Bình luận - phê phán

 Những đòi hỏi phi lý và trịch thượng!

NDO -  Như có sự chuẩn bị để phối hợp có lớp lang, bài bản, mỗi khi tại Việt Nam diễn ra một sự kiện quan trọng thì các đài BBC, VOA, RFA, RFI đăng tải tin tức, bình luận theo lối bóp méo, xuyên tạc, hoặc mời gọi vài gương mặt cũ chưa bao giờ có ý kiến thiện chí với Việt Nam tới phỏng vấn, một số tổ chức quốc tế nhân danh nhân quyền cũng lập tức sản xuất các loại "tuyên bố, thông cáo" hoặc gửi thư đưa ra các yêu sách, đòi hỏi phi lý trịch thượng,...!

Ngày 21-10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII của nước CHXHCN Việt Nam khai mạc tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận để thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Ngày 22-10, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã gửi thư tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam (đăng trên các trang mạng) với thái độ và lời lẽ trịch thượng để "thúc giục" Việt Nam bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền trong bản Hiến pháp 1992 sửa đổi! Vậy HRW là tổ chức gì mà tự cho mình "quyền" can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam như vậy?

 Mở đầu thư gửi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, HRW tự quảng cáo họ là một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận, với hơn 400 nhân viên trên toàn cầu, đã công bố hơn 100 báo cáo và hàng trăm đánh giá về tình trạng nhân quyền tại khoảng 90 quốc gia. Ðối với Việt Nam, HRW đã "nghiên cứu" về tình hình nhân quyền trong hơn hai thập niên vừa qua và từng đưa ra "khuyến nghị" đối với Chính phủ và Quốc hội Việt Nam về nhiều các vấn đề khác nhau! Tuy nhiên, những dòng quảng cáo này lại không phản ánh đúng bản chất của HRW, chỉ là tự thêu dệt để lừa dối dư luận, bởi trên thực tế, dựa trên quan niệm "tiêu chuẩn kép" về nhân quyền, chưa bao giờ tổ chức này công tâm khi đánh giá tình hình nhân quyền, và HRW đã bị nhiều cơ quan thông tin đại chúng cũng như chuyên gia, nhà nghiên cứu trên thế giới lên án. Ông trùm truyền thông Rupert Murdoch từng chỉ trích đội ngũ chuyên gia của HRW không đủ kiến thức chuyên sâu, trong khi đó Robert L.Bernstein - người sáng lập HRW, lại cáo buộc tổ chức này áp dụng phương pháp nghiên cứu "nghèo nàn", dựa vào nhân chứng mà không cần kiểm chứng lời kể của họ, hoặc nếu có đưa ra bằng chứng thì cũng vì mục đích chính trị. Viện nghiên cứu Monitor từng cáo buộc HRW áp dụng phương pháp luận sai lầm, hiểu sai luật pháp quốc tế... Từ phương pháp nghiên cứu như vậy, liệu có thể tin vào sự khách quan, tính chính xác trong báo cáo, đánh giá mà HRW tự cho mình "sứ mệnh" điều tra và đánh giá, rồi tự cho mình có thái độ "công tâm" khi tiếp cận tình hình nhân quyền trên thế giới? Họ còn đưa ra các khuyến cáo đối với các quốc gia, nhưng chính họ lại luôn bảo lưu định kiến cố hữu mà đằng sau đó là mưu toan tính chính trị đối với các chính phủ cánh tả và các nước phát triển theo mô hình XHCN như Venezuela, Bolivia, Ecuador, Việt Nam... Tháng 3-2013, trên tờ Critical Legal Thinking, nhà báo Garry Leech đã chỉ mặt vạch tên HRW khi cho rằng với các nước ở châu Mỹ la-tinh như Venezuela, Bolivia, Ecuador hay Cuba, HRW chỉ tập trung chỉ trích các vụ việc về quyền dân sự, chính trị, trong khi phớt lờ các thành tựu ấn tượng về bảo đảm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ tại các quốc gia này. Ðối với Mỹ, báo cáo nhân quyền của HRW chỉ quan tâm đến thành tựu bảo đảm tự do, dân chủ và các quyền dân sự, chính trị của người dân, mà không hề đề cập đến các vi phạm nhân quyền trên lĩnh vực kinh tế - xã hội khi Chính phủ Mỹ không bảo đảm lương thực, chỗ ở, dịch vụ y tế cho người dân (theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường Y khoa Harvard năm 2009 có 45.000 người Mỹ tử vong vì không được tiếp cận dịch vụ y tế, còn theo tổ chức Feeding America, ở Mỹ có hơn nửa triệu người vô gia cư, 17 triệu trẻ em bị bỏ đói...)...

 Trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội Việt Nam lần này cũng vậy, mặc dù cố tỏ ra khách quan trong khi hoan nghênh việc Quốc hội đưa dự thảo Hiến pháp ra lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, ghi nhận các sửa đổi liên quan đến quyền sống (Ðiều 21), cấm phân biệt đối xử vì lý do chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (Ðiều 17), cấm phân biệt đối xử về giới tính (Ðiều 27), cấm lao động cưỡng bức và lao động trẻ em (Ðiều 38),... nhưng HRW vẫn "ngựa quen đường cũ" khi đưa ra nhận định phiến diện rằng, chính quyền Việt Nam "sách nhiễu" một số người "can đảm vận động cho những thay đổi trong Hiến pháp"! Không dừng lại ở đó, HRW còn tiếp tục lặp lại các luận điệu vốn rất nhàm mà các thế lực thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam (như tổ chức khủng bố "Việt Tân", "đảng Dân chủ Việt Nam" và RFA, VOA, BBC...) vẫn gieo rắc trong dư luận, từ đó chỉ trích các sửa đổi trong Dự thảo Hiến pháp. Thậm chí HRW còn cho rằng, ngôn ngữ trong Dự thảo Hiến pháp "thiếu chặt chẽ, tăng khả năng hạn chế nhiều quyền cơ bản"! Từ các nhận định sai lầm kể trên, HRW đưa ra cái mà tổ chức này gọi là "kiến nghị quan trọng" đối với Quốc hội Việt Nam, song thực ra là thái độ trịch thượng, xấc xược, tự cho mình quyền "yêu cầu, thúc giục" Quốc hội của một quốc gia độc lập, có chủ quyền phải làm theo điều mà HRW mong muốn!

 Trước hết phải nói rằng, trong khi lên giọng "dạy bảo" các nước trên thế giới phải làm thế này thế kia để bảo đảm nhân quyền, HRW lại không biết, hay họ cố tình không biết, phần mở đầu Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc, khoản 1 Ðiều 1 đã viết rất rõ: "Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa". Ðiều đó có nghĩa là như mọi dân tộc khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam có quyền do "quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa". Vì thế, bất kỳ cá nhân nào quan tâm tới việc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ đều thấy đó là một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, nếu thật sự có thiện chí, HRW cần tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam, và nếu có ý kiến đóng góp thì cần hướng theo mục tiêu mà nhân dân Việt Nam lựa chọn, chứ không thể hướng theo ý muốn của HRW. Với tinh thần cầu thị, Việt Nam hoan nghênh, ghi nhận các ý kiến góp ý mang tính xây dựng, song cũng kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá.

 Các nội dung phi lý trong chỉ trích của HRW liên quan đến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội Việt Nam chỉ là sự lặp lại luận điệu cũ rích vốn đầy rẫy trên internet nên không cần nhắc lại. Ở đây chỉ bàn về cơ sở, "cách tiếp cận" của HRW khi gửi kiến nghị tới Quốc hội Việt Nam. Thực ra thủ đoạn của HRW cũng giống như thủ đoạn của các thế lực thù địch đang mưu toan thực hiện "diễn biến hòa bình" là áp đặt quan niệm "nhân quyền theo kiểu phương Tây" vào Việt Nam. Họ bất chấp sự lựa chọn con đường phát triển, bất chấp các điều kiện, đặc điểm về chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa - lịch sử, tự cho mình quyền được yêu sách, kiến nghị! Bằng việc này, HRW đã chối bỏ vấn đề có tính bản chất: nhân quyền là giá trị cao quý chung được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận và chia sẻ. Nhân quyền không phải là tài sản độc quyền của một nước hay châu lục nào; do đó không ai có thể độc quyền giải thích về nhân quyền của thế giới theo quan niệm riêng, cũng không được tùy tiện áp đặt cách giải thích đó cho khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau có chủ quyền và có quyền bình đẳng như nhau cùng tồn tại trên trái đất. Ðó là nguyên nhân lý giải tại sao các loại quan niệm như "nhân quyền cao hơn chủ quyền", "nhân quyền không có biên giới quốc gia", "nhân quyền không phải là công việc nội bộ của một nước", "nhân quyền không thuộc nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ", thậm chí "những nước phi dân chủ và không quan tâm đến việc tôn trọng nhân quyền đều không được coi là nước có chủ quyền",... đã bị dư luận thế giới vạch rõ chỉ là chiêu bài mị dân, là "giả danh nhân quyền" phục vụ các mục đích đen tối, là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

 Nhân quyền là giá trị chung, song bao giờ cũng hình thành, phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử - xã hội, một điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa nhất định, chịu sự quy định của các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội ở quốc gia, dân tộc đó. Bên những giá trị có tính nhân loại, mỗi quốc gia - dân tộc đều có quan niệm của mình về nhân quyền; đồng thời cố gắng xây dựng cách thức để bảo đảm các quyền con người phát triển phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng. Chính vì thế, trong khi đã ký kết nhiều văn bản quốc tế liên quan tới nhân quyền như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ; Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về quyền trẻ em,... thì Việt Nam cũng luôn cố gắng luật pháp hóa, cụ thể hóa quan niệm tiến bộ về nhân quyền trong cuộc sống để mọi người dân được hưởng các quyền của mình. Trong những năm qua, thành tựu về quyền con người ở Việt Nam đã được Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc đánh giá cao, đồng thời được dư luận tiến bộ trên thế giới hoan nghênh và ủng hộ. Do đó, trên con đường hoàn thiện để phát triển, các quy định liên quan tới quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chính là các tiêu chí cụ thể đáp ứng tiêu chuẩn chung về nhân quyền thế giới đồng thời, là sự vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế tại Việt Nam, để từ đó chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới hơn về nhân quyền, để nhân quyền của mọi người dân ngày càng được khẳng định và bảo đảm trong cuộc sống.