai". Sự thật là vậy, chỉ có RSF và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam là không dám đối diện sự thật, họ chỉ cố sử dụng "dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí" làm chiêu bài để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam mà thôi.