Bình an và gian khó

Đã tròn một năm, kể từ ngày những đoàn quân thuộc phong trào Hồi giáo vũ trang Taliban tiến vào Thủ đô Kabul, chấm dứt 20 năm "binh lửa" tại Afghanistan. Tuy nhiên, dù sự yên bình xem như đã hoàn toàn được vãn hồi trở lại, trước mắt chính quyền cũng như người dân đất nước Nam Á ấy, vẫn còn đang là trùng điệp khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00

Hơn cả tâm lý phản kháng sự hạn chế những quyền lợi dành cho phụ nữ hay trẻ em mà truyền thông phương Tây đang tập trung khai thác, Afghanistan đang đối diện những thách thức vô cùng khắc nghiệt, về các vấn đề kinh tế và xã hội.

Đến mức độ, đúng ngày 15/8, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) hối thúc các chính phủ và các nhà tài trợ "gạt quan điểm chính trị sang một bên đối với chính quyền Taliban", để nối lại viện trợ đến các cơ quan của Afghanistan nhằm giải quyết tình hình nhân đạo tại đây.

Theo ICRC, Afghanistan đang đối mặt tình trạng nghèo đói, hạn hán và suy dinh dưỡng ngày càng nghiêm trọng khiến hơn 50% trong tổng dân số 40 triệu người của nước này phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. Hiện 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể lo đủ các nhu cầu cơ bản, khoảng 22,8 triệu người (hơn 50% dân số) không được bảo đảm an ninh lương thực và ba triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Khoảng 25 triệu người Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, chiếm hơn một nửa dân số. Liên hợp quốc ước tính: Afghanistan có thể mất tới 900.000 việc làm trong năm nay, khi nền kinh tế tiếp tục đình trệ.

Đây là một bài toán cực kỳ hóc búa, đối với những nhà lãnh đạo Taliban.

Thực tế, tình trạng trật tự trị an ở Afghanistan lúc này khả quan hơn nhiều, so với 20 năm trước đó, kể từ khi lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu tiến vào Kabul năm 2001. Tuy nhiên, nền kinh tế Afghanistan lại đang phải chịu sức ép rất lớn, từ bên ngoài.

Trước khi Taliban giành kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% GDP của Afghanistan và chiếm 80% ngân sách của nước này. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, phương Tây đã "đóng băng" gần chín tỷ USD tài sản của Afghanistan. Họ mới chỉ nhận được khoảng một tỷ USD tiền viện trợ để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.

Chính quyền Taliban đang yêu cầu được trả lại khoản ngân sách bị đóng băng nói trên, nhưng các cuộc đàm phán đều đang rơi vào bế tắc. Mới ngày 24/7, một hội nghị quốc tế kéo dài hai ngày tại Thủ đô Tashken của Uzbekistan đã được tổ chức, với chủ đề "Afghanistan: An ninh và Phát triển kinh tế", nhằm giúp quốc gia Tây Nam Á này phục hồi sau xung đột và xây dựng các kế hoạch hỗ trợ nhân đạo. Ở đó, có sự tham dự của khoảng 100 phái đoàn chính phủ và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, mọi tiến trình xem như vẫn đang không có mấy tiến triển, do vướng mắc các xung đột về quan điểm.

Ngày 14/8, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nêu rõ: Afghanistan cần phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, bao gồm việc duy trì và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị.

EU cũng khẳng định: Việc khối này cung cấp hỗ trợ nhân đạo cơ bản cho người dân Afghanistan phụ thuộc vào yếu tố Afghanistan là một quốc gia ổn định, hòa bình và thịnh vượng, và Taliban cần duy trì quyền của phụ nữ và trẻ em gái, trẻ em cùng những nhóm sắc tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, không dễ gì để "những người chiến thắng" tròn một năm trước chấp nhận thỏa hiệp với phương Tây, khi họ càng lúc càng siết chặt hơn các giá trị Hồi giáo truyền thống trong cách quản lý xã hội. Cũng ngày 14/8 ấy, đã có những phát súng chỉ thiên được bắn, nhằm giải tán một cuộc biểu tình nhỏ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ (theo Reuters).

Và, hiển nhiên, những nguồn viện trợ hay đầu tư từ nước ngoài, nhằm phục vụ công cuộc tái thiết hoặc đơn giản chỉ là giảm nhẹ những khó khăn trước mắt, cũng vẫn còn ở khá xa xôi…