"Cuồng thần tượng" một hiện tượng xã hội đáng lo ngại

Cuồng nhiệt một cách thái quá và bất thường trước "thần tượng", đó là hiện tượng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong sinh hoạt của một bộ phận giới trẻ Việt Nam. Từ đó có một câu hỏi cần được trả lời là: Khi cảm xúc vượt quá giới hạn, không thể kiểm soát thì liệu có thể dẫn đến tình trạng mất lý trí, tạo nên một loại hiện tượng xã hội đáng lo ngại?

Mới đây, sự kiện âm nhạc với sự tham gia của bảy nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc đã gây nên một "cơn bão" trong "fan Kpop" (người hâm mộ nhạc Pop Hàn Quốc) ở Việt Nam, cũng thật sự tạo ra một "cơn bão" trong các bậc phụ huynh và những người quan tâm tới giới trẻ. Một lần nữa, trước các ca sĩ đến từ xứ sở Kim chi, nhiều "fan Kpop" Việt bày tỏ sự cuồng nhiệt đến mức khóc lặng khi "thần tượng" xuất hiện tại sân bay. Tới khi xem "thần tượng" biểu diễn trên sân khấu một làn sóng xô đẩy, la hét, khóc nức nở của hàng nghìn người lại tái diễn. Buổi biểu diễn đã trở thành nơi phô bày sự ồn ĩ, như tạo nên bởi hành vi mất kiểm soát của "fan Kpop". Không hiểu trong các bộ trang phục bắt chước cùng các loại phụ kiện như mũ, vòng xuyến mô phỏng theo "thần tượng", tay giơ cao tấm biển ghi tên nhóm nhạc yêu thích, miệng la hét, mắt đỏ hoe, lại phải căng người chống sự xô đẩy từ tứ phía, liệu các khán giả trẻ có thể thưởng thức nổi tác phẩm nghệ sĩ đang biểu diễn? Hơn nữa, sự cách trở ngôn ngữ còn cho thấy có khi may lắm họ chỉ xem được quần áo, trang phục, các màn vũ đạo, chứ đâu hiểu được nội dung ca khúc. Vậy mà vẫn có người chấp nhận đứng ngoài sân khấu, đau đớn, tiếc nuối vì không mua được vé!

Những năm gần đây, nếu điện ảnh Hàn Quốc đang dần dà tỏ ra thắng thế trên màn ảnh nhỏ, thì các nhóm nhạc, diễn viên từ xứ Kim chi cũng tới Việt Nam ngày càng nhiều hơn, cơ hội được gặp "thần tượng" của nhiều bạn trẻ cũng tăng lên. Hầu như lần nào cũng vậy, các hành vi bày tỏ sự hâm mộ lại lặp lại từ la hét, reo hò đến ôm nhau khóc lóc, có người bị ngất,... Kinh hoàng nhất phải kể đến buổi biểu diễn của nhóm Super Junior tại MTV Exit Vietnam ở Mỹ Ðình cách đây vài năm. Hàng nghìn người tìm mọi cách để tiến gần hơn đến sân khấu, dù phải chen lấn, giẫm đạp lên nhau, kết quả là 40 fan Việt ngất xỉu sau buổi diễn do thiếu ô-xi và quá mệt, rất nhiều người khác cũng bị bầm tím vì chen chúc. Ðỉnh điểm của sự bất thường, một nhóm thanh nữ còn rất trẻ quỳ xuống hôn ghế anh chàng Bi Rên đã ngồi khi lưu diễn tại Nhà hát thành phố Hà Nội khiến dư luận phẫn nộ. Ðáng buồn hơn, có bạn trẻ còn lên mạng xã hội chửi bới cả bố mẹ vì không cho tiền mua vé đi gặp "thần tượng"... Không chỉ fan nữ dễ bị xúc động và kích động, mà ngay cả fan nam cũng gào khóc khi nhìn thấy mấy cô gái của nhóm T-ara vào năm 2012. Cũng tháng 3 năm đó, các fan của Super Junior đã làm nên một cảnh tượng hãi hùng khi đuổi theo xe chở nhóm nhạc này sau khi kết thúc đêm nhạc tại Hà Nội đang trên đường cao tốc ra sân bay. Sang Việt Nam năm 2013, nam diễn viên Hàn Quốc Kim Hi-un Dâng cũng bị fan đeo bám theo, chặn cả đầu xe chỉ để được nhìn anh rõ hơn. Về việc này báo chí nước ngoài cũng đã đưa tin, bình luận chuyện giật tóc, cướp mũ, giật áo, cào cấu "thần tượng" của fan Việt đối với diễn viên nước ngoài. Hiện tượng rất không bình thường đó khiến người quan tâm đến vấn đề chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, và khi tình trạng này kéo dài thì chúng ta buộc phải suy nghĩ.

Vậy, những người được một bộ phận giới trẻ Việt Nam coi là "thần tượng" là ai? Phần lớn các "thần tượng" đó chưa có tiếng tăm trong sinh hoạt nghệ thuật thế giới đương đại, họ chủ yếu là những chàng trai cô gái mặc đẹp, thân hình "nóng bỏng", vũ đạo thuần thục, đóng những bộ phim đánh trúng tâm lý yêu đương lãng mạn của giới trẻ. Sau khi có chút thành công trong nước và họ cố gắng tạo dựng tên tuổi ra ngoài nước. Tài năng của họ ra sao không nằm trong mục đích bàn luận của bài viết này, cũng không nên coi là điều bất bình thường nếu trong cuộc sống chúng ta coi ai đó là thần tượng khi tài năng, tư cách, phẩm hạnh, hành động,... của người đó cuốn hút, làm chúng ta ngưỡng mộ, hướng chúng ta đến chỗ tự giác noi theo để học tập, rèn luyện bản thân. Vấn đề cần quan tâm ở đây là "thần tượng" mà một số bạn trẻ hâm mộ đâu phải nghệ sĩ tài năng lừng danh, các bài hát họ trình bày, bộ phim họ tham gia diễn xuất đâu phải là tác phẩm nghệ thuật có khả năng vượt thời gian để trở thành tác phẩm kinh điển của thời đại.

Khoảng mười năm trở lại đây, trong sự thưởng thức nghệ thuật của một số người Việt Nam hình như đã xuất hiện các loại "mốt" để thay thế nhau: sau thời mê mẩn phim hài "nhảm" Hồng Công (Trung Quốc), một số người chuyển sang say mê phim dã sử Trung Hoa và giờ thì đắm đuối với phim truyền hình, ca nhạc Hàn Quốc. Có thể có người sẽ biện minh cho hiện tượng này do sự gần gũi về văn hóa, điều đó chỉ đúng khi tiếp thu có chọn lọc, chứ không phải để mỗi khi "thần tượng" đến Việt Nam là dư luận "dậy sóng" với các hiện tượng hỉ nộ ái ố rất không thể biểu dương. Ở đây cần nhắc tới vai trò của các đơn vị tổ chức sự kiện, vì xét đến cùng việc mời ca sĩ, diễn viên, ban nhạc nào đó đến Việt Nam đều là việc kinh doanh. Không có đơn vị nào hào phóng đến mức bỏ ra một khoản tiền lớn để chi phí đi lại, ăn ở, trả thù lao chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công chúng. Họ thu lợi nhuận khi khai thác sự hâm mộ của một bộ phận giới trẻ, nhưng lợi nhuận ấy có giá trị gì khi làm cho một bộ phận giới trẻ khóc lóc, la hét vật vã vì được tiếp xúc với ca sĩ, diễn viên nổi tiếng? Có đáng tự hào hay không nếu nói rằng ca sĩ, diễn viên rời Việt Nam với khoản thù lao hậu hĩnh mà "fan Việt" vẫn cứ bàng hoàng, ngơ ngác, xúc động tràn ngập? Nếu so sánh thì sự kiện Ních Vu-díc - chàng trai thành công vượt lên số phận, đến Việt Nam diễn thuyết đã tập hợp được hàng nghìn bạn trẻ tới nghe anh chia sẻ lại có ý nghĩa hơn nhiều. Những điều Ních Vu-díc nói tác động tới thế giới nội tâm của mọi người. Họ lắng nghe, cổ vũ và học hỏi anh, thêm ý thức về sự tồn tại có ý nghĩa của mình, rồi nhân lên ngọn lửa của tình yêu cuộc sống, từ đó vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.

Nếu thật sự quan tâm tới đời sống tinh thần đất nước, các đơn vị tổ chức sự kiện cần chú ý tới vấn đề này. Ngay một số nghệ sĩ (đặc biệt là ca sĩ) càng cần quan tâm hơn. Nếu thật sự mong muốn gây dựng một dòng "V-pop", nên bắt đầu từ khả năng sáng tạo độc đáo riêng, có sức hấp dẫn, có ý nghĩa với xã hội và công chúng, chứ không phải chiều theo nhu cầu của một bộ phận công chúng mà cũng đua theo "mốt" rồi ăn mặc, cắt nhuộm tóc bắt chước ca sĩ nước ngoài, thậm chí "đạo" nhạc để trình diễn trước công chúng. Ðã đến lúc chúng ta điều chỉnh sao cho sự du nhập tác động tích cực đến người Việt Nam trẻ. Xét đến cùng thì người trẻ không có lỗi, các ca sĩ, diễn viên kia cũng vậy. Ðành rằng cần có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với các bạn trẻ say mê "thần tượng", đó là quyền của họ một khi "thần tượng" giúp làm cho cuộc sống thăng hoa hơn, hướng đến thành công, sự vươn lên. Nhưng, say mê đến cuồng dại, như mất lý trí trước "thần tượng" trong lĩnh vực giải trí không chỉ làm đau đầu nhiều bậc phụ huynh, mà còn làm "nhiễu loạn" tiêu chí đánh giá, "nhiễu loạn" sự lựa chọn giá trị của xã hội. Dù ít hay nhiều thì sự thái quá trong khi thể hiện lòng hâm mộ đối với "thần tượng" còn chứa đựng trong đó cả sự tự trọng, và cho thấy văn hóa ứng xử, khả năng điều chỉnh hành vi trước xã hội của không ít bạn trẻ là đang có vấn đề nghiêm trọng. Nhìn nhận trong sự thống nhất hữu cơ, có thể nói xã hội, gia đình, nhà trường chưa tạo dựng cho họ khả năng phân biệt giữa cuộc sống thực với điều diễn ra trong phim ảnh, trên sàn diễn. Vay mượn một lối sống, vay mượn một kiểu sống về lâu dài sẽ dễ đánh mất cuộc sống đích thực của chính mình, thiếu gắn bó với cộng đồng, làm giảm thiểu nỗ lực khám phá các tiềm năng của chính bản thân, sống như "cái bóng" của người khác. Ðó là những tác hại cần phải được cảnh tỉnh và lường trước.

Học hỏi trong văn hóa không có nghĩa là hâm mộ, bắt chước một cách máy móc. Nguy cơ đánh mất bản sắc không bắt đầu từ những điều to tát, kỳ vĩ, mà bắt đầu từ việc rất nhỏ hằng ngày. Bởi thế, khi một bộ phận của thế hệ tương lai thích mặc quần áo giống "thần tượng" nước ngoài, ăn uống giống, hát hò bằng tiếng nước ngoài, chuộng nghệ thuật nước ngoài,... thì trách nhiệm trước hết thuộc về xã hội, nhà trường và sự quan tâm của bậc phụ huynh, đừng cho rằng "thần tượng" là việc riêng của con trẻ, đến khi việc bị đẩy lên quá đà mới quay ra trách móc con cái. Và để "giảm nhiệt hội chứng" đã đến lúc cả xã hội cần vào cuộc, không nên đứng ngoài quy kết. Vì quan tâm đến văn hóa, đến nhân cách là quan tâm đến tương lai. Ðừng để lỗ hổng nhỏ trong văn hóa hôm nay trở thành "hố tử thần" trong văn hóa tương lai!