Bình chẳng mới, rượu có cũ?

Ngày 2/1/2023, ngay đầu năm mới, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel là ông Eli Cohen, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh cam kết duy trì "giải pháp hai nhà nước" đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, trong quan hệ giữa Israel và Palestine.
0:00 / 0:00
0:00

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, ông Anthony Blinken phản đối các chính sách gây nguy hiểm cho triển vọng của giải pháp này. Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Israel, về những nỗ lực liên tục của Mỹ nhằm thúc đẩy các lợi ích chung như tiến trình hội nhập khu vực hơn nữa của Israel; việc giải quyết các thách thức chung, trong đó có mối đe dọa từ Iran; đồng thời thúc đẩy các giá trị cốt lõi của mối quan hệ song phương trong nhiều thập niên qua.

Có lẽ cũng cần nhắc lại, đúng ngày Quốc khánh Mỹ 14/7/2022, tại Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel khi đó, ông Yair Lapid, đã ký "Tuyên bố chung Jerusalem", trong đó Mỹ "khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước, và hướng tới thúc đẩy tạo điều kiện cho người dân Israel và Palestine được hưởng các biện pháp công bằng, bảo đảm cho an ninh, tự do và thịnh vượng".

Trong, lúc này, tại chính trường Israel, vị trí Thủ tướng đã trở lại với ông Benjamin Netanyahu, với tư cách là người đứng đầu liên minh cánh hữu Israel. Không ai khác, đương kim thủ tướng Israel cũng chính là người tiếp nhận và thực hiện "kế hoạch hòa bình mới cho Trung Đông" mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công bố ngày 28/1/2020.

Điều đáng chú ý là đây: Điểm mấu chốt trong bản kế hoạch dày 80 trang ấy vẫn là "giải pháp hai nhà nước", nhưng nó được diễn giải theo một hướng tiếp cận gây nên những phản ứng trái chiều.

Cụ thể, cựu Tổng thống Mỹ đề xuất thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, áp dụng một số điều kiện nghiêm ngặt kèm theo. Ngoài ra, Jerusalem vẫn là thủ đô "không thể tách rời của Israel". Những điều kiện nói trên bao gồm việc nhà nước Palestine trong tương lai phải "phi quân sự hóa", đồng thời công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư được xây dựng trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Ông Donald Trump phác thảo một tương lai mà ông gọi là "bình minh mới", với một khoản đầu tư trị giá 50 tỷ USD "nhằm xóa bỏ sự khốn khổ của người Palestine, và người Israel sẽ không làm tổn hại đến an ninh của họ".

Chính vì thế, ông Benjamin Netanyahu từng ca ngợi đề xuất ấy là "kế hoạch tuyệt vời cho Israel, cho hòa bình" và ông Trump là "người bạn tuyệt vời nhất mà Israel từng có ở Nhà trắng".

Cũng chính vì thế, nhân dân Palestine, đứng đầu là Tổng thống Mahmud Abbas, kiên quyết bác bỏ kế hoạch đó, đồng thời chỉ trích Tổng thống Mỹ thiên vị Israel, cũng như phớt lờ quyền lợi chính đáng của Palestine. Bên ngoài phạm vi "Đất Thánh", trong khi châu Âu và Liên hợp quốc hoan nghênh kế hoạch của ông Trump thì các quốc gia Hồi giáo phản đối dữ dội. Cùng lúc, một số nước khác kêu gọi cách tiếp cận cân bằng và đối thoại mở.

Thế rồi, theo dòng thời cuộc, dưới sự thúc đẩy của những triển vọng hợp tác và những lợi ích kinh tế đầy quyến rũ, lần lượt đã có bốn quốc gia (Morocco, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Sudan) ký kết Hiệp định Abrams để bình thường hóa quan hệ với Israel.

Và hiện tại, cho đến tận những ngày đầu năm 2023 này, nguy cơ xung đột bùng nổ vẫn luôn hiện hữu, khi mối quan hệ giữa Israel - Palestine vẫn luôn căng thẳng.

Thực tế, sau khi tiếp quản Nhà trắng, chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm vẫn "để yên" cho Israel tiếp tục tiến trình bình thường hóa quan hệ với các nước Arab Hồi giáo láng giềng, như đã được vạch ra từ thời ông Donald Trump.

Và thực tế, trong thỏa thuận mà đảng Likud của ông Netanyahu ký với đảng cực hữu Religious Zionism (vốn ủng hộ vấn đề xây dựng các khu định cư Do Thái) do ông Bezalel Smotrich đứng đầu, nhằm thành lập chính phủ liên minh, Thủ tướng Israel Netanyahu cam kết sẽ soạn thảo và thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967.

Vậy thì, ai dám chắc, "giải pháp hai nhà nước" mà Washington hiện tại đang ủng hộ sẽ mang diện mạo cụ thể như thế nào?