Bình luận - phê phán

DW nên tuân thủ nguyên tắc "tôn trọng sự thật" !

Gần đây, một số người đã tổ chức một "chiến dịch truyền thông" nhân việc Nguyễn Văn Hải (còn gọi là Hải "điếu cày") đến Hoa Kỳ. Điều này không có gì mới, vì từng xảy ra với Bùi Kim Thành, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ,... Tuy nhiên, "chiến dịch" này lại có một số sự kiện bất thường.

Ngày 21-10-2014, Nguyễn Văn Hải (người đang thi hành bản án 12 năm tù do Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên phạt năm 2012 vì tội "tuyên truyền chống phá Nhà nước" theo Điều 88, Bộ luật Hình sự) đến Mỹ. Lập tức trang mạng của một số tổ chức, cá nhân thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam dựng đứng luận điệu Hải "điếu cày" đến Mỹ là kết quả của... "một cuộc đổi chác" (!), bất chấp việc cũng ngày 21-10, sau khi hoan nghênh quyết định của Nhà nước Việt Nam, bà Ma-ri Hacphơ (Marie Harf) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, đã nói: "Chúng tôi biết rằng ông (Hải "điếu cày") đã quyết định sang Mỹ"; và tại cuộc họp báo ngày 23-10, trả lời câu hỏi liên quan Nguyễn Văn Hải, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Nhà nước Việt Nam đã quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với Nguyễn Văn Hải và cho phép Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ vì lý do nhân đạo"...

Ngày Nguyễn Văn Hải đến Mỹ, tại Sân bay Lốt An-giơ-lét, một nhóm người với biểu ngữ, hoa, "cờ vàng" kéo đến tổ chức đón anh ta như "người hùng"! Tuy nhiên sau khi Nguyễn Văn Hải từ chối cầm "lá cờ vàng" mà họ cố tình dúi vào tay, lập tức "người hùng" lại trở thành "tội đồ". Dù Nguyễn Văn Hải cố gắng thanh minh thanh nga thì trên in-tơ-nét vẫn cứ tràn ngập lời chửi rủa, thóa mạ, coi Nguyễn Văn Hải "ngu xuẩn, vô ơn, khổ nhục kế, chống cộng cuội". Và một kẻ chống cộng là người Việt ở Mỹ đã khái quát: Nguyễn Văn Hải phải "hứng đá của độc tài vàng"! Khi Nguyễn Văn Hải đến Oa-sinh-tơn, "cộng đồng cờ vàng" còn đưa ra tối hậu thư yêu cầu phải nghiêm chỉnh nghênh chào, phải nhận món quà là một "lá cờ vàng" thì mới được tiếp xúc, gặp gỡ đồng hương! Hải "điếu cày" phải chấp nhận. Thế là các bức ảnh anh ta tươi cười nhận "cờ vàng" quàng lên cổ đăng tải tràn lan trên in-tơ-nét làm cho một số kẻ vui mừng vì đã thu phục được "người hùng" và một số kẻ lại thất vọng vì bản chất của anh ta lộ ra quá sớm. Từ hành tung, ứng xử, tuyên bố "chém gió" của Nguyễn Văn Hải, Lê Diễn Đức - một người gốc Việt ở hải ngoại, đã phải thốt lên: "Nhìn những tấm gương đi trước anh như Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Chính Kết, Trần Khải Thanh Thủy, Cù Huy Hà Vũ, tôi không mấy lạc quan về con đường tranh đấu tiếp tục của anh và hiệu quả của nó"! Sự thật là như thế nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên, khi thấy ngày 24-11-2014, hãng tin Làn sóng Đức (Deutsche Welle, viết tắt là DW) đăng một bài vừa giới thiệu, vừa phỏng vấn Nguyễn Văn Hải, vừa đưa thông tin thiếu chính xác, không đúng mực, vừa tạo điều kiện để Nguyễn Văn Hải phát ngôn. Tại sao lại có sự kiện này, vì theo tôi, việc công bố bài báo nói trên là trái với Quy tắc đạo đức báo chí do Hội đồng báo chí Đức ban hành và một trong các điểm quan trọng được nêu rõ là phải: "tôn trọng sự thật", "thông báo chính xác cho công chúng là những nguyên tắc tối cao của báo chí", "mỗi người hoạt động báo chí phải giữ gìn uy tín và sự tín nhiệm của phương tiện truyền thông"?

DW là đài phát thanh và truyền hình của CHLB Đức, là một trong các thành viên của Đài truyền hình công cộng số 1 có tên viết tắt ARD, tổng hành dinh đặt ở Bonn, một bộ phận ở Béc-lin. Hằng ngày, DWphát ra nước ngoài qua chương trình TV, ra-đi-ô, in-tơ-nét bằng 30 thứ tiếng. Những ai đọc bài trên DWtrong các năm qua và theo dõi tin tức có liên quan sẽ thấy DWthường phải chịu áp lực rất lớn. Thí dụ: Sau khi báo Frankfurt khái quátngày 13-11-2013 đăng bài về việc một nhà băng của Bun-ga-ri có thư khiếu nại gửiDW, lập tức hai nhà báo thuộc Ban tiếng Bun-ga-ri của DWbị thải hồi.

Sau khi báo điện tử taz.de đăng bài DWcó kế hoạch hợp tác với đài CCTV của Trung Quốc vào ngày 26-9-2014, cái gọi là "Tổ chức phóng viên không biên giới" đã vội lên tiếng yêu cầu DWcân nhắc, thậm chí vào ngày 25-9-2014, trang mạng của tổ chức này còn có bài yêu cầu DWthay đổi chiến lược với Trung Quốc. Ngày 19-8-2008, tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) đăng bài Tinh thần phát-xít quay trở lại mà thực ra đây là phần dẫn trích từ một bài báo đã đăng ở Trung Quốc. Sự việc có nguồn gốc từ khi bà Trương Đan Hồng (Zhang Danhong) một cán bộ lãnh đạo chương trình tiếng Trung Quốc của DW,trong một chương trình đối thoại trên truyền hình phát biểu rằng, Trung Quốc đã thành công khi đưa 400 triệu người ra khỏi danh sách đói nghèo, như vậy Trung Quốc đã làm hơn bất cứ lực lượng chính trị nào trên thế giới trong việc thực thi điều ba của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Ngay sau đó, bà Trương Đan Hồng không được xuất hiện trước công chúng. Ngày 24-9-2008, tạp chíTấm gương đăng tiếp bài Bê bối ở DW, và bà Trương Đan Hồng mất chức... Từ các sự kiện như vậy mà nhiều người phải than phiền rằng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, không kiểm duyệt,... là những điều vốn đã được ghi rõ trong Hiến pháp nhưng có nhiều phía ở Đức lại gây áp lực lên các cơ quan truyền thông như DW,điều đó là trái ngược quan điểm của nhà nước Đức.

Với trường hợp của Nguyễn Văn Hải, đến nay chỉ có Trung tâm văn bút Đức và Nước Đức mới là đưa tin ngắn về việc Hải "điếu cày" được Nhà nước Việt Nam cho phép xuất cảnh sang Mỹ, còn ngoài ra, không có bất kỳ tin tức nào được đăng tải. Với sự kiện mà vài người làm rùm beng là: "ngày 21-11-2014, ông Sic-ma Ga-bri-en (Sigmar Gabriel), Phó Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã có buổi gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam..." cũng vậy. Phần lớn báo, tạp chí ở CHLB Đức đều đưa tin Phó Thủ tướng Sic-ma Ga-bri-en tới thăm Việt Nam và tường thuật các hoạt động của ông, như: Dự Hội nghị châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 của giới kinh tế Đức (APK), gặp gỡ sinh viên Trường đại học Việt - Đức,... không đề cập tới cái gọi là buổi "tiếp xúc" như một số người quảng bá rầm rĩ. Trang mạng của Bộ Kinh tế và Năng lượng hôm 20-11-2014 cũng đưa tin tức về hoạt động của đoàn đại biểu do ông Sic-ma Gabri-en dẫn đầu, nhưng không dành một câu chữ nào cho điều gọi là gặp gỡ "mạng lưới blogger Việt Nam", cũng tức là cuộc "tiếp xúc" không có ý nghĩa gì! Ở CHLB Đức, người dân Đức luôn trân trọng câu ngạn ngữ "Nước khác có phong tục khác" (andere Laender andere Sitten). Ở đây, phong tục được hiểu là văn hóa, pháp lý, là chuẩn mực đạo đức. Thiết nghĩ, lời khuyên này có giá trị không chỉ với những người ra du lịch nước ngoài, mà còn cho các quốc gia trong quan hệ quốc tế, vì phù hợp với những định chế của luật lệ quốc tế. Đề cập tới việc này, cần nhắc tới ý kiến của ông Critstốp Lanx (Christoph Lanz) ngày 25-9-2013, khi đang là Giám đốc toàn cầu (Multimedialdirektor) DW phát biểu trên tạp chí Tấm gương:"Nhiều điều ở Đức là bình thường, nhưng ở phần còn lại của thế giới là bất bình thường. Ở Hoa Kỳ, một số nước châu Á cũng như khu vực A-rập người ta có các quy định nghiêm khắc hơn".

Hẳn vì thế, trong khi BBCngưng hợp tác với NTVở Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng đài này thực hiện sự kiểm duyệt thì DW vẫn hợp tác, phải chăng vì DWtôn trọng phong tục nước khác? Tuy nhiên, dù có một số khác biệt thì luật pháp của các quốc gia vẫn có một số tiêu chí chung. Sự kiện vừa mới xảy ra tại CHLB Đức giúp thấy rõ điều này.

Ngày 25-11-2014, cơ quan công an ra thông cáo báo chí cho biết, một nhân viên cảnh sát ở thành phố Đoócmun (Dortmund) bị thải hồi, cùng ngày cảnh sát đã tiến hành khám nhà để tìm chứng cứ. Trên thực tế, viên cảnh sát không có hành động chống lại cá nhân, tổ chức hay cơ quan nhà nước nào, nhưng anh lại thuộc nhóm người có quan điểm: dù đã bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ hai thì "Vương quốc Đức" (Das Deutsche Reich) vẫn không bị xóa bỏ; như vậy, người có quan điểm như thế đã không công nhận Đạo luật cơ bản (tức Hiến pháp CHLB Đức), và quan điểm này thể hiện sự không trung thành với Hiến pháp hiện hành của Nhà nước Đức. Nếu quy định luật pháp như thế được thực hiện nghiêm khắc ở Việt Nam thì mấy người đã ca ngợi Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, rồi hối tiếc, ca ngợi "Việt Nam cộng hòa", rải truyền đơn in "cờ vàng",... sẽ không còn cơ hội lên in-tơ-nét để đưa ra các luận điệu đi ngược lại lợi ích và sự phát triển đất nước. Và lại, nếu thấy việc làm của mình là chính đáng (!), nếu thật sự đấu tranh vì "dân chủ, nhân quyền", tại sao họ không soạn một "thỉnh nguyện thư" gửi cơ quan công an của CHLB Đức để bảo vệ viên cảnh sát nọ!?

Cuối cùng, điều rất khó hiểu là chỉ vài ngày trước khi đăng tải bài về Nguyễn Văn Hải, DWlại đăng hai bài: Địa điểm đầu tư ở Việt Nam (ngày 19-11), Việt Nam - một nước trên đà thay đổi - gặp gỡ nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh (ngày 20-11) với nội dung thiện chí, có cái nhìn tích cực về quan hệ Việt - Đức? Người đọc ở Việt Nam có thể tiếp xúc với các nội dung này qua bài Báo Đức đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam đăng trên vietnamplus,trong đó cho biết "dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá rất tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, trước hết là ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như lực lượng lao động được đào tạo tốt".

Chẳng nhẽ khi giới thiệu và phỏng vấn Nguyễn Văn Hải, DWkhông thấy sự khác biệt về bản chất giữa đánh giá của Ngân hàng thế giới - một tổ chức quốc tế rất uy tín, với đánh giá rất cá biệt của một người vừa ra khỏi trại giam? Chẳng lẽDWkhông thấy tự mâu thuẫn khi vừa giới thiệu một quốc gia "ổn định chính trị", lại vừa tạo cơ hội để một người nói xấu chính quốc gia đó? Không biết với trường hợp này, DWmuốn tỏ ra khách quan hay đã có một sức ép nào đó (?), nhưng dù sao DW cũng cần tuân thủ nguyên tắc "tôn trọng sự thật" mà Hội đồng báo chí Đức vẫn yêu cầu.