Ðại sứ thương hiệu và sự thái quá của truyền thông

Ðã lặp lại nhiều lần trong các năm gần đây, mỗi khi một cầu thủ, nghệ sĩ nổi tiếng nào đó tới Việt Nam là một số tờ báo nhiệt tình đưa tin cùng với cảm tưởng, lời hứa đầy thiện chí. Rồi khi cầu thủ, nghệ sĩ nọ rời Việt Nam, thì hầu như tin tức cũng im ắng theo và lời hứa thì không phải khi nào cũng trở thành hiện thực. Vậy, thực chất những chuyến thăm này là gì?

Vừa qua, việc cựu danh thủ R.Phao-lơ (R.Fowler) đến Việt Nam lập tức trở thành một sự kiện khá ồn ào trên một số địa chỉ truyền thông. Và một lần nữa, cái quy trình: "cổ động viên xếp hàng nồng nhiệt chào đón tại sân bay - gặp gỡ, giao lưu để đưa ra đôi lời đánh giá đầy ưu ái cùng niềm tin về tương lai rất triển vọng của bóng đá Việt Nam, hứa hẹn sẽ cố gắng giúp đỡ - ra sân rê dắt vài đường bóng (chủ yếu với cầu thủ trẻ hoặc trẻ em) - tham gia lễ ký kết hợp đồng hợp tác thương mại với doanh nghiệp nào đó - lên máy bay trở về nước" được lặp lại. Thường thì sau đó, việc tới Việt Nam của cựu cầu thủ không còn được nhắc tới và lời hứa cũng không thấy dư âm. Quy trình này lặp đi lặp lại nhiều lần vì mục đích chuyến đi của các cựu danh thủ không mấy khác nhau, nếu trước đó Ð.Bếch-kham (D.Beckham) đến Việt Nam để quảng bá một hãng rượu thì lần này R.Phao-lơ đến nhằm giúp CLB bóng đá Li-vơ-pun (Liverpool) ký hợp đồng hợp tác thương mại với nhãn hiệu sữa được quảng bá là "dành cho trẻ em của Việt Nam".

Xét theo thời gian, đến nay nhiều cầu thủ nổi tiếng thế giới một thời như F.Ca-na-va-rô (F.Cannavaro), R.Pi-rét (R.Pires), R.Nít-tơ-roi (R.Nistelrooy), Ð.Y-oóc-ke (D.Yorke),... từng đến Việt Nam, và chuyến đi của họ luôn gắn với mục đích thương mại. Ngay lần đến Việt Nam của cầu thủ Pác Chi Sung (Park Ji Sung) thực hiện chương trình hợp tác giữa LÐBÐ Việt Nam và LÐBÐ Hàn Quốc tổ chức trận đấu giao hữu giữa đội bóng "Park Ji Sung và những người bạn" với Navibank Sài Gòn ngày 15-6-2011 để gây quỹ học bổng cho cầu thủ trẻ ở châu Á thì cũng liên quan tới hoạt động của một công ty do Pác Chi Sung làm chủ. Nói cho cùng thì qua thời đỉnh cao, các cầu thủ nổi tiếng lại chuyển sang kinh doanh tên tuổi bằng cách trở thành đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp, nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc giúp đội bóng đá nào đó khuếch trương thanh thế để "bán áo"... Tìm hiểu mục đích chuyến đi của các cựu cầu thủ tới Việt Nam có thể thấy: lần thứ nhất F.Ca-na-va-rô đến theo lời mời của một ngân hàng, lần thứ hai với tư cách đại sứ giải bóng đá "Tiger Street Football"; R.Pi-rét đến với tư cách là đại sứ của giải "UEFA Champions League"; R.Nít-tơ-roi làm đại sứ thương hiệu bia Heineken; D.Y-oóc-ke là đại sứ của đội bóng M.U;... Nhìn rộng ra, việc các danh thủ bóng đá kiêm luôn chức đại sứ cho thương hiệu nào đó không phải là chuyện lạ, như Ð.Bếch-kham từng hai lần làm đại sứ thương hiệu hãng thời trang H&M, rồi là đại sứ thương hiệu của hãng xe Jaguar Land Rover tại Trung Quốc; C.Rô-nan-đô (C.Ronaldo) đã từng làm đại sứ thương hiệu Castrol, làm đại sứ thương hiệu hãng thời trang Emporio Armani; W.Ru-ny (Rooney) thì với hãng bia Tiger; A.I-ni-et-ta (A.Iniesta) cùng Ð.Sin-va (D.Silva), nay là Y.Tu-rê (Y.Touré) với thương hiệu Nissan khi hãng này hướng tới thị trường châu Phi... Là đại sứ thương hiệu, họ phải nói những lời xã giao, đưa ra những bình luận có cánh làm nức lòng chủ nhà miễn sao giúp bán được nhiều hàng hóa, nên mới thấy gần đây, một cựu cầu thủ kiêm đại sứ thương hiệu đến Việt Nam nói mấy lời mà không phải là cựu danh thủ thì vẫn có thể nói: "tuy chưa biết gì về bóng đá Việt Nam nhưng tôi biết vài năm trở lại đây bóng đá châu Á phát triển rất mạnh. Tôi nghĩ Việt Nam cần nhập khẩu huấn luyện viên từ phương Tây để học hỏi, biết đâu Việt Nam sẽ xuất khẩu cầu thủ sang phương Tây trong tương lai"!

Tuy nhiên, với chuyến đi như thế, các cựu cầu thủ lại trở thành mục tiêu săn đón, đưa tin của một số tờ báo ở Việt Nam (nhất là báo, trang tin điện tử); và càng gần đây việc săn đón, đưa tin đã và đang có vài biểu hiện khác lạ. Ít ngày trước khi Ð.Bếch-kham tới Việt Nam, lập tức một số địa chỉ truyền thông náo nức đưa tin. Chỉ trong hai ngày Ð.Bếch-kham ở Việt Nam đã có hàng trăm bài báo, bức ảnh về hoạt động của cựu cầu thủ này được đăng tải. Tất tần tật, từ việc anh này đi đâu, làm gì, trang phục ra sao, đến việc anh đi xe gì, ăn món gì,... đều được khai thác triệt để. Không chỉ vậy, báo chí còn liên tục cập nhật thông tin anh sánh vai với người đẹp Việt Nam, thậm chí việc anh khen cô "chân dài" nào của Việt Nam xinh đẹp cũng trở thành tin nóng hổi! Phải chăng sự rùm beng đó nhằm làm lu mờ mục đích chính yếu của cựu cầu thủ này đến Việt Nam là quảng cáo một loại rượu mà anh giữ vai trò đại diện thương hiệu? Phải chăng từ đó có thể suy ra việc một số địa chỉ truyền thông quảng bá hình ảnh Ð.Bếch-kham tới Việt Nam và biến nó thành một sự kiện như có vẻ văn hóa là đã gián tiếp quảng bá rượu - việc làm bị luật pháp Việt Nam cấm? Không có gì bảo đảm hình ảnh chai rượu dù bị làm mờ trong các bức ảnh có Ð.Bếch-kham chụp ở Việt Nam lại không làm người xem tò mò? Quan ngại hơn, sau khi một cơ quan báo chí công bố vi-đê-ô clip cho thấy "đoàn xe chở cựu danh thủ này từ nhà hàng trên phố Bà Triệu đã chạy ngược chiều để rẽ sang phố Lý Thường Kiệt" kèm theo nội dung dẫn từ Ðiều 22 Luật Giao thông đường bộ để chứng minh đoàn xe chở Ð.Bếch-kham không có quyền ưu tiên, nói cách khác là đoàn xe chở Ð.Bếch-kham vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng rất ít báo chí lên tiếng phê phán sự việc này. Có tờ báo thì lại giải thích rằng: "ánh hào quang của Becks khiến cho người ta không còn quan tâm đến những "tiểu tiết" như là việc đoàn xe của anh đang đi ngược chiều"! Cũng may mà vẫn có một hai địa chỉ truyền thông đề cập có tính phê phán, như chùm ảnh nhan đề Beckham đến Việt Nam: Bán rượu và được đi xe ngược chiều với các chú thích ảnh đáng chú ý như: "Cựu danh thủ Beckham sang Việt Nam đã được dẫn đi ngược chiều và quảng cáo rượu bên cạnh những sự tung hô vẻ ngoài", "Có nhiều câu hỏi đã được đưa ra là tại sao một người nước ngoài lại có thể đi ngược chiều như vậy, cứ thử đặt ra trường hợp đoàn xe của Beckham là người ngoại quốc, chưa hiểu về luật pháp Việt Nam, quanh đó là bao nhiêu người hâm mộ đang chăm chăm chụp ảnh, cả lực lượng công an cũng đang đứng giãn đám đông"!

Một trong những kết quả tích cực của quá trình hội nhập thế giới là ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, trong đó có những người nổi tiếng. Phần nào có thể thể nói, dù trực tiếp hay gián tiếp thì họ cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải người nổi tiếng nào đến Việt Nam cũng đem tới sự hữu ích. Ðề cập đến việc năm trước cựu tuyển thủ Bra-xin là Ðê-nin-sơn (Denilson) đầu quân cho một CLB bóng đá Việt Nam, một bài báo viết: "sự kiện Denilson đến Việt Nam thật hoành tráng và nó đơn thuần chỉ là bài toán kinh tế,... Denilson đến đúng 21 ngày, ra sân 54 phút, ghi một bàn thắng rồi ôm một mớ tiền về Brazil... Denilson hai năm trước được xác định là cú lừa ngoạn mục"! Ngay R.Phao-lơ cũng có điều cần lưu ý, nếu năm 2014 cựu cầu thủ này đến Việt Nam với tư cách đại sứ thương hiệu CLB bóng đá Li-vơ-pun, thì với việc gần đây anh mới ký hợp đồng làm đại sứ chính thức cho Fun88 - công ty cá cược trực tuyến và nhà cái hàng đầu ở châu Á, trong mùa giải 2014 - 2015 thì mọi sự sẽ khác. Vì, nếu năm 2015, R.Phao-lơ đến Việt Nam với tư cách đại sứ Fun88 thì việc báo chí quảng bá về anh như vừa qua cũng là quảng bá cho cá cược trực tuyến!

Ðáng tiếc, vì quá chú tâm đến vẻ hào nhoáng bên ngoài của sự kiện liên quan người nổi tiếng, nên không chỉ một số người cố gắng chụp ảnh với người nổi tiếng để khoe trên facebook, mà một số tờ báo cũng tỏ ra ít quan tâm tới hoạt động có tính nhân văn của một số người nổi tiếng khác tới Việt Nam, hoặc là đưa tin theo hướng đáp ứng thói hiếu kỳ với các bài báo như: Phương Nguyễn sexy bên cầu thủ Ruud van Nistelrooy; Hoàng Thùy Linh bốc lửa, quyến rũ Van Nistelrooy; DJ Myno hở táo bạo, Người đẹp Việt "chết đứ đừ" vì David Beckham; Hà Hồ, Hoàng My khoe ảnh "tình củm" với Beckham,... Trong khi đó, sự kiện Ha Chi Uôn (Ha Ji Won, nữ diễn viên chính trong phim Hoàng hậu Ki) đến Việt Nam với tư cách đại sứ quảng bá của Tổ chức Phẫu thuật nụ cười, một số báo ít quan tâm đến mục đích chính của chuyến đi, mà hình ảnh Ha Chi Uôn lại gắn với việc nữ diễn viên sánh vai với người đẹp Việt Nam nào, mặc bộ đầm mầu gì, xinh đẹp, rạng rỡ ra sao... Trước Ha Chi Uôn, diễn viên điện ảnh Thành Long cũng đến Việt Nam với tư cách đại sứ Tổ chức Phẫu thuật nụ cười cũng bị một số cơ quan truyền thông biến thành việc của "ngôi sao" hơn là việc từ thiện. Thậm chí ngày đó, phóng viên ảnh nọ đã chụp được ảnh một phóng viên khác trèo lên giường, dẫm lên bệnh nhân chỉ để cố chụp bằng được bức hình Thành Long tới thăm một bệnh viện ở Hà Nội! Với cung cách đưa tin như vậy, không rõ vô tình hay cố ý, báo chí lại góp phần cổ xúy một bộ phận công chúng hướng đến các giá trị hào nhoáng được làm cho ầm ĩ, mà việc làm có tính nhân đạo lại bị làm cho mờ nhạt?

Những cựu cầu thủ nổi tiếng với vai trò đại sứ thương hiệu đến rồi đi, và nếu không có vai trò đó, chưa có gì bảo đảm những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao đã biết đến Việt Nam và bóng đá Việt Nam. Với lòng mến khách, chúng ta chào đón họ và với sự tỉnh táo, chúng ta hiểu họ đến Việt Nam nhằm mục đích gì. Tung hô thái quá, biến sự có mặt của họ ở Việt Nam thành sự kiện đình đám dễ làm cho công chúng bị nhiễu thông tin bởi những điều không hẳn cần thiết, trong bối cảnh báo chí có rất nhiều vấn đề, sự kiện hữu ích cần phải quan tâm hơn. Không ai ngăn cản lòng hâm mộ với người nổi tiếng, nhưng không nên biến sự ngộ nhận về tin "nóng" và sự hâm mộ của một số người thành hình ảnh tiêu biểu để quảng bá trên báo chí. Càng không thể vì đó là người nổi tiếng mà bỏ qua các biểu hiện vi phạm pháp luật như quảng bá rượu, hoặc đi vào đường ngược chiều.