Không để lòng yêu nước bị lợi dụng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Tỉnh táo nhận diện và ngăn chặn

Sức mạnh tập thể luôn là yếu tố có vai trò quan trọng để vững vàng vượt qua các khó khăn, đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc sống hay tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt… Tuy nhiên, lịch sử cũng có nhiều bài học cho thấy cần hết sức thận trọng, cảnh giác với những nguy cơ, hệ lụy từ các đám đông a dua, cảm tính, cực đoan, bởi điều này không tạo động lực cho sự phát triển, mà còn tạo ra trở ngại, kéo lùi sự phát triển và gây hại cho xã hội.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt một đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: VIỆT ANH)..
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xử phạt một đối tượng đăng tin sai sự thật về dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: VIỆT ANH)..

Thực tiễn cuộc sống cho thấy trong sinh hoạt xã hội đôi khi vẫn xuất hiện hiện tượng một số người có lối hành xử vô ý thức, cảm tính, thiếu chính kiến, rất dễ bị dẫn dắt bởi người khác. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như ngày nay, khi với một số người trình độ nhận thức chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ và xã hội tình trạng đó có nguy cơ trở nên phổ biến.

Chẳng hạn, trước một thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng, một số người đã không cần thẩm định, tìm hiểu đúng sai, mà lập tức tin, nghe theo, vội vã chỉ trích, thóa mạ, xúc phạm tổ chức, cá nhân liên quan, và ai có ý kiến trái ngược lập tức bị tấn công vùi dập, thậm chí bới móc đời tư… Đến khi sự việc đã sáng tỏ, thay vì có hành xử văn minh là xin lỗi, xóa nội dung đã đăng tải, thì số người này lại chọn im lặng, coi như chưa từng xảy ra. Để sau đó, tự tin với tư cách người “thực thi chính nghĩa”, “đòi lại công bằng” họ tiếp tục dựa vào nội dung bịa đặt khác đăng tải trên mạng xã hội để phán xét, chửi bới, không cần biết mình mới  chính là đối tượng cần bị lên án. Bởi thế, nếu số người này tập hợp với sự dẫn dắt của tổ chức, cá nhân có động cơ không trong sáng sẽ hình thành đám đông khó lường, có thể gây hậu quả nguy hại với xã hội.

Azit Nexin - nhà văn trào phúng nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ trong câu chuyện “Xếp hàng” đã kể về dòng người nối đuôi nhau thành dãy dài để chờ mua bằng được một món hàng dù chưa hề biết đó là món hàng gì, mình có cần hay không. Ai cũng nghĩ và tin rằng phải có lý do xác đáng, thuyết phục, hấp dẫn mới có nhiều người nhẫn nại, chờ đợi như vậy. Nhưng thực chất, đó là hành vi có tính “a dua đám đông”, không mục đích, rất cảm tính, thấy người khác làm là bắt chước theo. Đó không phải hiện tượng cá biệt, và trong sinh hoạt hằng ngày ở mọi quốc gia, vẫn xuất hiện những đám đông bị dẫn dắt bởi tâm lý “a dua” như vậy.

Trong tiếng Anh, “Herd behavior” chỉ hiệu ứng/tâm lý đám đông. Khái niệm này có nội hàm liên quan cá nhân, tập hợp người, thường xuyên chịu ảnh hưởng một cách thụ động về tâm lý, suy nghĩ, hành vi từ số đông. Họ thường chạy theo những gì mà số đông cho là đúng, là hợp tình, hợp lý. Hiệu ứng đám đông dẫn đến sự ra đời của các trào lưu, xu hướng (trend) trong lĩnh vực nào đó. Điểm nổi bật của người có tâm lý đám đông là thiếu chính kiến, dễ lay chuyển, không hướng đến mục tiêu nhất định. Họ thụ động, không có năng lực tư duy phản biện, không làm chủ được hành vi cá nhân, không dám đi ngược lại điều họ mặc định. Họ luôn coi đám đông là đúng, và hành vi phản xạ như bầy đàn, bắt chước theo trào lưu. Trong tâm lý học, có hiện tượng gọi là “ì tâm lý” đề cập một số người thường mặc nhiên thừa nhận điều gì đó là đúng đắn theo thói quen, bị cuốn theo đám đông như quán tính, không chịu suy nghĩ để tự phản biện, phân biệt đúng sai!

Gustave Le Bon (1841-1931) là nhà tâm lý học xã hội người Pháp, nổi tiếng với lý thuyết về đám đông. Trong tác phẩm “Tâm lý học đám đông” (La Psychologie des foules, 1895), ông có nêu một điểm rất đáng chú ý, đó là các đám đông được tổ chức luôn có vai trò đáng kể trong đời sống, trong đó hành động vô thức của đám đông thay thế cho hoạt động có ý thức của các cá nhân. Sau 126 năm, kể từ khi cuốn sách ra đời, xã hội loài người chứng kiến sự biến đổi nhanh, mạnh mẽ của cách mạng khoa học - kỹ thuật, vai trò của đám đông, nhất là trên không gian mạng, ngày càng lớn hơn theo cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Trong đám đông hình thành trên không gian ảo, rất nhiều người mới chỉ đọc, nhìn, nghe những gì được đăng tải trên internet không trực tiếp tiếp xúc, “không có khả năng sờ mó các sự vật”, nên không thể “có một ý niệm chính xác về hình dáng của chúng”, thì sao có thể hiểu biết đầy đủ, nắm bắt được bản chất của sự việc, hiện tượng, sao có thể biết nguyên nhân chính xác là gì? Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được điều đó. Sự tự tin, ngộ nhận dễ khiến nhiều người luôn cho rằng mình đúng đắn để rồi hành xử theo kiểu “một mình một cõi”. 

Khi viết “Tâm lý học đám đông”, Gustave Le Bon hẳn không thể hình dung có ngày xuất hiện không gian mạng ảo, nơi đám đông hình thành ngày một đông đảo, trở thành môi trường để kiểm chứng lý thuyết về “tâm lý đám đông” một cách rõ nhất. Đáng buồn là cùng với các đám đông được tập hợp vì mục đích tốt đẹp, trong sáng, lành mạnh, thì cũng đã đồng thời hình thành các đám đông có tính chất kết bè kết phái, cực đoan, cảm tính. Nên dễ hiểu khi các tổ chức, cá nhân thù địch, thiếu thiện chí lập tức bám lấy “mảnh đất màu mỡ” này để nhen nhóm, gây dựng, phát triển thành các hội, nhóm, thực hiện hành vi chống phá, gây rối. Các tổ chức chống cộng ở hải ngoại cũng nhanh chóng tìm đến, bắt mối, phát triển lực lượng hòng nối dài cánh tay của họ, thâm nhập sâu hơn vào trong nước, trực tiếp điều hành hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau. Nổi lên trong thời gian qua là một số hội, nhóm hoạt động gắn mác “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo”. Họ luôn rêu rao danh nghĩa đại diện “số đông người dân Việt Nam” nhưng quanh đi quẩn lại, thành viên cốt cán của các hội, nhóm này vẫn chỉ là mấy gương mặt rất quen thuộc của “làng dân chủ cuội” đã được các cơ quan chức năng chỉ mặt đặt tên. Một số người nhẹ dạ vì dính líu với các hội nhóm này mà có hành vi quá khích, phạm pháp, đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đến khi đó, dù họ nhận thức được sai lầm đã mắc phải thì sự hối hận cũng quá muộn. Còn những đối tượng cầm đầu, giật dây vẫn ung dung ở nơi nào đó, tiếp tục tìm kiếm, dụ dỗ, mồi chài “con mồi” nhẹ dạ cả tin vào các hội, nhóm mới, tiếp tục âm mưu “nhen lửa” chống phá, phản loạn. Dù đã có nhiều bài học được rút ra, nhiều kinh nghiệm đau thương, nhớ đời, nhưng đáng buồn là vẫn còn một số người quá dễ dãi khi tiếp nhận thông tin từ các nguồn không chính thống để rồi khiến bản thân bị dẫn dắt, hành xử theo tâm lý đám đông, và bản thân phải gánh chịu hậu quả nặng nề, làm tổn hại tới gia đình, bạn bè, cộng đồng. 

Thời gian tới có thể nảy sinh một số vấn đề phức tạp trong đời sống, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa tăng cường kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống cho người dân, vừa nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và mở cửa từng bước, tiếp tục thực hiện những chiến lược đã được đề ra. Bởi vậy, để kịp thời ứng phó với âm mưu thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, những phần tử chống phá núp bóng đám đông bên cạnh sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, đội ngũ truyền thông, báo chí… mỗi người cần luôn tuyệt đối tin tưởng vào vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; chủ động tự trang bị “bộ lọc” về thông tin, củng cố khả năng đề kháng của bản thân, tỉnh táo và thận trọng trước thông tin không chính thống, chưa được kiểm chứng; không vội tin, nghe theo người khác, nhất là đối tượng ẩn danh trên mạng xã hội; không chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc; có chính kiến rõ ràng và suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra ý kiến, quyết định có thể tác động đến nhiều người. Nếu phát hiện hiện tượng bất thường, đáng nghi ngờ, đặc biệt là các hoạt động chống phá, phạm pháp, cần cảnh báo với cộng đồng, thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng để nhận diện, xử lý. Bằng cách này, mỗi cá nhân vừa phát huy ý thức, trách nhiệm công dân trong công tác phòng, chống tội phạm và những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, vừa giúp ngăn chặn hiệu quả của việc hình thành đám đông vô thức bị lôi kéo, tác động, thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân. Bởi nếu không sớm nhận diện, ngăn chặn, loại bỏ thì rất có thể “đốm lửa nhỏ” sẽ bùng phát thành “đám cháy lớn”, lan rộng, hủy hoại thành quả của cả cộng đồng, thậm chí đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của chế độ.

Người Việt có câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” với hàm ý khi một cộng đồng đoàn kết, chung sức, đồng lòng sẽ tạo ra sức mạnh giúp đạt được mục đích đề ra, đạt thành công như mong muốn. Qua thăng trầm của lịch sử dân tộc, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc rằng khi có sự thống nhất, đồng lòng từ nhân dân đến các cấp chính quyền, chúng ta sẽ luôn tạo được nguồn sức mạnh nội sinh để vượt qua mọi thử thách khó khăn, giành được thành công, thắng lợi trên mọi lĩnh vực.

Không để lòng yêu nước bị lợi dụng: Bài 1: Nhân danh "đám đông" để chống phá chế độ

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 16/11/2021.