Internet không tạo ra "nhà báo tự do"!

Từ khi internet ra đời, báo chí và truyền thông trên thế giới cũng như ở Việt Nam có thêm một phương tiện cực kỳ quan trọng. Ban đầu chỉ là một dạng phụ lục của báo in, đăng tải các tin tức không đầy đủ và chưa cập nhật, dần dà internet trở thành môi trường tồn tại chủ yếu của nhiều tờ báo, tạp chí. Nhưng cũng từ đây, với báo chí, internet cũng trở thành nơi xuất hiện một số hiện tượng thiếu lành mạnh...

Có thể nói vai trò của internet, các kỹ năng của công nghệ số đã ảnh hưởng lớn tới nhận thức và tác nghiệp của nhà báo; đồng thời cho thấy thông tin ở thời đại công nghệ số không chỉ cần cái nhìn chính xác, đầy đủ, sâu sắc, khách quan mà còn phải "chạy đua" với thời gian để cập nhật thông tin, nên buộc mọi tố chất của nhà báo phải phát huy một cách cao nhất. Không chỉ thế, internet còn tạo cơ hội cho sự phát triển của tự do ngôn luận, vì tiếp cận một cách nghiêm túc, thì sự bùng nổ của website cá nhân, mạng xã hội bên các website chính thống đã góp phần không nhỏ tạo nên viễn cảnh một nền báo chí dân chủ, hiện đại. Tuy nhiên, để viễn cảnh đó trở thành hiện thực lành mạnh, mỗi nhà báo còn phải nỗ lực rất nhiều. Bởi dù sao, từ vai trò của báo chí, nếu chỉ nhiệt tình để đưa "thông tin nóng" đến với công chúng là chưa đủ. Như mọi nghề nghiệp xã hội khác, nghề báo có nguyên tắc nghề nghiệp riêng, yêu cầu mỗi người làm nghề phải được trang bị hệ thống tri thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp,... nhất định. Việc tuân thủ những nguyên tắc, yêu cầu này trở thành tiêu chí xác định vị trí, vai trò của nhà báo, trực tiếp khẳng định không phải bất kỳ người nào viết một điều gì đó rồi công bố trên internet cũng được coi là nhà báo.

Do đó cái gọi là "nhà báo tự do" chỉ là sự ngụy biện để bao che một số người sử dụng internet để vi phạm trái pháp luật. Cũng với ý nghĩa đó, internet không tạo ra "nhà báo tự do", cũng không thể coi "tự do ngôn luận" là cơ sở để mọi người có thể trở thành nhà báo! Trước một vấn đề, sự kiện nào đó, trên báo chí và internet, thường xuất hiện ý kiến đóng góp của nhân dân với danh tính, địa chỉ cụ thể, và không thể phủ nhận trong số đó một số bài viết, ý kiến có nội dung phong phú, sâu sắc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhà báo chỉ nên xem đó là tài liệu tham khảo, dù người đó có thể là chuyên gia trong một lĩnh vực xã hội, một ngành nghề... Vì trước một vấn đề, sự kiện, không phải ai cũng có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc, giữ được trí óc tỉnh táo, dù họ mong muốn đóng góp ý kiến thiện chí. Thí dụ, trong bài viết trao đổi ý kiến chung quanh việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không coi Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông, có tác giả không chỉ nhầm lẫn giữa nội dung chương trình học tập, cách giảng dạy của giáo viên trong trường học, tâm lý học sinh mà còn tỏ ra chưa tìm hiểu kỹ những bài học trong sách giáo khoa, phân bố giờ dạy của giáo viên. Vậy mà từ đó lại kết luận rằng nguyên nhân của thực trạng giáo dục là từ chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn! Trong bài viết khác, một tiến sĩ kinh tế gốc Việt ở nước ngoài sau khi "tản mạn" về các nơi ông đi qua, đã kết luận "Việt Nam sẽ mất thêm vài thế hệ"! Ông làm người đọc "giật mình" không phải do tính chính xác mà ở sự chủ quan, bi quan được đẩy lên cao độ. Dẫu sao, ý kiến này cũng miêu tả một số góc khuất của đời sống, nhất là về khoảng cách giàu nghèo; nhưng tác giả chỉ phản ánh hiện tượng mà chưa có cái nhìn bản chất, giúp nhận thức vấn đề. Đặc biệt, thông tin ông dẫn lại chủ yếu lượm lặt trên internet, thiếu chuẩn xác từ con số đến ngôn từ. Đây chỉ là hai trong nhiều ý kiến mà người quan tâm tới các vấn đề thời sự của đất nước đã đưa ra nhưng còn thiếu cái nhìn bao quát, đa chiều, có tính bản chất, để từ đó có nhận định chính xác, khách quan, hữu ích.

Trường hợp nhà báo sử dụng tin tức lượm lặt từ website, blog cá nhân hay mạng xã hội để viết báo còn phức tạp hơn. Với quan niệm nghề nghiệp nghiêm túc, thì thông tin đa dạng, đa chiều trên internet chưa hẳn có lợi cho sản phẩm báo chí, ngược lại nếu sử dụng thiếu thận trọng, còn có thể gây ra tình trạng "nhiễu" thông tin. Những thông tin chưa được kiểm chứng, không được tùy tiện khai thác, cũng như phải chịu trách nhiệm khi công bố.

Ngược lại, tiếp xúc với thông tin và muốn khai thác, cần phải tìm hiểu, điều tra, phân tích trước khi đưa ra nhận định. Thao tác nào bị bỏ qua cũng có thể dẫn đến sai lầm, nhất là trên internet, vì thông tin đưa ra sẽ được tiếp nhận, phản hồi rất nhanh, bất kể vị trí, khoảng cách trên toàn cầu. Vì vậy, công việc làm báo mạng nhìn qua có vẻ nhanh chóng, đơn giản, nhất là nhà báo có các phương tiện hiện đại như: máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh, máy tính xách tay, USB 3G... Nhưng sự vội vã, chủ quan, cẩu thả trong khi khai thác, sử dụng thông tin để sớm có bài vở cập nhật (nhất là thông tin giật gân, gây tò mò) đã khiến một số nhà báo rơi vào tình thế dở khóc, dở cười, nhiều sự cố trong đăng tải thông tin khiến người đọc giảm niềm tin đối với báo chí trực tuyến. Nhưng dẫu sao sai sót loại này không bắt nguồn từ động cơ trục lợi, hoặc phục vụ cho ý đồ xấu nên vẫn có thể coi là "căn bệnh dễ chữa" và từ sai sót của chính mình, từ sai sót của đồng nghiệp mà nhà báo sẽ rút kinh nghiệm để cẩn trọng hơn.

Nhưng có căn bệnh khác xuất hiện từ một số bài báo mang tính "lá cải" trên internet. Ở Việt Nam hiện không có "báo lá cải", nhưng không thể phủ nhận khuynh hướng "lá cải" từ một số bài báo, trang báo và theo ý nghĩa nào đó có thể nói đã làm méo mó diện mạo của báo chí trực tuyến ở nước ta. Đó là sự bùng nổ của những website chỉ ăn cắp, xào xáo tin từ báo khác, dựng ra câu chuyện nhảm nhí, rẻ tiền nhằm lôi kéo bộ phận độc giả hiếu kỳ. Bằng tựa đề dung tục, giật gân, hình ảnh phản cảm, hoặc bài viết bịa đặt, cắt gọt, chỉnh sửa, thêm bớt từ bài báo khác, các website này sống "tầm gửi" vào hình thức chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Tiếp đó là một số người tận dụng lợi thế của internet làm phương tiện trở thành người nổi tiếng, họ tự "lăng xê" bằng cách khoe khoang mọi thứ từ nhan sắc đến tiền bạc, của cải, và lối sống xa hoa... Họ hăng hái "khoe thân" bất chấp phản ứng của dư luận; rồi phối hợp với nhà báo, họ vẽ vời thông tin nhằm có chút danh tiếng trước khi tham gia làng giải trí với tư cách "sao mới nổi"! Kết quả là có người, dù có một vài tố chất trở thành diễn viên, ca sĩ nhưng do hám danh, ý thức đạo đức kém nên đánh mất cơ hội để đến với nghệ thuật. Đáng tiếc là một số tờ báo đang có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thông tin giật gân, câu khách, dung tục, rẻ tiền... Bên cạnh đó, một số người nuôi dưỡng ngòi bút bằng cách đeo bám vào thông tin "nóng" đăng trên các website. Họ phỏng vấn, đăng tải video, họ bình luận về sự kiện, hiện tượng theo các cách thức không giống ai để lôi kéo sự chú ý. Trường hợp một số website, trang mạng tạo điều kiện để một số người tự nhận "nhà ngoại cảm", hay luật sư nọ nổi lên từ "vụ án thẩm mỹ viện" là minh chứng rõ ràng, cụ thể cho hiện tượng này.

"Căn bệnh nan y" trên internet hiện nay là sự xuất hiện một số người hăng hái chỉ trích đất nước nhằm thực hiện các toan tính xấu xa. Lợi dụng, xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, những người như Tạ Phong Tần, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày),... được hệ thống truyền thông của các thế lực thù địch gọi là "nhà báo tự do", cho dù họ chưa bao giờ được bảo đảm tư cách nghề nghiệp. Với sự đồng lõa, phối hợp và ủng hộ của BBC, VOA, RFI, RFA, rồi International Pen (Văn bút quốc tế), RFS và các tổ chức phản động của người Việt lưu vong ở nước ngoài, số người này xuất hiện trên internet qua các văn bản sử dụng thủ đoạn dựng chuyện, bịa đặt, xuyên tạc để vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Như gần đây, RFI đăng bài trả lời phỏng vấn một người trong nước có nhan đề "Văn hóa Việt Nam trong vận khí suy vong". Xuyên suốt bài phỏng vấn, người này sử dụng nguồn tài liệu nghèo nàn, có tính bịa đặt, lấy hiện tượng nhỏ, chưa đẹp trong xã hội để bình luận theo hướng tiêu cực mà chỉ người như ông ta mới nghĩ ra, và kết luận thô thiển của bài phỏng vấn đã lộ rõ bản chất của người trả lời. Trong khi đó, dù chưa bao giờ tỏ ra thiện chí với Việt Nam, BBC Tiếng Việtcũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt khi đăng bài thừa nhận mấy kẻ đang lớn tiếng "đấu tranh cho dân chủ" ở Việt Nam rốt cuộc chỉ là "bên thua cuộc", vì thực chất họ "chiến đấu cho lá cờ" của một chính quyền phi nghĩa đã diệt vong. Nếu trước đó internet là phương tiện giúp họ triển khai chiến dịch vu cáo Việt Nam, thì sau buổi báo cáo UPR của Việt Nam kết thúc, sự thật đã chiến thắng, các tổ chức phản động ở nước ngoài và một số người trong nước hoặc tức tối vì thất bại ê chề, hoặc dùng "phép thắng lợi tinh thần" để an ủi lẫn nhau, hoặc quay sang phê phán Liên hợp quốc. Qua diễn biến của sự kiện này, có thể thấy một số tổ chức quốc tế và một số chính phủ đang có mưu đồ biến môi trường "ảo" internet thành môi trường "thật" cuộc sống để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật của một số người ở Việt Nam.

Tốc độ phát triển của báo chí điện tử ở Việt Nam trong các năm qua cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trong việc bảo đảm, phát triển quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; đồng thời cho thấy nỗ lực của các nhà báo chân chính cũng như của toàn dân nhằm xây dựng nền báo chí dân chủ và hiện đại, với thông tin chính xác, phong phú, đa dạng, sinh động, mang tính tích cực xã hội. Tuy nhiên từ những mặt trái của nó, nếu các cơ quan báo chí và mọi người làm báo lơ là trách nhiệm xã hội -nghề nghiệp, các cơ quan quản lý thiếu nghiêm khắc trong tổ chức, quản lý và chế tài, thì báo chí điện tử có thể làm nhiễu loạn thông tin, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, những người thiếu thiện chí truyền bá luận điệu sai trái, lũng đoạn thông tin. Do đó hơn lúc nào hết, các nhà báo Việt Nam càng phải không ngừng rèn luyện, tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, khẳng định năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp,... góp phần xây dựng báo chí điện tử trở thành phương tiện tinh thần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước và toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.