Bình luận - Phê Phán

Chỉ phơi bày thêm sự dối gạt (*)

Bộ phim Terror in Little Sai Gon (Khủng bố ở Tiểu Sài Gòn) được công bố trên chương trình FrontLine ngày 3-11-2015 đã gây chấn động trong cộng đồng người Việt trên thế giới, nhất là ở Mỹ và đặt tổ chức khủng bố “Việt tân” trước sự thật không thể chối cãi. Bài viết của tác giả Dốc Thượng - một người Mỹ gốc Việt, vừa là một góc nhìn về sự kiện, vừa là một ý kiến giúp bạn đọc tìm hiểu bản chất vấn đề.

Để thực hiện bộ phim Khủng bố ở Tiểu Sài Gòn, nhóm phóng viên ProPublica đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức để phỏng vấn từ gia đình nạn nhân, nhân chứng, đến giới an ninh dính líu đến việc điều tra các vụ án này, ký giả từng viết về đề tài này, đặc biệt là những người trong “mặt trận Hoàng Cơ Minh” được cho là nghi phạm. “Mặt trận Hoàng Cơ Minh” (tên gọi tắt của “Mặt trận thống nhất giải phóng Việt Nam”) thành lập vào thập niên 1980 tại Mỹ nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền Việt Nam. Mặc dù không tìm được bằng chứng thuyết phục rốt ráo và chung cuộc cho những cáo buộc liên quan tới “mặt trận Hoàng Cơ Minh”, thì cuốn phim đã công bố nhiều chi tiết mới liên quan đến cộng đồng người Việt.

Về dư luận và phản ứng của báo chí, trên bề mặt có thể ghi nhận qua những cuộc họp báo, và phản ứng mà phần lớn mang tinh thần chống cộng là cáo buộc cuốn phim bôi nhọ, xỉ nhục cộng đồng “người Việt quốc gia”. Nhiều người trong số họ đòi phải cải chính, xin lỗi, thậm chí đưa ra ý tưởng pháp lý kiện tụng. Thành phần bênh vực cuốn phim chưa thấy ai lên tiếng một cách công khai, có lẽ vì thiếu kênh truyền thông sẵn sàng đăng tải ý kiến khác biệt, trái chiều; đồng thời, không muốn biến mình thành điểm ngắm của giới báo chí chống cộng cũng khiến họ chọn thái độ quan sát và im lặng. Có thể nói, thái độ phản ứng của hầu hết làng truyền thông Việt ngữ tại Mỹ đáng bị phê phán vì không thể hiện tinh thần báo chí, mà thay vào đó lại thể hiện tinh thần chủ quan chính trị… Với nhóm phóng viên ProPublica, đáng lẽ báo chí Việt ngữ tại Mỹ phải có thái độ ủng hộ nỗ lực đó, vì đã đào xới lên được các chi tiết mới làm sáng rõ sự thật mà chỉ với phương tiện tài chính của một cơ quan truyền thông Mỹ mới có thể làm. Nếu chi tiết nào trong cuốn phim bị cho là không khách quan, trung thực thì nên chất vấn, trao đổi để tìm hiểu sự thật, thay vì cáo buộc, suy diễn chủ quan, chụp mũ có tính ác ý là bôi nhọ cộng đồng Việt Nam, hay “Việt tân”. Đáng ngạc nhiên hơn, là báo chí có vẻ dửng dưng, không quan tâm đến việc tìm hiểu cho ra lẽ các nguyên nhân gây ra cái chết cho đồng nghiệp của mình. Tại sao những nhà báo đang nói về vấn đề này không tự hỏi nếu bị ám sát họ có mong muốn tìm ra thủ phạm hay không? Có lẽ câu trả lời là họ không muốn làm điều gì phật lòng các thế lực chính trị đầy đe dọa trong cộng đồng, nên việc ám sát chỉ xảy ra với những nhà báo “hay moi móc sự thật” mà thôi.

Thiên phóng sự điều tra Terror in Little Sai Gon lần theo manh mối, đi đến nghi vấn có phải “mặt trận Hoàng Cơ Minh” đã có một toán ám sát mang mật danh K9, họ là thủ phạm ám sát những nhà báo phê bình trí thức như: Đạm Phong, Lê Triết hay những nhà báo có khuynh hướng thân Việt Nam như Dương Trọng Lâm? Chứng cứ mới do A.C Thompson (Thom-xơn), R. Rowley (Rao-li) đào xới được gồm các thông tin mới được giải mật của chính quyền, trong đó cho thấy các thám tử FBI điều tra vụ án từng nghi ngờ “mặt trận” đứng sau những vụ ám sát. Họ dùng thủ thuật truy tố về thuế vụ với những nhân vật nòng cốt của “mặt trận” để mong tìm ra manh mối, nhưng cuối cùng dường như có sự can thiệp, bao che nào đó từ thượng tầng chính trị đã để vụ truy tố quá hạn và chìm xuồng. Những hồ sơ giải mật nhiều chỗ cũng bị xóa trắng. Đặc biệt, trong cuộc phỏng vấn một nhân vật lãnh đạo cao cấp của “mặt trận” là kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, các phóng viên Thompson và Rowley tiết lộ ông Nghĩa có tham dự các cuộc họp liên quan đến các vụ ám sát. Cụ thể hơn, ông Nghĩa cho biết, ông có can ngăn dự định ám sát nhà báo Đỗ Ngọc Yến - Chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt. Hiện tại, ông Nghĩa phủ nhận đã nói điều đó, nhưng các phóng viên khẳng định ông có nói, dù lúc đó máy quay phim dừng quay. Nếu có tiết lộ của ông Nghĩa, thì đây là nhân chứng quan trọng, có thể làm cho FBI mở lại cuộc điều tra các vụ ám sát, mang lại hậu quả khó lường với những nhân sự từng tham gia “mặt trận”. “Việt tân” là hậu thân của “mặt trận Hoàng Cơ Minh”, được lãnh đạo bởi các hậu duệ, thế hệ thứ hai của gia đình họ Hoàng Cơ như Đỗ Hoàng Điềm - chủ tịch “Việt tân”, là con bà chị của Hoàng Cơ Minh; Hoàng Tứ Duy - phát ngôn viên của “Việt tân”, là con Hoàng Cơ Định, em Hoàng Cơ Minh. Trước tình thế cuốn phim tạo ra nghi vấn về tội ác liên quan “mặt trận Hoàng Cơ Minh”, “Việt tân” đã nhanh chóng đưa ra phản ứng theo ba hướng. Thứ nhất, phủ nhận tính vũ trang trong nỗ lực lật đổ nhà cầm quyền Việt Nam của “mặt trận Hoàng Cơ Minh”; thứ hai, khẳng định không có đội ám sát K9; và thứ ba, lôi kéo cộng đồng về phe mình dưới chiêu bài cuốn phim làm xấu thanh danh cộng đồng người Việt trước xã hội Mỹ. Về điểm thứ nhất, việc phủ nhận tính chất đấu tranh vũ trang của “mặt trận Hoàng Cơ Minh” là quan điểm hoàn toàn mới của “Việt tân”, có lẽ xuất phát từ sự lo lắng vì đã vi phạm luật pháp của nước Mỹ, khi công dân liên quan nỗ lực lật đổ Chính phủ nước ngoài bằng vũ lực. Nhưng ai cũng biết “mặt trận Hoàng Cơ Minh” đã về Đông Dương lập chiến khu, lập quân đội với những người đã được “phong tướng” như Đặng Quốc Hiền, Dương Văn Tư, với các “chiến dịch Đông Tiến 1, 2, 3”. Tờ báo chính thức của “mặt trận” tên là “Kháng chiến” với các nội dung khuyến khích chiến đấu vũ trang, thành viên gọi nhau là chiến hữu, mặc quần áo bà ba đen, quàng khăn rằn, mang súng, hoàn toàn không có dấu hiệu của hình thức chủ trương đấu tranh bất bạo động... Nên việc phủ nhận tính vũ trang của “mặt trận Hoàng Cơ Minh” do chính các lãnh đạo của “Việt tân” nói ra trên các diễn đàn báo chí công khai thể hiện rõ sự không tôn trọng sự thật, coi thường dư luận, thiếu tôn trọng người Việt hải ngoại. Điều này cho thấy vì sự an nguy của bản thân, “Việt tân” sẵn sàng hy sinh uy tín, tuyên bố những điều ai cũng biết là không thật. Đó không phải là tính cách nên có của một tổ chức tự xưng là đảng chính trị nhân danh công chúng để đấu tranh cho những giá trị cao đẹp như: tự do, dân chủ và nhân quyền! Về điểm thứ hai, “Việt tân” khẳng định một cách quả quyết rằng K9 chỉ là một phân khu, không phải một bộ phận ám sát. Tính quả quyết trong câu trả lời cho thấy “Việt tân” xác định mình hiểu biết tất cả mọi sự xảy ra và sẵn sàng có trách nhiệm trong hậu quả của những cuộc điều tra về những vụ ám sát. Đây có thể là một thất sách lớn, “Việt tân” đã tách rời khỏi “mặt trận” với các đường hướng chính trị mới và được lãnh đạo bởi một thế hệ trẻ, lớn lên, ăn học ở Mỹ. Lẽ ra đó là cơ hội tốt nhất để họ phủ nhận gánh nặng trách nhiệm của thế hệ cũ, nhưng thay vào đó họ lại tự ôm vào. Đây là một sai lầm chính trị, họ đã không dám rũ bỏ di sản muốn chối từ của quá khứ để đi tới. Về điểm thứ ba, vận động cộng đồng phản đối đài PBS và ProPublica với danh nghĩa cuốn phim đã bôi xấu cộng đồng với nước Mỹ, với các lý luận rằng đoàn làm phim bao gồm những người được cho là thân cộng trong quá khứ. Đây là một thủ thuật chụp mũ thường thấy trong cộng đồng hải ngoại tại Mỹ trong bao nhiêu năm qua để bịt miệng báo chí và loại bỏ những quan điểm khác biệt và đó cũng chính là nguyên nhân gây ra cái chết oan nghiệt của các nhà báo. Xúi giục cộng đồng người Việt để làm bình phong tấn công đài PBS và ProPublica là để đánh lạc hướng mục tiêu dư luận đang chú ý vào là “mặt trận Hoàng Cơ Minh”. Động cơ này thể hiện rõ qua các cuộc họp báo của “Việt tân” nhắm vào cộng đồng người Việt mà không nhắm vào cộng đồng người Mỹ. Nếu cuốn phim làm xấu thanh danh của cộng đồng người Việt trong cái nhìn của người dân nước Mỹ, thì mục tiêu cần được giải "độc" là cộng đồng người Mỹ nói chung chứ không phải cộng đồng người Việt.

Tóm lại, phản ứng của “Việt tân” với cuốn phim tạo ra nhiều nghi vấn hơn là trả lời. Những điều gọi là trả lời chỉ phơi bày sự tiếp tục dối gạt. Các phản ứng này cho thấy trong cơn khủng hoảng, “Việt tân” sẵn sàng bán mình để chạy tội, sẵn sàng dẫn dắt cộng đồng vào ngõ cụt để thoát thân. Một “đảng” nhân danh đấu tranh cho các giá trị cao đẹp như tự do, dân chủ và nhân quyền đã không có đủ bản lĩnh để tạo nên những giá trị ấy. Niềm tin nếu còn sót lại đối với thế hệ lãnh đạo trẻ của “Việt tân” qua sự kiện này chắc cũng sẽ chẳng còn lại bao nhiêu!

(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân.