Cần một chiến lược cho nông sản trong nước

Hàng loạt chiến dịch "giải cứu" một số loại nông sản diễn ra trong thời gian gần đây là kịp thời, có ý nghĩa nhất định, nhưng từ đó cũng đặt ra một vấn đề cần hết sức quan tâm là về lâu dài, nền nông nghiệp nước ta nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng, cần phải có một chiến lược phát triển bài bản.

Câu chuyện giá thịt lợn xuống thấp trong thời gian qua đã trở thành chủ đề được quan tâm trên nhiều diễn đàn, vì đằng sau đó nhiều hộ chăn nuôi đang đứng trước bờ vực phá sản. Có người so sánh trong nỗi ngậm ngùi rằng giá một kg thịt nay chỉ tương đương với bốn cốc trà đá vỉa hè! Ở nhiều địa phương có quy mô chăn nuôi lớn, người nông dân chỉ dám cho lợn ăn một bữa/ngày. Ðối với người chăn nuôi, đàn lợn là tài sản lớn. Tuy nhiên, có một nghịch lý là tại các cơ sở chăn nuôi giá lợn hơi giảm chỉ còn 16.000 đồng/kg, nếu giết mổ bán cho tiểu thương và hộ kinh doanh thì giá là 36.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán tại chợ truyền thống khoảng 80.000 đồng/kg, giá tại siêu thị còn cao hơn nữa. Tình trạng này cho thấy khâu trung gian từ thu mua đến kinh doanh đã chiếm hơn một nửa lợi nhuận (khoảng 40.000 đến 60.000 đồng/kg), người nuôi lại đang lỗ khoảng 7.000 đến 15.000 đồng/kg lợn hơi. Qua đó có thể thấy thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đối với người chăn nuôi, kèm theo đó là các lợi ích của người sản xuất chuỗi sản phẩm đi kèm gồm: thức ăn, phụ phẩm, thực phẩm hàng hóa chế biến từ thịt lợn,... cũng sẽ bị tác động mạnh. Sẽ có nhiều cơ sở, hộ gia đình không thể phục hồi chăn nuôi lợn trong thời gian tới do vỡ nợ, hoặc do không muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, làm ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường. Lúc đó giá thịt chắc chắn sẽ tăng cao và rất có thể chúng ta lại phải nhập khẩu thịt lợn!

Nguyên nhân dẫn đến việc thịt lợn bị mất giá thê thảm thời gian qua là do các thị trường lớn ngoài nước, trong đó hầu hết là những thị trường dễ tính, đột ngột ngừng thu mua mặt hàng này. Lợi dụng sự bất ổn của thị trường cũng như thói quen thiếu chuyên nghiệp của người dân, các thương lái đã liên kết để thao túng thị trường, ép giá, ăn chênh lệch lớn. Rất ít đơn vị chăn nuôi có thể tự bảo đảm được đầu ra, số cơ sở còn lại chỉ trông chờ vào thương lái. Ðiều này cho thấy việc phân phối lợi ích trong chuỗi giá trị đang mất kiểm soát, hệ quả là người sản xuất phải chịu thiệt thòi nhất.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù nhiều doanh nghiệp rất mong muốn tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng họ cũng gặp vướng mắc về vốn và cơ sở kỹ thuật. Một số doanh nghiệp có tâm lý không muốn hợp tác lâu dài với nông dân, vì lo người dân không tuân thủ hợp đồng kinh doanh, không bảo đảm chất lượng sản phẩm như đã cam kết, hoặc cho dù đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng hộ chăn nuôi vẫn sẵn sàng bán sản phẩm cho thương lái khác trả giá cao hơn... "Thương vụ lá điều" xảy ra cách đây ít năm là một bài học đau xót cho vấn đề này: thương lái dùng thủ đoạn mua lá điều làm ảnh hưởng đến sản lượng hạt cũng như nguồn cung hạt điều cho các doanh nghiệp. Hậu quả là dù ký hợp đồng nhưng do nông dân phá vỡ hợp đồng khiến các doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phá sản, rồi các năm sau người dân lại phải đối mặt với cảnh bị thương lái ép giá dù trúng mùa điều. Nếu không kể đến những chiêu trò trong kinh doanh do thương lái dựng lên thì điệp khúc "được mùa mất giá" dường như đã trở thành quen thuộc trong việc tiêu thụ nông sản. Nguyên nhân sâu xa là bởi nền nông nghiệp nước ta thiếu sự định hướng và chiến lược đồng bộ, chặt chẽ từ các cấp ngành, các địa phương. Việc nuôi trồng của nông dân phần nhiều vẫn mang tính tự phát. Họ thật sự cần các tổ chức, doanh nghiệp định hướng sản xuất và bảo đảm bao tiêu sản phẩm lâu dài. Và câu chuyện mang tính thời sự của thịt lợn tiếp tục làm lộ rõ rất nhiều nhược điểm của hệ thống quy hoạch, quản lý chăn nuôi. Người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp đang thụ động giữa những bất lợi từ thị trường. Sự lấn sân của các trang trại có vốn nước ngoài, giàu sức cạnh tranh đẩy chúng ta đến nguy cơ mất quyền làm chủ sản xuất, thí dụ như ở khu vực Ðông Nam Bộ, có rất nhiều chuồng trại lợn được xây dựng quy mô lớn có vốn đầu tư nước ngoài... Năm 2016 nước ta có hơn 29 triệu con lợn, trong đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng lên đến 3,7 triệu tấn. Quy mô đàn lợn nước ta đứng thứ tư thế giới và thứ ba khu vực châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Ðộ và In-đô-nê-xi-a. Ðiều này cho thấy chăn nuôi lợn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng vẫn chưa có chiến lược phát triển lâu dài. Thiếu quản lý quy hoạch và đầu tư đồng bộ đã ảnh hưởng trực tiếp chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Thịt lợn trong nước không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng và ổn định như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ,... do gặp khó khăn ở các quy định về an toàn thú y. Ðơn cử là tại một triển lãm chăn nuôi, phía Nga đã cử một phái đoàn đến Việt Nam để tìm nguồn cung cấp thịt lợn. Kết quả là đoàn phải chuyển sang Thái-lan, vì các trại chăn nuôi của Việt Nam không đạt chuẩn an toàn, khiến ngành chăn nuôi mất cơ hội. Ðáng buồn là không chỉ riêng thịt lợn, mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra vì những lý do tương tự.

Trước tình trạng giá thịt lợn xuống thấp, lãnh đạo Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, ký hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, đầu ra hợp lý. Với khả năng thu mua, xử lý được số lượng lớn bằng quy trình công nghiệp, các doanh nghiệp được trông chờ nhiều nhất, vì có khả năng quyết định thị trường sớm bình ổn trở lại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kịp thời có văn bản đề nghị các công ty thức ăn chăn nuôi rà soát toàn bộ các khâu sản xuất, điều chỉnh giá bán để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn trước mắt; các cơ sở sản xuất, chế biến phát huy hết công suất giết mổ, trữ đông, chế biến; tăng thêm "đầu ra" cho thịt lợn; quản lý chặt các khâu trung gian, kiểm tra rà soát, có biện pháp can thiệp kịp thời để ngăn chặn các hành vi thu gom lương thực, thực phẩm để xuất khẩu, làm phát sinh nguy cơ gây mất cân đối cung - cầu ở thị trường trong nước, sau đó bình ổn thị trường. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đàm phán với phía Trung Quốc khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch thịt lợn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước khác. Các bước đi nêu trên từ phía cơ quan chức năng nếu được thực hiện tốt sẽ giúp ổn định đầu ra cho nông sản trong nước.

Để ứng cứu ngành chăn nuôi, bên cạnh những giải pháp tình thế nhằm ổn định thị trường, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển ổn định, đặc biệt là phải giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hệ thống ngân hàng cần vào cuộc thông qua chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện giúp các hộ chăn nuôi đủ điều kiện vay vốn ổn định sản xuất, đồng thời có các ưu đãi và tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp thu mua thịt lợn. Ðến nay, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như: Quyết định số 50/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, Nghị định số 55/2015/NÐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,... nhưng sau nhiều năm vận hành cần được kiểm tra, khảo sát, rút kinh nghiệm và đổi mới để chính sách sát hợp thực tế hơn nữa. Bên cạnh đó, phải nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân thì các chính sách mới phát huy hiệu quả. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng như toàn xã hội, cần thiết lập hành lang pháp lý an toàn, chặt chẽ, có chế tài xử phạt nghiêm minh các cơ sở, hộ chăn nuôi vi phạm các quy định pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong sản xuất, để lấy lại lòng tin từ người tiêu dùng.

Không chỉ thịt lợn mà cả ngành chăn nuôi, rộng hơn là nền nông nghiệp đang tồn tại nhiều vướng mắc, cần sớm được khắc phục. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người dân mới giúp hạn chế tác động tiêu cực từ thị trường, và loại bỏ các khâu trung gian bất hợp lý,... góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững.