Chú trọng đào tạo đội ngũ làm văn hóa, văn nghệ

Trong sự nghiệp phát triển văn hóa, việc sáng tạo tác phẩm có giá trị nội dung-nghệ thuật đáp ứng nhu cầu lành mạnh của công chúng luôn đặt ra một cách trực tiếp.

Khách tham quan khu trưng bày mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Khách tham quan khu trưng bày mỹ thuật đương đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Và để đáp ứng mục tiêu này công tác đào tạo lực lượng làm văn hóa, văn nghệ đang đứng trước những yêu cầu mới về đổi mới tư duy sáng tạo để phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ hiện tại và tương lai.

Xây dựng chiến lược phát triển trong hiện tại và tương lai, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, đề xuất, gợi mở hướng đi lớn trong hoạt động sáng tạo là một nhiệm vụ quan trọng của nền văn nghệ nước nhà. Và một trong những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này là nhìn nhận, đánh giá, ghi nhận và tôn vinh văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp, từ đó đưa ra những gợi mở nhằm phát huy, cải tiến, bổ sung, đổi mới.

Đó là công việc của công trình nghiên cứu tổng thể, bám sát từng lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, và việc thực hiện không thể thiếu vai trò của cơ quan chủ quản ngành văn hóa; cơ quan giáo dục, đào tạo về văn hóa, văn học, nghệ thuật; các viện nghiên cứu văn hóa, văn nghệ; cũng như các hội nghề nghiệp về văn học, nghệ thuật. Công trình này là cần thiết, cần làm trong thời điểm hiện tại, vì mục tiêu củng cố, nâng cao, và khích lệ văn nghệ sĩ-một đội ngũ đặc biệt, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, bồi đắp thẩm mỹ cho xã hội, hướng công chúng đến với các giá trị nhân văn.

Bên cạnh sự đề cao, trân trọng, cần chỉ ra các bất cập, hạn chế, trì trệ để từ đó có biện pháp điều chỉnh, thay đổi, giúp cho việc đào tạo ngày càng chất lượng hơn, góp phần hình thành một đội ngũ sáng tạo, thực hành đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, qua đó thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa, đồng thời tác động và nâng tầm đời sống tinh thần của công chúng một cách tích cực, hiệu quả.

Nói như vậy bởi thực tế cho thấy, không thể không đề cập một số điều đáng suy ngẫm về sự thiếu hụt, bất cập, và cả những dấu hiệu tiêu cực trong hoạt động sáng tạo và thực hành tác phẩm văn nghệ nói riêng, xây dựng đời sống văn hóa nói chung.

Dư luận, truyền thông, giới nghiên cứu, các chuyên gia đã không ít lần phản ánh, phê phán, góp ý với hiện tượng yếu kém, chất lượng hạn chế qua những sự kiện văn hóa, văn nghệ; qua hoạt động công bố, biểu diễn hoặc phát hành tác phẩm văn nghệ, sản phẩm văn hóa. Đó chính là hệ quả dù ít hay nhiều đều liên quan đến quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo, tự đào tạo của người làm văn hóa, văn nghệ.

Thí dụ, sự thiếu chính xác, thiếu chân thực, phóng tác thái quá trong trang phục diễn viên trên sân khấu, trong tác phẩm điện ảnh là vấn đề gây bức xúc dư luận đã được chỉ ra lâu nay. Rồi những hạn chế trong việc công bố hệ thống tư liệu, hình ảnh cần thiết về trang phục truyền thống dân tộc trong lịch sử; cũng như thiếu ý thức trong tìm tòi của người thiết kế, sáng tạo dẫn đến sự xuất hiện trên sàn diễn, màn ảnh các bộ trang phục sặc sỡ, lòe loẹt,

lộn xộn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Đáng ngại nữa là khi liên hệ đến hiệu quả xây dựng hình ảnh nhân vật trong nhiều tác phẩm có yếu tố diễn xuất, công chúng thường “gặp phải” một số mẫu hình quá quen thuộc đến mức nhàm chán, lặp đi lặp lại qua nhiều vở diễn, bộ phim khác nhau.

Thực trạng này phản ánh sự kém sáng tạo, đổi mới trong nghệ thuật diễn xuất của diễn viên; sự rập khuôn trong cách thể hiện, tạo hình nhân vật của đạo diễn, họa sĩ; và đương nhiên, có cả vai trò của tác giả kịch bản-người sáng tạo phần ngôn ngữ của tác phẩm, thường ít chú ý thay đổi, ít tìm tòi, xây dựng những nét riêng đặc sắc. Thí dụ khác nữa, liên quan biên tập viên các đơn vị xuất bản và việc xuất hiện nhiều tập thơ chất lượng không cao.

Hoặc hiện tượng có sản phẩm thơ “tầm tầm” nhưng được một số cây bút phê bình dành cho lời ngợi khen thái quá, tặng cho nhiều mỹ từ bóng bẩy. Điều này cũng cho thấy thái độ dễ dãi trong việc hành nghề văn bút, không chỉ ở khía cạnh tinh thần, mà còn có quan hệ nhất định đến chất lượng nghiệp vụ của biên tập viên cũng như năng lực thẩm định văn chương. Không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho người biên tập, phê bình, mà cần nhận rõ điểm xuất phát hạn chế của tác giả non yếu, sản phẩm chưa hay.

Có điều, dẫu biên tập viên không đồng nhất với người sáng tác hay phê bình, thì công việc của anh ta vẫn liên quan tới sự ra đời tác phẩm. Vì vậy, không thể không yêu cầu cao về vai trò, năng lực biên tập viên trong việc “nhuận sắc” giúp nâng cao tác phẩm; hoặc cần hạn chế sự ca ngợi thái quá nhằm lăng-xê tác phẩm.

Nếu từ hạn chế, bất cập như một vài thí dụ ở trên để cho rằng nguyên nhân chủ yếu là từ công tác đào tạo, hẳn sẽ có ý kiến. Không nên “đổ lỗi” tất cả cho công tác này. Vì ngoài lý thuyết, kỹ năng nghề nghiệp được trang bị trên giảng đường đại học, các trường cao đẳng, trung cấp nghệ thuật, cùng kinh nghiệm của giảng viên, giáo viên, nghệ sĩ lớp trước truyền lại, thì việc áp dụng vào thực tế sáng tạo như thế nào, phát huy ra sao, còn phụ thuộc vào nhận thức, năng lực của nghệ sĩ. Ở đây liên quan đến yếu tố đạo đức nữa.

Chú trọng đào tạo đội ngũ làm văn hóa, văn nghệ -0
Lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa cơ sở tỉnh Quảng Ninh năm 2019.

Như vậy, với trường hợp văn nghệ sĩ thiếu (kém) tài năng, hoặc trì trệ trong sáng tác, lười tư duy sáng tạo, èo uột hay thể hiện lệch lạc trong tác phẩm cũng đừng vội “trách” người thầy và nhà trường. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng, những gì được truyền thụ và cách thức truyền dạy, tiếp thu có ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng tầm trí tuệ, sự tích lũy tri thức, phẩm chất nghề nghiệp và nhân cách của người làm công tác văn hóa, văn nghệ.

Do đó trong chính sách và quy định liên quan đến việc đánh giá chất lượng nghệ sĩ, diễn viên khi ra trường, hoặc khi họ dự thi, dự tuyển vào đơn vị văn hóa, văn nghệ nào đó, thì sự nghiêm túc, nghiêm khắc trong đánh giá trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp càng phải được coi trọng.

Trong quan điểm, phương thức đào tạo, rèn luyện, làm việc của đội ngũ giảng viên, nghệ sĩ đi trước với các thế hệ sinh viên, học viên, nghệ sĩ trẻ, rất cần chú trọng yếu tố sáng tạo, mạnh dạn làm mới, làm khác, tinh thần cổ vũ những tìm tòi, phá cách, nỗ lực thể hiện nét độc đáo khác lạ. Một thí dụ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mới đây khai trương không gian trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại được mở rộng hơn, giới thiệu được nhiều hơn các tác phẩm đương đại đặc sắc mà Bảo tàng sưu tầm các năm qua.

Có không gian nghệ thuật rộng lớn, không gian bảo tồn, bảo tàng, trưng bày tác phẩm mỹ thuật đương đại là ước mơ, khát khao đã có từ lâu của nhiều nghệ sĩ. Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho những điều kiện như thế còn đi chậm hơn mong mỏi và thực hành sáng tạo, công bố tác phẩm của những lứa nghệ sĩ thế hệ mới. Nhìn rộng ra, nếu có không gian văn hóa dành cho tác phẩm mỹ thuật đương đại, thì cũng cần có không gian như vậy dành cho tác phẩm mang nhiều yếu tố đổi mới tích cực, sáng tạo nhiệt thành, mang hiệu quả thẩm mỹ cao, thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác.

Cần tích hợp chức năng đào tạo và kết nối các không gian này với hệ thống các cơ sở đào tạo về văn hóa, văn nghệ trên cả nước, theo từng loại hình cụ thể. Điều đó sẽ tạo dựng nên những mô hình lớp học mới giữa môi trường đào tạo rộng mở, mới mẻ, gợi mở cho văn nghệ sĩ tương lai.

Trước đòi hỏi ngày càng cao của công chúng về sự bổ sung, phát triển, nâng cao “món ăn tinh thần” của xã hội, việc đào tạo nghề nghiệp thời kỳ đầu cho nghệ sĩ trẻ luôn có nhiều thách thức. Thêm vào đó, thực tế cũng yêu cầu cao hơn về việc tiếp tục đào tạo, bồi bổ trong quá trình thực hành nghề nghiệp sau này. Nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật cũng như đơn vị đào tạo cần xác định đây là công việc thường xuyên, không ngừng nghỉ với mục tiêu “học tập suốt đời”.

Trong những trường hợp liên quan đến đào tạo lại, đào tạo nâng cao, rất cần chú trọng xây dựng các chương trình phù hợp với điều kiện công tác, hoàn cảnh sinh sống của văn nghệ sĩ. Bởi chế độ làm việc, yêu cầu phục vụ cho các cơ quan, đơn vị văn hóa, văn nghệ sẽ khó đáp ứng việc theo đuổi các chương trình đào tạo dài hơi, nhiều năm, vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng hình thức, đối phó, khó bảo đảm được cả yêu cầu công tác lẫn hiệu quả học tập, rèn luyện.

Đó dường như đang là một bất cập không dễ điều hòa, cân đối trong thực tế hiện nay, khi mà không ít nghệ sĩ tích cực dành thời gian, công sức vào các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nghệ sĩ biểu diễn dành thời gian học tập để được thỏa mãn đam mê và năng lực trong nghề đạo diễn, biên đạo…

Vì thế, rất cần nghiên cứu, xây dựng hình thức đào tạo phù hợp, với hệ thống nội dung, phương pháp, thời gian đáp ứng hiệu quả; đặc biệt là có cơ chế giám sát, thẩm định nhằm bảo đảm chất lượng của việc “học thật”, “ra nghề thật”. Định hướng, bảo vệ được sự nghiêm túc của các mô hình, hình thức này, cũng chính là để khắc phục hiện tượng danh xưng của nghệ sĩ gắn khá nhiều “mác” về nghề nghiệp, về chuyên môn, học thuật nhưng đóng góp trên thực tế lại chưa tương xứng với danh xưng.

Mỗi lĩnh vực văn hóa, văn nghệ luôn phát triển trên bình diện rộng, nên việc đào tạo, bồi dưỡng cần cả một hành trình dài lâu, có tính chuyên môn, chuyên sâu cũng như rất đề cao yếu tố tài năng, đồng thời không thể không có đòi hỏi cao về tài năng, khổ luyện. Và dù sự nghiệp đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ tương lai vốn đã trở thành truyền thống lâu năm tại nhiều đơn vị đào tạo văn hóa, văn nghệ trên khắp cả nước thì việc tích cực thay đổi, bổ sung những gì còn chậm đổi mới, còn thiếu hụt là rất cần thiết, nhằm đáp ứng một đời sống văn hóa, văn nghệ ngày càng đa dạng, phong phú, ngày càng đòi hỏi cao hơn về thẩm mỹ của công chúng và xã hội.

Chưa kể, để thực hiện tốt yêu cầu này trong quá trình sáng tạo, văn nghệ sĩ cũng rất cần ý thức và quan tâm đến sự phát triển về khả năng nhận thức, vốn liếng thẩm mỹ, tư tưởng, tình cảm của công chúng qua quá trình tiếp nhận, giao lưu, hội nhập văn hóa với khu vực, thế giới.

NGUYỄN QUANG HƯNG