Bảo đảm quyền trẻ em trong đại dịch

Thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trẻ em đã và đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực về sức khỏe, tâm sinh lý, điều kiện sinh hoạt, học tập, thậm chí mất người thân do dịch Covid-19. Nhằm bảo đảm các quyền của trẻ em trong điều kiện dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội đã kịp thời triển khai nhiều chính sách, chương trình ý nghĩa dành cho nhóm đối tượng đặc biệt này.

Học sinh lớp 1 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Học sinh lớp 1 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu với một cách thức chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục. Tại hàng loạt tỉnh, thành phố, lễ khai giảng diễn ra theo hình thức trực tuyến. Những tiết học đầu tiên diễn ra trên màn hình máy tính, điện thoại hoặc ti-vi. Dù đã được làm quen và thực hành từ năm 2020 khi đại dịch bắt đầu xảy ra, nhưng trong năm học mới, việc học trực tuyến của thầy và trò vẫn gặp nhiều vướng mắc bởi số lượng học sinh quá lớn (ước tính có khoảng 7.350.000 học sinh thuộc 26/63 tỉnh, thành phố đang học online), điều kiện học tập, sinh hoạt cũng khác nhau.

Do nhiều địa phương vẫn thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16 nên nhiều học sinh vẫn thiếu sách giáo khoa, trang thiết bị học tập. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ước tính hiện có khoảng 1,5 triệu học sinh ở 26 địa phương không có thiết bị học trực tuyến, nhiều em chưa chuẩn bị được sách vở. Tuy nhiên, năm học mới vẫn cần phải diễn ra, bởi nếu việc học tập bị gián đoạn quá lâu sẽ khiến quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, nhất là ở bậc tiểu học kém hiệu quả. 

Để bảo đảm quyền học tập của trẻ em, nhiều giải pháp hỗ trợ đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai kịp thời. Ngày 12/9/2021, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình là cụ thể hóa việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên nguồn lực trong xã hội, kịp thời hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số. 

Trước đó, khi năm học mới sắp diễn ra, bưu điện tại nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức dịch vụ phát sách giáo khoa, đồ dùng, trang thiết bị học tập tại nhà cho học sinh. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam linh hoạt cho phép giáo viên, học sinh, phụ huynh tiếp cận sách giáo khoa trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 12, và một số sách bổ trợ, sách giáo viên các lớp 1, 2, 6 theo chương trình mới, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong việc vận chuyển sách giáo khoa tới học sinh trong bối cảnh các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố, cũng như trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc đã chủ động miễn, giảm học phí, thành lập quỹ hỗ trợ,… như một cách để san sẻ khó khăn với các học sinh, sinh viên và gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền, bộ, ngành, địa phương cũng như các tổ chức xã hội đã góp phần  giảm bớt những khó khăn giúp các học sinh và nhà trường thuận lợi hơn khi bước vào năm học mới. 

Cùng với việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, khắc phục các trở ngại, vướng mắc mà trẻ em gặp phải do đại dịch cũng đang được nhiều cơ quan, ban, ngành chung tay giải quyết. Thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 nhiều trẻ em đã và đang lâm vào cảnh sống  khó khăn chịu những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tinh thần.

Thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB & XH) cho biết, tính đến đầu tháng 9, cả nước có 11.822 trẻ em là F0, 27.334 trẻ em là F1. Đáng chú ý là số trẻ em mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19 vẫn đang tăng lên. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 14/9 đã có khoảng 1.500 học sinh mồ côi, trong đó hơn 490 em là học sinh tiểu học, 580 em là học sinh THCS; số học sinh bị nhiễm Covid-19 là 10.073 em, trong đó nhiều nhất ở bậc tiểu học và THCS. Đây là chấn thương rất lớn về sức khỏe, tinh thần đối với trẻ nhỏ. Đặc biệt, đối với các gia đình có người bệnh tử vong, sẽ có những khó khăn mà nhiều trẻ em gặp phải trong thời gian tới do thiếu hụt sự chăm sóc của người thân.

Chưa kể, tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hàng triệu trẻ em ở trong nhà suốt một thời gian dài, điều kiện sinh hoạt và học tập bị hạn chế khiến nhiều em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, bị sang chấn tâm lý. Nếu không được quan tâm, điều trị kịp thời, nhiều nguy cơ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển sau này của các em.

Nhận thức đây là một vấn đề quan trọng, có tính cấp bách, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, triển khai kịp thời. Cụ thể trước những diễn biến phức tạp của làn sóng dịch lần thứ tư, ngày 22/5/2021, Cục Trẻ em (Bộ LĐ - TB & XH) đã có công văn khẩn đề nghị sở LĐ - TB & XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn cấp phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung.

Trên cơ sở đó, sử dụng ngân sách, các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời; triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh; đặc biệt quan tâm phòng, chống nguy cơ xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng ngừa sang chấn và hỗ trợ ổn định tâm lý cho trẻ em.

Cùng với đó, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng được tăng cường về nhân lực, vật lực để kịp thời tập huấn, hướng dẫn, tư vấn các vấn đề cấp bách liên quan đến trẻ em như: bảo đảm an toàn cho trẻ; phát hiện sớm và xử lý những vấn đề về sức khỏe tinh thần của trẻ khi mắc bệnh, phải đi cách ly hoặc ở nhà thực hiện giãn cách xã hội...

Bộ LĐ - TB & XH cũng đã có Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, đề nghị sử dụng nguồn lực của địa phương, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ kinh phí, đồ dùng thiết yếu và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em...  

Đồng thời để kịp thời hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn bởi Covid-19, Bộ LĐ - TB & XH quyết định thực hiện mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày/cháu trong 21 ngày áp dụng từ 27/4 đến 31/12/2021 đối với trẻ em từ 0 đến 16 tuổi bị nhiễm Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung; hỗ trợ một triệu đồng/cháu đối với trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021; hỗ trợ hai triệu đồng/cháu đối với trẻ bị mồ côi cha mẹ; trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021. 

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng chung sức, đồng lòng, thực hiện nhiều chương trình, việc làm ý nghĩa để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, góp phần bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em trong đại dịch thông qua các hình thức đa dạng như: kêu gọi quyên góp hỗ trợ, giúp đỡ các em gặp khó khăn về trang thiết bị học tập, thuốc men, lương thực thực phẩm, tiền mặt…

Tại nhiều địa phương, phong trào vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ, chăm sóc và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha mẹ do dịch bệnh đã được phát động, thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng. Tiêu biểu có thể kể đến như: huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã phát động mô hình “Trao gửi yêu thương” để các nhà hảo tâm, người dân góp kinh phí chăm lo hoặc nhận đỡ đầu trẻ từ nay đến 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông, học nghề, đại học, cao đẳng. Câu lạc bộ Công tác xã hội chuyên nghiệp TP Hồ Chí Minh với hơn 100 chuyên gia tâm lý, công tác xã hội cũng lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin nhận tư vấn cho các em, chủ động tìm đến các trường hợp bất ổn tâm lý để chia sẻ.

Ngày 16/9 Công ty FPT công bố thành lập trường và chu cấp toàn bộ việc nuôi dưỡng, đào tạo 1.000 em nhỏ mất cha, mẹ vì Covid-19. Ngày 18/9, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khởi động chương trình “ATM Yêu thương” kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tạo nguồn lực hỗ trợ một triệu đồng/tháng nhằm bảo trợ trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch cho đến khi đủ 18 tuổi… 

Trẻ em sinh ra có quyền được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập, vui chơi… Nếu không ứng phó kịp thời, đại dịch Covid-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí tước đi các quyền đó của các em. Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn xác định quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, đặc biệt với trẻ em luôn được đặt lên là đối tượng ưu tiên hàng đầu nên dù cả nước hiện vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự góp sức của cả cộng đồng, các em đã và sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự yêu thương, quan tâm thiết thực.

Khó có thể bù đắp được hoàn toàn tổn thất,  khó khăn mà nhiều em đang phải gánh chịu vì dịch bệnh, nhưng chắc chắn trong vòng tay đùm bọc của cả nước và toàn xã hội, các em sẽ vượt qua mọi thử thách.