Chống rửa tiền để ngăn chặn tham nhũng

Rửa tiền là một loại tội phạm đặc biệt, "dung dưỡng, cộng sinh" với tội phạm tham nhũng và các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa dưới nhiều hình thức đa dạng và tinh vi. Hành vi phạm tội này gây thiệt hại, làm mất ổn định, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc gia... do đó cần kiên quyết ngăn chặn và từng bước loại bỏ.

Trên thực tế, tham ô và tham nhũng thường được biểu hiện qua hành vi nhận tiền hối lộ, quà tặng có giá trị; đồng thời thông qua các thủ đoạn như mua bất động sản, tài sản, chuyển cho người thân, đầu tư kinh doanh, lập doanh nghiệp, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp hoặc chuyển trái phép ra nước ngoài… để biến đổi các khoản thu nhập nguồn gốc phi pháp thành "tiền sạch". Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hằng năm trên toàn thế giới đã mất khoảng 1.000 tỷ USD thông qua các hoạt động hối lộ, tham nhũng; đồng thời hàng nghìn tỷ USD có nguồn gốc phi pháp được "rửa" qua nhiều kênh. Riêng ở Anh đã có tới hàng trăm tỷ USD được giới tội phạm quốc tế chuyển vào để tẩy rửa thành tiền sạch và tiêu xài. Chống rửa tiền trở thành mặt trận nóng bỏng, đòi hỏi sự vào cuộc của mọi quốc gia nhằm chống tội phạm tham nhũng trên phạm vi toàn cầu. Năm 2017, Hy Lạp đã phá thành công một đường dây rửa tiền trị giá tới bốn tỷ USD bằng Bitcoin.

Tại Anh, một đạo luật mới về "Thủ tục Tài sản không giải thích" vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 31-1-2018 cho phép giới chức tạm giữ các tài sản nghi ngờ kể cả của người nước ngoài mang vào Anh cho đến khi có giải trình hợp lý. Với sự hỗ trợ của WB, FATF (Financial Aciton Task Force on Money Laundering - Ðội đặc nhiệm chống rửa tiền quốc tế, có trụ sở tại Pa-ri - Pháp, thường thực hiện các báo cáo đánh giá năng lực của các quốc gia trong việc ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống rửa tiền), năm 2018 sẽ thực hiện báo cáo đánh giá quốc gia về công tác chống rửa tiền tại Việt Nam.

Theo bà Len-xi Leng-xtơn (Lancy Langston), cựu công tố viên và chuyên viên của Bộ Tư pháp Mỹ trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền, thu hồi và quản lý tài sản thất thoát đã cho biết: quốc gia nào bị coi là không đáp ứng được các cam kết về phòng, chống rửa tiền thì sẽ bị liệt vào "danh sách đen" của FATF và sẽ bị FATF gửi thông báo, khuyến cáo cho các thể chế tài chính, các ngân hàng đầu tư trên toàn thế giới để các tổ chức này chặt chẽ hơn hoặc có thể từ chối các giao dịch về tài chính liên quan, làm ảnh hưởng tới hình ảnh và sự phát triển của kinh tế - tài chính tới quốc gia đó.

Tăng năng lực chống rửa tiền, nhất là tiền có nguồn gốc tham ô, tham nhũng là biện pháp không thể tách rời với nỗ lực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, của Ðảng, Nhà nước ta nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Ðảng và bộ máy quản lý nhà nước. Từ tháng 5-2007, Việt Nam đã trở thành thành viên của APG (nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền), đồng thời cam kết thực thi đầy đủ 40 khuyến nghị về chống rửa tiền và 9 khuyến nghị về chống tài trợ khủng bố của FATF.

Năm 2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền theo Quyết định số 470/QÐ-TTg ngày 13-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020 nhằm xây dựng một cơ chế có hiệu quả ở Việt Nam để phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong nhóm APG. Từ ngày 1-8-2014, Cơ quan Giám sát Ngân hàng (Banking Supervision Agency - BSA) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phân công nhiệm vụ giám sát hệ thống ngân hàng cũng như giám sát tất cả các đơn vị kiểm toán được yêu cầu báo cáo về các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ phận này cũng sẽ chịu trách nhiệm đào tạo các ngân hàng về công tác phát hiện và báo cáo những vụ tham nhũng.

Tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng cũng được nhận diện và truy tố, xét xử theo Bộ luật Hình sự. Theo khoản 1, Ðiều 324 về "Tội rửa tiền" Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018), người bị cáo buộc tội rửa tiền khi có một trong các hành vi sau: "a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có".

Thực tế cho thấy, công tác chống rửa tiền nguồn gốc tham nhũng rất phức tạp, khó khăn về chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng số giao dịch "đáng ngờ" trong năm 2012 là 51.000 tin (trong đó, NHNN đã chuyển sang Bộ Công an 160 vụ) với tổng số tiền giao dịch khả nghi hơn 50.900 tỷ đồng. Còn theo C46 (Bộ Công an), trong năm 2013, Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN đã chuyển cho Cơ quan điều tra 23 vụ việc liên quan 201 báo cáo giao dịch đáng ngờ; năm 2014 là 59 vụ việc và 242 báo cáo; năm 2015 là 105 vụ.

Từ năm 2013 đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố hàng nghìn vụ án thuộc 73 tội danh "tiền thân" của tội rửa tiền theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tổ chức tháng 2-2017, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Giang Văn Hiển 12 năm tù với tội "Rửa tiền" do đã mở 22 tài khoản ngoại tệ nhận và rút tiền "hoa hồng" giúp con trai là Giang Kim Ðạt (nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Vinashinlines) tham ô số tiền hơn 259,5 tỷ đồng, và dùng số tiền đó mua 40 bất động sản trong nước và nước ngoài, mua đi bán lại 13 xe ô-tô đứng tên mình hoặc người thân trong gia đình… Với việc đưa vụ án rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng ra xét xử nghiêm minh, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm chống tham nhũng bằng tất cả những giải pháp đồng bộ và công cụ cần thiết, trong đó có chống rửa tiền.

Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản có nguồn gốc tham nhũng còn nhiều hạn chế: trong 3 năm (2010 - 2013), tổng giá trị tài sản tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra trên cả nước là 17.000 tỷ đồng, song giá trị thu hồi chỉ được 5.000 tỷ đồng, đạt khoảng 29,4%. Năm 2014, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra của cả nước là 6.740 tỷ đồng, giá trị thu hồi là 1.500 tỷ đồng, đạt mức 22,3%. Ðiều này cho thấy chống rửa tiền đang và sẽ trở thành công cụ quan trọng để chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tuy nhiên, các biện pháp chống rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng phải thực hiện đồng bộ, nghiêm minh. Ðặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thuế, thanh toán qua ngân hàng, hệ thống kê khai tài sản toàn diện và phải được giám sát chặt chẽ; bổ sung những quy định mới về nhận quà biếu có giá trị lớn; về nghĩa vụ chứng minh, quyền và căn cứ xác minh tài sản, thu nhập và xử lý tài sản không minh bạch, không rõ nguồn gốc; và tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; phát triển tình báo, thanh tra tài chính trong việc xác định, phong tỏa và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có...

Chống rửa tiền có nguồn gốc tham ô và tham nhũng là một biện pháp quan trọng để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và tăng thu hồi tài sản tham nhũng; đồng thời, là hành động cụ thể hóa cam kết của Việt Nam về cuộc chiến chống rửa tiền quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Vì vậy, đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền là góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả toàn diện của cuộc phòng, chống tham ô và tham nhũng ở Việt Nam.