Blog, mạng xã hội trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức

NDO - Gần đây hiện tượng bịa đặt thông tin, vu cáo, bôi nhọ, lừa đảo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên internet. Hiện tượng nguy hiểm này gây bức xúc trong dư luận đồng thời đặt ra yêu cầu về pháp luật, đạo đức liên quan đến blog, mạng xã hội trở nên cấp thiết. Vậy phải làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia, các tổ chức, công dân khi bị xâm phạm an ninh, bị tiến công, xâm phạm, nhục mạ, đe dọa trên internet?

Ðầu năm 2013, dư luận Italia đã hết sức bức xúc vì sau khi một video clip về một em gái được đăng tải trên facebook, Carolina Picchio 14 tuổi đã tự tử bằng cách nhảy xuống đất từ tầng ba. Trước khi tự sát, Picchio đã để lại một thông điệp tại trang cá nhân: "Hãy tha thứ cho tôi vì tôi đã không mạnh mẽ. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa". Hội Phụ huynh Italia đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với facebook và công tố viên tại địa phương là Francesco Saluzzo đang xem xét sự việc. Trả lời Telegraph, ông Saluzzo nói: "Facebook không trả lời yêu cầu của chúng tôi về thời gian tải lên đoạn video. Ðây là một cuộc điều tra mở mà không có đối tượng nghi vấn nào có tên. Bản thân facebook không bị điều tra. Song về mặt lý thuyết, chúng tôi có thể điều tra các nhân viên của facebook vì họ không đáp ứng những yêu cầu này". Hiện tượng tự tử vì bị bôi xấu trên facebook không phải lần đầu tiên xuất hiện ở Italia, năm 2012, một nam sinh 15 tuổi tại Rome cũng tự sát sau khi bị chỉ trích là người đồng tính trên facebook. Tương tự như vậy, là các vụ tự tử do bị xúc phạm trên internet, như các cái chết tức tưởi của Chevonea Kendall-Bryan ở London (Anh), Amanda  Cumming  ở  New  York  (Mỹ).

Ở Việt Nam gần đây, trong số nữ sinh ở Ðà Nẵng bị vu cáo, bôi nhọ, xúc phạm trên trang facebook tên là "Bộ mặt thật của các hot teen Ðà thành", một nữ sinh đã tự tử bằng thuốc an thần nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp thời. Trước đó, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội cũng tự tử bằng thuốc diệt cỏ vì bị ghép ảnh trên facebook...

Như vậy có thể thấy, cùng với sức thu hút và sự phát triển của nó, mặt trái của internet ngày càng bộc lộ, đưa tới hậu quả nguy hiểm cho xã hội và con người mà trực tiếp là blog, mạng xã hội (MXH). Ðó cũng là kết quả một nghiên cứu về tình trạng thanh thiếu niên tự tử liên quan đến mạng xã hội được The Dailymail công bố tháng 6 vừa qua; theo đó, ngày càng nhiều thanh thiếu niên sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ di động để bày tỏ ý định tự tử và mong được giúp đỡ. Nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến một số vụ tự tử là do bị một số kẻ vô danh quấy rối, dọa dẫm trên mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu chỉ trích internet vì đã cung cấp một diễn đàn toàn cầu cho thanh thiếu niên thảo luận cách thức tự tử, thậm chí hình thành các thỏa ước tự tử trên mạng.

Ðối tượng bị tiến công trên facebook và youtube thường là nghệ sĩ, chính trị gia. Dường như trên internet, việc giả mạo blog, facebook của chính trị gia, người nổi tiếng đang trở thành một thứ "hội chứng". Ðiều này tạo nên loại thông tin "hư hư, thực thực" trên MXH, gây nhiễu loạn thông tin, làm phiền toái không ít người. Ở Việt Nam, một số nghệ sĩ đã bị "chơi bẩn" trên MXH, mà thủ đoạn của kẻ xấu là lập trang facebook giả lấy tên của nghệ sĩ, rồi post lên đủ thứ lố lăng như ảnh ghép, comment sốc, gán cho nghệ sĩ là gái bao, đồng tính, đưa ra phát ngôn khiến người thiếu thông tin hiểu lầm đó là quan điểm của nghệ sĩ. Như gần đây trên facebook, một số người nhận được lời mời kết bạn với trang facebook của nhà thơ Hữu Thỉnh và họ đã vui vẻ nhận lời; vì không tin sao được khi giao diện của trang facebook là ảnh nhà thơ tươi cười và trụ sở Hội Nhà văn ở số 9 phố Nguyễn Ðình Chiểu. Nhưng sau khi kết bạn, mọi người mới biết đó là trang facebook giả. Trong lĩnh vực kinh tế, phải kể tới vụ ba đối tượng tung tin bịa đặt trên mạng về việc bắt giữ lãnh đạo một ngân hàng. Dẫu chỉ là tin đồn trên blog, được MXH lưu truyền song trên thực tế đã gây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường chứng khoán, khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, tỷ giá USD liên ngân hàng đã tăng từ 20.900 VND/USD lên 21.000 VND/USD. Thiệt hại là vậy, nhưng theo pháp luật hiện hành, hành vi của các đối tượng này chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức 10 triệu - 20 triệu đồng!

Theo khảo sát của VitalSmarts, đã có không ít gia đình hục hặc vì ảnh của thành viên gia đình bị tung lên mạng trong các diện mạo xấu hổ, không ít nhân viên các cơ quan và công ty mượn facebook để nói xấu đồng nghiệp, nói xấu lãnh đạo. Biết thế, nhưng chính các "khổ chủ" cũng không tìm ra cách để chặn hay xóa trang facebook đó. Và chủ các website, blog, facebook giả vẫn ngang nhiên hoạt động, chủ yếu vì không bị xử lý. Ðặc biệt, giới tội phạm còn lợi dụng MXH để kiếm tiền, như các nghi phạm trong một số vụ trộm ở Oregon và Utah (Mỹ) khai rằng, chúng cuỗm được hơn 120.000 USD nhờ nắm được thông tin nạn nhân tải lên facebook. Trước tình trạng vi phạm quyền riêng tư, lừa đảo, xâm phạm an ninh quốc gia trên internet ngày càng nghiêm trọng, các quốc gia đã tăng cường biện pháp quản lý nhà cung cấp dịch vụ mạng, quản lý người sử dụng internet. Tuy nhiên, internet đang là một "thế giới" lẫn lộn giữa ảo và thật; xen lẫn với cái tốt, cái hữu ích là cái xấu, cái nguy hại với đủ kiểu lừa đảo, trộm cắp, đánh cắp email, mật khẩu, thông tin, xâm phạm đời tư, vu cáo, bịa đặt... Ðó là "thế giới" đầy khiếm khuyết với vô số quan hệ ảo được thiết lập vì ẩn danh, và sự quản lý lỏng lẻo đến mức kẻ xấu có thể ăn cắp thông tin ngay trước mặt chủ nhân, và có thể chửi bới vô tội vạ mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm đạo đức, pháp lý nào. Thực tế ấy đòi hỏi cần phải có sự quản lý, điều chỉnh của pháp luật; hay nói cách khác, đã đến lúc cần coi quyền riêng tư trên internet là một quyền của con người, cần được pháp luật bảo vệ.

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng thường lý sự rằng, họ chỉ "xây nhà rồi cho thuê", người ở thuê mất tài sản thì phải tự chịu chứ không thể bắt họ phải chịu trách nhiệm! Tuy nhiên internet không phải là "ngôi nhà vật chất", mà là "ngôi nhà tinh thần", thông tin của các blogger, thành viên MXH có được công bố, lan truyền hay không, phụ thuộc vào việc được tạo điều kiện để thông tin lưu thông. Do đó, không chỉ chủ website, blogger, thành viên MXH phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi xâm phạm đạo đức và pháp luật, mà nhà cung cấp dịch vụ cũng liên đới. Thử hỏi, lương tri của người có "nhà cho thuê" để đâu khi một số người Thổ Nhĩ Kỳ dùng twitter để truyền bá lời kêu gọi biểu tình, gây rối loạn và bất ổn chính trị, buộc cảnh sát phải bắt giữ 24 người theo Ðiều 210 Bộ luật Hình sự của nước này vì tội "thúc đẩy hận thù, ác cảm"? Các "chủ nhà" suy nghĩ như thế nào khi ở Bangladesh cảnh sát bắt giữ ba blogger vì bị cáo buộc phỉ báng đạo Hồi, nhà tiên tri Mohammed trên internet, làm bùng nổ một cuộc diễu hành trên khắp nước này vì những người Hồi giáo đòi tử hình các blogger vô thần? Theo ông Molla Nazrul Islam - Phó cảnh sát trưởng Dhaka, thì: "Các blogger đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo của người dân khi họ viết ra những lời lẽ chống lại các tôn giáo khác, chống lại các nhà tiên tri và người sáng lập của các tôn giáo, bao gồm đấng tiên tri Mohammed".

Nghiên cứu gần đây của Pew Internet & American Life cho biết từ năm 2006 đến nay, số thanh thiếu niên viết blog giảm mạnh. Tình trạng blogger bị "già hóa" trước hết là do sự phát triển của MXH, sau nữa là viết blog mất thời gian mà không có thu nhập. Nên một số blogger phải cố tìm nguồn tài chính và thông tin để "nuôi" trang của mình, nếu không blog sẽ thành rác thải trên internet. Có người cho rằng viết blog là một cách tránh kiểm duyệt, trực tiếp đưa ý kiến tới công chúng; nhưng nhiều người lại lo ngại khi blogger không đưa thông tin đáng tin cậy đến xã hội thì hậu quả sẽ không thể lường hết. Thực tế cho thấy, một số người đã sử dụng blog để bôi nhọ, làm nhục người khác, dùng thông tin thiếu căn cứ để hạ uy tín người khác. Thậm chí có blog đưa thông tin bịa đặt về chính quyền, tình hình đất nước, tùy tiện đăng lại thông tin, hình ảnh của báo chí mà không xin phép, thậm chí xào xáo thành tài sản của mình. Có blogger chưa ý thức nghiêm túc về hậu quả của việc truyền bá tin tức sai lạc, miễn là kêu gọi được tài trợ để hoạt động. Vì vậy cần khẳng định, dù thế nào cũng không thể bán rẻ Tổ quốc và lương tâm, từ bỏ trách nhiệm với xã hội; blogger phải chịu trách nhiệm khi họ làm tổn hại tới danh dự người khác, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Nên lưu ý, theo Ðiều 121 Bộ luật Hình sự của nước ta, "tội làm nhục người khác" có thể bị phạt tù đến ba năm, và trách nhiệm xã hội của người viết blog còn được quy định trong nhiều điều luật khác có liên quan.

Hiện ở Việt Nam, với một số trường hợp, việc sử dụng blog, MXH một cách tùy tiện không còn dừng lại ở phạm vi tiêu cực đối với cá nhân, mà trở thành công cụ để một số người thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý đối với vấn đề quản lý internet sao cho vừa phù hợp với cam kết quốc tế, vừa phù hợp với thực tiễn nước ta. Mỗi công dân, tổ chức xã hội cần có ý thức chủ động trong khi đề cao vai trò của Hiến pháp và pháp luật, sẵn sàng nhờ tới sự can thiệp của cơ quan pháp luật nếu bị vu cáo, xúc phạm, ăn cắp thông tin qua internet. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm để xử lý các website, blog, ngăn chặn việc lợi dụng MXH làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Các nhà cung cấp dịch vụ internet cũng không thể vì lợi nhuận mà lơ là trách nhiệm đối với xã hội, con người. Hệ thống giáo dục nhà trường cần tổ chức các hình thức giáo dục, tuyên truyền giúp học sinh nắm bắt được tính văn hóa khi hoạt động trên internet. Và khi pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của internet, các blogger, người tham gia MXH cần thể hiện trách nhiệm xã hội qua entry, status, comment. Việc này không chỉ nâng cao uy tín của mỗi người, mà còn thể hiện tính tích cực xã hội, làm cho họ trở thành tấm gương người khác, nhất là thế hệ trẻ, học tập và noi theo.