Bình luận - phê phán

Ðánh cắp tự do trên internet?

NDO -

Những ngày qua, không chỉ tờ The Washington Post (Mỹ) mà nhiều tờ báo, hãng tin lớn trên thế giới đều liên tục đưa tin cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin về chương trình do thám điện thoại và internet ở Mỹ (PRISM). Kèm theo đó là cập nhật ý kiến của nhiều chính khách trên thế giới đối với PRISM. Riêng trang World news của The Guardian (Anh) còn công bố video phỏng vấn Edward Snowden cùng bản tin đặc biệt về nhân vật này... Ðó cũng là lý do làm cho nhiều người liên tưởng tới một vụ "Wikileaks thứ hai".

Khởi nguồn vào ngày 5-6, The Guardian công bố một văn bản tuyệt mật của tòa án yêu cầu công ty điện thoại Verizon chuyển giao cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) hàng triệu hồ sơ lưu trữ về các cuộc điện thoại. Sau đó, Edward Snowden - người cung cấp văn bản này, đề nghị The Guardian tiết lộ danh tính của mình và tuyên bố sẽ sẵn sàng tiếp tục đưa ra tài liệu về chương trình PRISM của Chính phủ Mỹ. Người đàn ông 29 tuổi tự nhận từng làm việc cho CIA dưới vỏ bọc nhân viên ngoại giao; sau đó được tuyển mộ bởi nhà thầu Booz Allen Hamilton tại trụ sở NSA ở Hawai. Cũng từ đây, Snowden bắt đầu thu thập thông tin về PRISM và đến cuối tháng 5 vừa rồi, anh ta quyết định tiết lộ những thông tin tối mật cho một số tờ báo lớn.

Theo Edward Snowden, chương trình PRISM bắt đầu tiến hành từ năm 2007 và đang được Chính phủ Mỹ triển khai một cách sâu rộng hơn. PRISM là mật danh của một chương trình bí mật thu thập dữ liệu từ việc sử dụng internet do NSA điều hành. Theo chương trình này, NSA và Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI) thực hiện kết nối trực tiếp vào máy chủ của chín công ty internet lớn ở Mỹ như Microsoft, Apple, Google, Facebook, AOL... nhằm tìm kiếm và theo dõi thông tin của người sử dụng internet. Ðể hợp thức hóa, PRISM nhận được hậu thuẫn bởi sắc lệnh mật của tòa án. Thông qua PRISM, Chính phủ Mỹ sẽ nắm được nội dung của các email, hình ảnh, đàm thoại và tin nhắn. Với cái cớ để theo dõi các công dân nước ngoài bị nghi ngờ hoạt động khủng bố hoặc do thám, các cơ quan tình báo của Mỹ trên thực tế thu thập mọi dữ liệu mà họ cho là cần thiết. Từ việc thâm nhập các máy chủ, các cơ quan tình báo Mỹ có thể thu thập đầy đủ tiểu sử, hình ảnh, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, giao dịch làm ăn của các tổ chức, cá nhân. Trong phút chốc, không ít người sử dụng internet ngỡ rằng đã tìm được thế giới riêng cho mình trên internet, lại bỗng dưng trở thành "con tin", bị theo dõi hoặc can thiệp đời tư mà không hề hay biết. Tự do mà nhiều người tưởng rằng có được sẽ bị tước mất, bị đánh cắp bởi những thỏa thuận ngầm giữa các công ty internet với NSA.

Trong đoạn video dài 12 phút quay ở Hong Kong của The Guardian, Snowden nói rõ động cơ muốn tiết lộ thông tin mật cho báo giới là: "Lương tâm tôi không thể yên ổn nếu cho phép Chính phủ Mỹ phá hoại quyền riêng tư, tự do trên internet và quyền tự do cơ bản của người dân trên khắp thế giới với cỗ máy giám sát khổng lồ mà họ đang bí mật xây dựng". Ông bày tỏ sự bất bình với việc nói một đằng, làm một nẻo của Chính phủ Mỹ, đồng thời, cách mà ông công khai thông tin ra thế giới cũng là để bảo vệ cuộc sống của bản thân và gia đình ông. Snowden đã phải rời đất Mỹ sang Hong Kong một cách bí mật và hy vọng Hong Kong sẽ không trục xuất mình. Ông cũng tỏ ra sẵn sàng đương đầu với những tình huống xấu nhất "Nhưng thực tế thì tôi cũng chả dám nói chắc điều gì về tương lai của mình. Bạn không thể nào chống lại các cơ quan tình báo hùng mạnh nhất thế giới mà không chấp nhận rủi ro đó". Sự việc trở nên phức tạp hơn khi ngày 10-6 vừa qua, Snowden đã rời khách sạn Mira ở Hong Kong và không biết anh ta đi đâu. Theo tin tức mới nhất thì tại Mỹ, vụ việc đã được chuyển sang Bộ Tư pháp. Và trong cuộc họp báo ngày 10-6, Jay Carney - Thư ký báo chí của Chính phủ Mỹ, đã từ chối bình luận về nơi trú ẩn của Snowden. Sự kiện này cũng đang trở thành nguyên nhân để nhiều chính khách ở Anh, Ðức, Australia,... đặt ra những câu hỏi có tính nghi ngờ và bức xúc.

Ðã 20 năm trôi qua kể từ ngày "thế giới ảo" ra đời. Không ai nghi ngờ rằng internet đã kết nối con người với nhau xuyên qua mọi biên giới lãnh thổ, phá vỡ những bức tường ngăn cách về thông tin, tình cảm, những hàng rào thuế quan, hàng rào thương mại. Cũng không ít người nhận thức rõ sự nguy hiểm của internet một khi nó bị các thế lực xấu lợi dụng. Cần thiết bảo vệ cái tốt và ngăn ngừa cái xấu. Nhưng đọc trộm thư từ của người khác, nghe lén điện thoại, xem trộm tin nhắn hội thoại, dò la mối quan hệ cá nhân, lập hồ sơ người sử dụng internet và theo dõi họ lại là sự vi phạm tự do cá nhân, vi phạm quyền con người.

"Tự do internet" là khẩu hiệu mà một số nước phương Tây ra sức kêu gọi, thậm chí họ còn tự coi mình là "tấm gương sáng" và kêu gọi các quốc gia khác noi theo. Một số dân biểu Mỹ luôn tỏ ra quan ngại về việc các nước khác "hạn chế quyền tự do internet" của công dân. Một tổ chức nhân danh bảo vệ nhân quyền còn đưa ra cái gọi là "kẻ thù của internet" để phê phán nước này nước kia. Song thử hỏi tự do internet - nghĩa là mọi người được tự do sử dụng internet, có nghĩa gì khi bị tước mất tự do cá nhân trên internet một cách phi pháp. Thông thường, những người sử dụng internet, nhất là giới trẻ và người mới sử dụng nhiệt tình, vô tư khai báo thông tin thật, công khai các mối quan hệ xã hội, giao dịch làm ăn, bạn bè, giao lưu... Họ đâu có biết, càng vô tư vào mạng bao nhiêu thì dữ liệu cá nhân của họ càng bị thâu tóm nhiều bấy nhiêu.

Thực ra, mối đe dọa đối với tự do cá nhân trên internet đã được cảnh báo nhiều lần. Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-2012 đã từng lưu ý về nguy cơ này trong bài Quyền lực ngầm sau mạng xã hội như sau: "cơ quan tình báo Mỹ như CIA, FBI hay NSA chỉ việc thu thập thông tin cá nhân có sẵn trên Facebook dùng để chống lại chính những người cung cấp thông tin đó". Cũng nhắc đến vấn đề thông tin cá nhân trên internet, Eric Schmidt - Chủ tịch của Google cho rằng, đã đến lúc "Cần một nút xóa vĩnh viễn mọi thông tin trên internet cho người dùng" để mọi người thoát khỏi những thông tin nhạy cảm có thể ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của họ. Trong một bài phát biểu trước cử tọa của Ðại học New York vào tháng 5-2013, ông này cảnh báo rằng, những hành động dại dột để tạo sự chú ý, muốn thể hiện cái tôi một cách bồng bột ở thời đại internet hôm nay sẽ gây ra những kết cục khôn lường trong ngày mai. Các thông tin tưởng chừng vô hại trong một thế giới khó kiểm soát như internet có thể bị bóp méo theo ý đồ của người điều hành. Theo như những gì mà Edward Snowden mới tiết lộ, thì điều này có thể nguy hiểm hơn nhiều. Thử đặt ra tình huống nếu toàn bộ nhân thân, quan hệ xã hội, kể cả những bí mật đời tư của một người bị số hóa, bị theo dõi, thì liệu đến một lúc nào đó người đó có thể sẽ bị khống chế, bị điều khiển và thao túng hay không? Vậy là tự do internet sẽ trở thành mất tự do trên internet theo đúng nghĩa đen của nó.

Trong số hàng nghìn tài liệu mật của Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao Mỹ được Wikileaks công bố có cả bản ghi nhận IP kết nối (địa chỉ IP là một dãy số xác định máy tính để có thể gửi nhận dữ liệu đến các máy khác). Từ địa chỉ này, người ta có thể dò theo vị trí người dùng khi truy cập mạng internet ở bất kỳ đâu trên thế giới. Do đó, dù "ảo" đến đâu thì người ta cũng có thể tìm ra nguồn phát tán thông tin, xác định được người dùng. Cũng vì lý do này mà dư luận Mỹ tỏ ra hết sức bức xúc với chương trình PRISM của Chính phủ Mỹ. Cho dù quan chức an ninh Mỹ đã cố gắng bao biện cho việc làm của họ là chỉ nhằm vào người nước ngoài, nhưng internet đâu chỉ kết nối công dân nước ngoài với nhau. Chính công dân Mỹ mới là những người đầu tiên bị theo dõi, đúng như Snowden bộc bạch: "Tôi không muốn sống trong một xã hội có những chuyện như thế... Tôi không muốn sống trong một thế giới nơi mọi thứ tôi làm và nói đều được ghi lại".

Mặc dù Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) James Clapper lên tiếng sẽ điều tra hình sự vụ "rò rỉ thông tin" nhưng có vẻ như The Washington Post và The Guardian quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng. Trong khi Nhà Trắng đang tính toán thiệt hại của xì-căng-đan này, thì mỗi người dùng internet hãy tỏ ra thông minh, tỉnh táo khi lên mạng.